Dân Việt

Tỉnh Lai Châu bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái theo "Lời Bác dặn trước lúc đi xa"

Thuý Hạnh - Tuệ Linh 15/05/2021 08:07 GMT+7
Bao đời nay, giá trị văn hóa truyền thống đã được đồng bào dân tộc Thái ở Lai Châu gìn giữ và kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tỉnh Lai Châu đã có nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển, tôn vinh và duy trì những giá trị văn hóa của dân tộc Thái.

Clip: Lễ ra mắt câu lạc bộ bảo tồn văn hoá dân gian dân tộc Thái, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu).

Và chính truyền thống văn hóa ấy đang góp phần xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới.

Văn hóa dân tộc Thái-giá trị tinh thần gắn với phát triển kinh tế

Là cộng đồng dân tộc lớn nhất của tỉnh Lai Châu, chiếm 32% dân số toàn tỉnh, đồng bào Thái ở Lai Châu đã tạo nên một vùng di sản đậm đà bản sắc dân tộc. Những cố gắng ấy đã góp phần tô đẹp bức tranh đa sắc màu văn hóa Lai Châu nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung. 

Lai Châu: Quan tâm bảo tồn và tôn vinh văn hóa dân tộc Thái - Ảnh 2.

Các câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái ở Phong Thổ, Lai Châu thường xuyên mời các cháu học sinh tham gia sinh hoạt văn nghệ và dạy các tiết mục múa hát của dân tộc mình cho các cháu.

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển như hiện nay, ngành Văn hóa tỉnh Lai Châu đã và đang xây dựng được nhiều phương án trong việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc Thái.

Những nét văn hóa của đồng bào Thái đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây.

Về thăm những bản của đồng bào dân tộc Thái ở tỉnh Lai Châu cũng như huyện Phong Thổ, chúng tôi nhận thấy giờ đây nhiều ngôi nhà sàn truyền thống dần được thay thế bởi những ngôi nhà xây kiên cố, kiến trúc hiện đại. 

Hình ảnh những người phụ nữ Thái ngồi dệt vải, dạy con gái thêu thùa trước khi về nhà chồng giờ đây cũng trở nên hiếm gặp.

Chính vì vậy, cốt lõi trong công tác bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa là việc thay đổi tư duy, nhận thức của chính cộng đồng dân tộc Thái trong việc tiếp nhận các yếu tố văn hóa hội nhập, gắn văn hóa song hành cùng phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân. 

Từ đó giúp cộng đồng dân tộc Thái thêm trân trọng và chủ động gìn giữ những di sản văn hoá của ông cha mình để lại.

Lai Châu: Quan tâm bảo tồn và tôn vinh văn hóa dân tộc Thái - Ảnh 3.

Hát then cùng cây đàn tính, là văn hóa không thể thiếu trong dịp lễ Tết.

Ông Điêu Văn Thuyển, hội viên hội văn học nghệ thuật Lai Châu chia sẻ: Từ bao đời nay, những giá trị văn hóa được đồng bào Thái kết tinh, gìn giữ và kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. 

Chính vì vậy, việc bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa sẽ giúp cộng đồng thêm hiểu biết về văn hoá của cha ông; trân trọng và chủ động gìn giữ những di sản truyền thống dân tộc của ông cha để lại.

Theo quan điểm mới hiện nay di sản văn hóa không chỉ tạo ra các giá trị mới về mặt tinh thần mà còn có những giá trị về mặt kinh tế. 

"Chúng ta có thể phát huy những giá trị về văn hóa để tạo ra những động lực thu hút du lịch, phát triển sinh kế cho người dân. Đó là những giá trị mà chúng ta cần phải hướng tới và những nỗ lực trong việc bảo tồn văn hóa nên được đặt vào khuôn khổ như vậy...", ông Thuyển chia sẻ thêm.

Lai Châu: Quan tâm bảo tồn và tôn vinh văn hóa dân tộc Thái - Ảnh 4.

Những điệu múa quạt, hát, đàn tính là những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở Lai Châu cần được bảo tồn, duy trì và phát triển.

Để duy trì và bảo tồn các nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, hàng năm tỉnh Lai Châu đã tổ chức các lễ hội, như: Lễ hội Hoa Ban, Hội diễn nghệ thuật quần chúng; phát động cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, mặc trang phục dân tộc đến trường học; khuyến khích thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn các xã, phường và phổ biến các điệu xòe Thái cho nhân dân trên địa bàn.

"Muốn yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca"

Trong nhiều năm qua, nằm trong hoạt động duy trì và bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc nói chung, dân tộc Thái nói riêng, tỉnh Lai Châu còn triển khai nhiều giải pháp thiết thực khi tổ chức các trò chơi, biểu diễn các tiết mục văn nghệ dân gian trong các lễ hội.

Các làn điệu dân ca cũng được tạo điều kiện để được khôi phục, tái tạo, cải biên, đặt lời mới… đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.

Lai Châu: Quan tâm bảo tồn và tôn vinh văn hóa dân tộc Thái - Ảnh 5.

Dệt vải, xe sợi là nét văn hóa độc đáo, thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ của những thiếu nữ dân tộc Thái.

Các chương trình nghệ thuật của Lai Châu, kể cả chuyên nghiệp và quần chúng đều được phát triển trên nền văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. 

Nhiều tiết mục ca, múa nhạc của Lai Châu tham gia hội thi, hội diễn khu vực và toàn quốc đạt kết quả cao, như: Dân ca Hà Nhì đạt giải C liên hoan dân ca toàn quốc năm 2007, đạt giải B năm 2009; dân ca dân tộc Lào đạt giải A năm 2005 và tác phẩm múa "Mẹ" của dân tộc Thái đạt giải A Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009…

Tỉnh Lai Châu nói chung và huyện Phong Thổ nói riêng đã thành lập nhiều câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái, 100% các bản có đội văn nghệ quần chúng để truyền bá, phổ biến các điệu xòe Thái cổ cũng như những nét văn hóa riêng có của đồng bào dân tộc Thái…

Gần đây nhất, Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái thôn Đoàn Kết, thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ) đã tổ chức phục dựng các nét văn hóa dân tộc Thái như: Múa xoè, đàn tính tẩu, khắp Thái, dệt thổ cẩm cùng nhiều nghi thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc Thái.

Trong những lần phục dựng, những "Câu chuyện gia đình dân tộc Thái" cũng được giới thiệu thông qua không gian trưng bày các vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của người Thái. 

Qua đó đã giúp cho người thưởng lãm có thể hình dung rõ hơn cuộc sống, con người và những nét đặc trưng của đồng bào  dân tộc Thái nơi vùng quê họ đang sinh sống. Từ đó, mọi người tham dự như được sống trong không gian văn hóa truyền thống từ ngàn xưa…

Bà Lò Thị Cầm, thôn Đoàn Kết thị trấn Phong Thổ, người trong đội văn nghệ thuộc Hội bảo tồn văn hóa dân tộc Thái huyện Phong Thổ, cho biết: Mục đích của chúng tôi phục dựng lại văn hoá dân gian của dân tộc Thái là để cho con cháu sau này học tập và không quên được bản sắc dân tộc của mình. Dù có đi xa quê hương thì cũng chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa do ông cha để lại. Mỗi chúng ta  phải có trách nhiệm duy trì, phát huy những giá trị văn hóa đó cho con cháu chúng ta.

Bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa dân gian dân tộc Thái trong nhiều năm ở tỉnh Lai Châu không chỉ mang lại những nét văn hóa dân tộc độc đáo mà còn góp phần tôn vinh giá trị văn hóa của các dân tộc. Qua đó thắt chặt hơn nữa tình cảm gắn bó keo sơn và đoàn kết giữa các dân tộc nói chung và dân tộc Thái nói riêng.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại giúp cho mỗi dân tộc, mỗi người dân Lai Châu nghĩ đúng và làm đúng như những khát vọng sống tươi sáng của dân tộc mình. Đó cũng là cách Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Lai Châu, thực hiện lời Bác Hồ kính yêu đã dạy thể hiện qua nhạc phẩm "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" của nhạc sỹ Trần Hoàn, đó là "Muốn yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca".