Dân Việt

Lào Cai: "Thuần phục" loài nấm rừng mũ to xuất khẩu sang Nhật, chàng trai này thu hơn 10 tỷ mỗi năm

Hải Đăng 04/05/2021 06:00 GMT+7
Trung bình mỗi năm anh Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc Công ty TNHH Hà Lâm Phong ở Sa Pa (Lào Cai) xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loai trên 100 tấn nấm hương khô đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng.
"Thuần phục" loài nấm rừng ở vùng "4 mùa" xuất khẩu sang Nhật kiếm chục tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Ngày 25/4 vừa qua, đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do đồng chí Thào Xuân Sùng - Bí thư Đảng đoàn. Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đến thăm khu sản xuất nấm hương của Công ty TNHH Hà Lâm Phong ở Sa Pa (Lào Cai)

Trao đổi với các thành viên trong đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, anh Việt cho biết, dù đã được "thuần phục" thành công nhưng hiện nnấm hương vẫn là loại khó trồng, dễ bị bệnh, thời gian ươm bịch dài hơn những loại nấm khác. 

Tiết lộ về kinh nghiệm "thuần phục" nấm quý, Giám đốc Công ty TNHH Hà Lâm Phong ở Sa Pa cho hay: Với độ cao trên 1.000m rất phù hợp với việc nuôi trồng nấm hương. Tuy nhiên, quy trình trồng nấm hương vẫn khá phức tạp. Công đoạn đầu tiên là công ty phải mua gỗ bồ đề, mùn cây và một số phế phẩm lâm sản nghiền, trộn với keo mạch, bột thạch cao, sau đó đóng gói, hấp thanh trùng 36h rồi để nguội và cấy giống.

Theo dõi phát triển của bào tử nấm trong khoảng 50 - 60 ngày, sau khi thấy bào tử nấm ăn trắng bịch, công nhân sẽ mang bịch nấm đi săm lỗ lưu thông dưỡng khí cho bịch và đưa lên giàn tại các nhà trồng. 

Khoảng 85 – 90 ngày sau, các bào tử nấm sẽ hình thành quả thể nấm cho thu hoạch. Anh Việt khẳng định: Nấm hương được công ty trồng theo quy trình VietGAP và ứng dụng công nghệ cao nên chúng tôi luôn có những sản phẩm nấm sạch và đạt chất lượng cao cung cấp cho khách hàng.

Sau nhiều cố gắng nỗ lực, cuối năm 2019, anh Việt đã xuất khẩu được lô hàng nấm hương Sa Pa đầu tiên đi Đài Loan. "Là người Việt đầu tiên xuất khẩu được nấm hương sang Đài Loan, một thị trường khó tính và mơ ước của nhiều doanh nghiệp Việt. Chúng tôi thấy rất tự hào", anh Việt nói.

Chia sẻ thêm với đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, anh Việt cho biết, đơn vị của mình đang tiếp tục tìm mặt bằng để mở rộng diện tích trồng nấm hương và một số nấm khác vừa để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Qua thăm quam khu sản xuất nấm của Công ty Hà Lâm Phong, đồng chí Thào Xuân Sùng lưu ý doanh nghiệp này cần phải mở rộng thêm nhà trồng nấm và nâng cấp hạ tầng nhà xưởng để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm quy trình trồng nấm và thu hoạch, thưởng thức các món nấm ngay tại trang trại.

"Thuần phục" loài nấm rừng ở vùng "4 mùa" xuất khẩu sang Nhật kiếm chục tỷ đồng/năm - Ảnh 2.

Đồng chí Thào Xuân Sùng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (người đứng đầu bên trái) khen ngợi, đánh giá cao phương pháp trồng nấm hương của Công ty Hà Lâm Phong.

"Thuần phục" loài nấm rừng ở vùng "4 mùa" xuất khẩu sang Nhật kiếm chục tỷ đồng/năm - Ảnh 3.

Nấm hương được anh Việt trồng trong môi trường sạch có mũ to, dày, thân mập mạp rất giàu dinh dưỡng nên được khách hàng Nhật Bản, Đài Loan rất ưa chuộng đặt mua nhiều.

"Thuần phục" loài nấm rừng ở vùng "4 mùa" xuất khẩu sang Nhật kiếm chục tỷ đồng/năm - Ảnh 4.

Nấm hương được Công ty Hà Lâm Phong thu hoạch sấy khô, đóng gói xuất khẩu sang Đài Loan, Nhật Bản. Với diện tích hơn 3ha, 17 nhà trồng nấm, 13 nhà ươm và 02 nhà cấy nhân giống, mỗi năm Hà Lâm Phong xuất khẩu trên 100 tấn nấm khô.