Dân Việt

Sức bật kinh tế Việt Nam: Phải kiếm được "miếng bánh" lớn hơn trong chuỗi giá trị

Huyền Anh 30/04/2021 09:00 GMT+7
Là nền kinh tế mở với việc tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành "công xưởng" lớn của thế giới khi chuỗi sản xuất, cung ứng của nhiều nhà đầu tư nước ngoài được dịch chuyển đến.

Cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ là sức bật tăng trưởng kinh tế toàn diện, bền vững. Với 15 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường khắp thế giới. Phần lớn các rào cản trong thương mại quốc tế dần được dỡ bỏ, thủ tục pháp lý cũng tối giản hơn...

Cùng với đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác. Đặc biệt, từ tháng 3/2021, Hãng Apple của Mỹ bắt đầu đặt dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. Google và Microsoft cũng đang triển khai việc tương tự…

gop/ Sức bật kinh tế nhìn từ chuỗi giá trị - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu (Trong ảnh: Xe tải của Amazon.com ở một nhà kho tại đảo Staten, thành phố New York, Mỹ). Ảnh: Reuters

Theo một khảo sát của VCCI cho thấy, mới chỉ 36% DN Việt tham gia vào mạng lưới sản xuất, bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, trong khi, tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và vươn lên mạnh mẽ bởi sau đại dịch Covid-19.

Việt Nam kiếm được rất ít trong chuỗi giá trị

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, phân tích, việc tham gia vào mạng sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị kể cả trong nước và chuỗi giá trị mang tính toàn cầu chính là "chìa khóa" để các DN đảm bảo đầu vào - và đầu ra trong hoạt động sản xuất.

Khi đầu vào và đầu ra ổn định, tăng trưởng tốt, DN sẽ yên tâm đầu tư chiều sâu và đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Từ đó, tối ưu hóa năng suất, hiệu quả kinh doanh, đặc biệt sẽ nâng cao được giá trị đóng góp của DN vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. "Mỗi DN là một "tế bào" của nền kinh tế, DN phát triển sẽ tạo "cú hích" phát triển của cả nền kinh tế" - ông Thịnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng, sự tham gia của các DN Việt trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp so các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, mới chỉ 36% DN Việt tham gia vào mạng lưới sản xuất, bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, trong khi, tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%.

Số liệu thống kê khác cũng cho thấy, Việt Nam "kiếm được" rất ít trong chuỗi giá trị dù có nền kinh tế "mở" hàng đầu thế giới.

Theo đó, năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị, xếp thứ 55/174 quốc gia. Con số này chưa bằng 25% của Philippines (84,4 tỷ USD), quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á và đứng trên Việt Nam trong bảng xếp hạng (34/174).

gop/ Sức bật kinh tế nhìn từ chuỗi giá trị - Ảnh 3.

Việt Nam cần các doanh nghiệp đủ tầm dẫn dắt “cuộc chơi” chuỗi giá trị (Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Tổng Công ty May 10). Ẩnh: L.T

Thực tế, các DN Việt Nam đang tham gia ngày càng nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ ở các "mắt xích" có giá trị thấp.

Nguyên nhân là do, các DN trong nước đa phần quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm khoảng 98% tổng số DN đang hoạt động trong nền kinh tế), có trình độ công nghệ không cao, năng lực tài chính hạn chế, khả năng tích tụ và đầu tư đổi mới công nghệ thấp, hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao...

Hơn nữa, tại một số địa phương, một số ngành công nghiệp trọng điểm và truyền thống đang bị suy yếu sức tăng trưởng trong khi nhiều địa phương vẫn chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự.

Nhiều cơ hội tốt

Thừa nhận, giá trị đóng góp từ chuỗi giá trị đối với nền kinh tế nước nhà còn khiêm tốn, nhưng theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, muốn kiếm được "miếng bánh" lớn hơn, Việt Nam phải vươn lên dần dần, không phải ngay lập tức đã có thể trở thành người đứng đầu trong chuỗi giá trị.

"Việt Nam là "người đến sau" nên giá trị mang lại còn thấp là điều đương nhiên. Vấn đề đặt ra là, chúng ta phải vươn lên dần dần nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có cơ hội để vươn lên nhanh hơn nữa trong chuỗi giá trị. Thay vì sau 20 năm chúng ta vẫn ngồi bàn về câu chuyện này thì có thể chỉ cần tới 5 hay 7 năm" - ông Thành nhấn mạnh.

Giải pháp trọng tâm tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và điểm trọng yếu trong cải thiện môi trường kinh doanh đó chính là câu chuyện về thể chế. Đồng thời, phải nâng cao được năng lực nội tại của bản thân DN từ kỹ năng quản trị, áp dụng khoa học công nghệ, kỹ năng lao động…

Nhìn rộng hơn, theo vị chuyên gia này, muốn tham gia sâu hơn trong mạng sản xuất, vươn lên trong chuỗi giá trị, đó là tìm nguồn FDI có chất lượng và 1 trong những nguồn FDI có chất lượng nhất đó là phải có tính lan tỏa.

Dưới góc nhìn của mình, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh thừa nhận, sau đại dịch Covid-19 xảy ra kinh tế Việt Nam đang đứng trước "bước ngoặt lớn" để vượt lên trở thành quốc gia phát triển.

Đây là thời kỳ quan trọng để đưa Việt Nam từ nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp hiện nay lên vị trí nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tiếp đó trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

"Phát triển chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh trong nước để tạo ra các chuỗi giá trị thuần Việt, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu là 2 việc không thể tách rời, cần phải làm đồng thời. Tạo chuỗi giá trị sản xuất trong nước, giá trị mang lại cho nền kinh tế sẽ được tối ưu và tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu nhằm tận dụng cơ hội, điều kiện để kinh tế phát triển nhanh, toàn diện và bền vững" - ông Thịnh nhấn mạnh.

Vấn đề ở đây, theo ông Thịnh là phải tìm được "người dẫn dắt" trong "cuộc chơi" chuỗi giá trị. "Người dẫn dắt" này chính là những DN đầu tàu có năng lực tài chính mạnh; có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới; năng lực lôi kéo, kết nối giữa các doanh nghiệp khác cùng tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh, năng lực đổi mới sáng tạo…

"Tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhưng đồng thời phải nâng cao tính độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, thách thức và tận dụng được những cơ hội để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển sắp tới" - ông Thịnh lưu ý.