Hậu Giang: Tín hiệu vui từ mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị

Thứ tư, ngày 24/03/2021 19:03 PM (GMT+7)
Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp tạo ra chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh triển khai qua mô hình “Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trong giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn huyện Phụng Hiệp” đã mang lại hiệu quả.
Bình luận 0

Theo ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, Văn phòng đã phối hợp với huyện Phụng Hiệp thực hiện mô hình nhằm giúp nông dân cùng một địa phương tham gia chuỗi sản xuất liên kết không bị manh mún, tập trung với số lượng lớn, đủ cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp.

Hậu Giang: Tín hiệu vui từ mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị - Ảnh 1.

Mô hình trồng bưởi da xanh được ngành chức năng hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ giúp HTX nói chung và nông dân huyện Phụng Hiệp nói riêng tăng thu nhập.

Thực hiện mô hình còn có sự tham gia của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phát Tài đã tập hợp được những thành viên, nông dân tâm huyết, sản xuất nông sản theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Theo đó, năm 2018, mô hình khởi động với diện tích sản xuất bưởi da xanh là 25ha. Bà con tham gia đã được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng ngừa sâu bệnh; hỗ trợ 500 cây bưởi da xanh giống/ha; phân hữu cơ bổ sung cho cây theo từng giai đoạn trồng. 

Bà Lê Thị Thuyền, hộ tham gia mô hình, cho biết: “Được cán bộ kỹ thuật tập huấn kiến thức trồng bưởi, tôi rất an tâm. Ban đầu tôi cũng sợ, vì lo cây khó phát triển trên đất này. Bởi từ trước tới giờ, tôi quen trồng mía với lúa. Hơn nữa, được hỗ trợ 100% chi phí cây giống, phân bón, thuốc và hệ thống tưới nên tôi thấy trồng loại cây mới được dễ dàng hơn”.

Qua từng năm, dưới sự hỗ trợ của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và ngành nông nghiệp địa phương, cây bưởi da xanh trên vùng đất khó dần bén rễ, phát triển tốt. Người dân tham gia mô hình nhận được thêm phân bón hữu cơ khoáng, phân sinh học và đầu tư hệ thống tưới trong giai đoạn phát triển cho cây. 

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho hay: Phòng đã hỗ trợ cho nông dân bằng nhiều nguồn lực như kỹ thuật, theo dõi, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, phòng còn hỗ trợ nạo vét khép kín khu vực trồng bưởi với chiều dài 3.000m, tổng kinh phí 700 triệu đồng.

Nhờ sự tận tâm, hiệp lực giữa ngành chức năng và nông dân, sau 3 năm, cây bưởi đã ra hoa và cho những trái chiếng đầu tiên tươi ngon, chất lượng. Bà Lê Thị Thuyền cho biết thêm: “Cuối năm 2020, 2,6ha bưởi của tôi đã thu hoạch được 120kg, bán với giá 35.000 đồng/kg. Tết cũng có đồng ra đồng vào, có nguồn thu lo cho gia đình”.

Mô hình không chỉ cầm tay chỉ việc, giúp thành viên hợp tác xã và người dân trong khu vực sản xuất theo chuỗi, ứng dụng phân bón vừa an toàn theo công nghệ mới mà còn giúp tạo dựng thương hiệu thông qua chứng nhận VietGAP. 

Bưởi được tổ chức sản xuất, theo dõi từ những ngày đầu gieo trồng, an toàn từng khâu bón phân, cách ly thời gian phun thuốc. Khi trái hình thành thì được bao bằng túi bao trái tránh sâu bệnh và giữ được độ tươi ngon. Năm vừa qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã đăng ký và được chứng nhận VietGAP cho sản phẩm bưởi da xanh của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phát Tài.

“Vì bưởi của HTX được trồng quy mô lớn, quá trình chăm sóc được bón bằng phân hữu cơ, vi sinh, áp dụng tốt yêu cầu của chuẩn VietGAP. Tôi đã đến đây cùng liên kết với HTX Nông nghiệp Tân Phát Tài để hướng đến thu mua, cung ứng cho thị trường theo hướng ký hợp đồng bao tiêu đầu ra”, ông Trần Bá Sơn, Giám đốc Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP ở huyện Châu Thành, thông tin.

 Ông Đặng Thanh Vân, Giám đốc Hợp tác xã Nông Nghiệp Tân Phát Tài, chia sẻ: “Để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm bưởi của HTX, hướng tới HTX sẽ tiếp tục sản xuất theo đúng tiêu chuẩn của hợp đồng, tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc và còn dần nâng lên chuẩn GlobalGAP. Bởi HTX đã có bước liên kết với HTX trái cây sinh học OCOP hướng đến việc đưa trái bưởi ra xuất khẩu thị trường ngoài nước”.

Sau 3 năm thực hiện mô hình, dù bưởi bước đầu giai đoạn thu trái nhưng đã tạo được tín hiệu vui, giúp nông dân có được những hợp đồng mới, nguồn lợi mới. Mô hình đã làm tốt công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hiệu quả cho vùng đất khó. 

Càng vui hơn, khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp bao tiêu hỗ trợ đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Đồng thời, mô hình liên kết cũng giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. 

Bên cạnh những lợi ích đó, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.

“Mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trong giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn huyện Phụng Hiệp” do Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện. Tổng nguồn vốn hỗ trợ dân là 100% không hoàn lại với trên 2,82 tỉ đồng cho 17 hộ dân, bao gồm 12.500 cây giống; hơn 210 tấn phân hữu cơ, phân hữu cơ khoáng, phân sinh học… vào từng giai đoạn trồng bưởi cho nông dân; mở 6 lớp tập huấn cho hơn 160 học viên tham gia; lắp ráp 11 hệ thống tưới tự động; xây dựng mô hình VietGAP với tổng kinh phí 183 triệu đồng.

Trúc Linh (Báo Hậu Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem