Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 29/4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tờ SCMP trích dẫn thông tin từ tạp chí thuộc tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc cho rằng, lực lượng dân quân biển Việt Nam hoạt động ở vùng biển gần quần đảo Hải Nam, Hoàng Sa, Trường Sa đã đe dọa lực lượng thực thi pháp luật hàng hải và an ninh quốc phòng của Trung Quốc. Tờ này cũng đề xuất chính quyền Trung Quốc tăng cường thực thi pháp luật với tàu cá Việt Nam và tăng cường lực lượng hải cảnh đến khu vực này.
Ông Việt khẳng định: "Việt Nam bác bỏ những thông tin không đúng về lực lượng dân quân tự vệ biển của Việt Nam".
Theo đó, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ và toàn dân. Theo luật dân quân tự vệ năm 2019, dân quân tự vệ biển là một thành phần của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển và tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển đảo.
"Dân quân tự vệ biển và các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển tuyệt đối tuân thủ luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển của LHQ năm 1982 (UNCLOS)", ông Việt nói thêm.
Cũng trong họp báo cùng ngày, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định quy chế cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ban hành mới đây đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, và trái với thỏa thuận về giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trước đó, hôm 27/4, Trung Quốc tiếp tục ra lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè năm nay, bắt đầu từ ngày 1/5 tới 16/9. Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Hải cảnh Trung Quốc tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ hơn "đối với các khu vực ven biển của Trung Quốc nhằm đảm bảo thực thi pháp luật trong lệnh cấm đánh bắt mùa hè bắt đầu từ 1/5".
Tuyên bố này cho biết Hải cảnh cũng như các cơ quan liên quan sẽ tăng cường tuần tra nhằm giám sát các tàu đánh bắt cá và các vùng biển quan trọng.
Trả lời về phản ứng của Việt Nam, Phó phát ngôn Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt ngày 29/4 nhắc lại: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Việt Nam cho rằng việc tiến hành các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật biển cần được tiến hành phù hợp với các quy định liên quan của UNCLOS, và không được làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của các quốc gia liên quan khác.
"Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc. Quy chế này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của tuyên bố của các bên ở Biển Đông DOC, trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc", ông nói.
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc năm nay có phạm vi bao phủ các vùng biển như Bột Hải, biển Vàng, biển Hoa Đông, và các vùng biển phía bắc từ vĩ tuyến 12 hải lý. Trung Quốc hàng năm đều đơn phương thông báo lệnh cấm đánh bắt cá với lý do bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản, song các lệnh đánh bắt này thường xuyên xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Năm nay, trong bối cảnh Trung Quốc ban hành luật hải cảnh mới, lệnh trên càng gây lo ngại.