Dân Việt

Cụ ông 80 tuổi dự thi "Làng Việt thời hội nhập": Viết truyện ngắn như đánh du kích!

Mỵ Lương 07/05/2021 12:00 GMT+7
Dù đã ở tuổi 80 nhưng cụ Bùi Quang My vẫn nhiều đêm thức tận sáng viết truyện ngắn dự thi "Làng Việt thời hội nhập". Cụ còn đích thân đi từ Thái Bình lên Hà Nội để nộp bản thảo cho BTC vì sợ thất lạc mất "đứa con tinh thần".

Tìm đường về nhà cụ Bùi Quang My (sinh năm 1942) ở xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vào một ngày cuối tháng Tư trời mưa tầm tã. Đến nhà người "nghệ sĩ làng" này, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi được nghe cụ kể rất nhiều câu chuyện về thời chiến lẫn thời bình, chuyện gia đình cho đến chuyện làng quê.

Pha ấm trà xanh đón "người từ tòa soạn về", giọng cụ My trầm ấm pha chút lém lỉnh khi nhớ về những đêm viết truyện ngắn dự thi trong âm thầm. Những đêm sáng đèn viết truyện ấy được người cựu binh Trường Sơn ví von: "Chẳng kém những trận đánh du kích vì viết thế nào để tránh bị vợ phát hiện đâu phải dễ dàng gì".

Mỗi khi màn đêm chìm vào tĩnh mịch, cụ My lại được sống với những bay bổng và thăng hoa của một tâm hồn nghệ sĩ. Sáng sớm, cụ lại quay về với vai trò của một thầy thuốc bắt mạch, chữa bệnh cứu người. Thỉnh thoảng, cụ lại gác sang một bên công việc của mình để được đắm chìm trong niềm đam mê của một "họa sĩ làng". Cụ đi khắp làng trên, xóm dưới vẽ tranh, viết biểu ngữ tuyên truyền vận động người dân theo chủ đề. Ai nhờ gì, cụ vẽ nấy. "Cát -sê" đôi khi chẳng đủ tiền mua cây cọ, lọ màu, bao thuốc… nhưng chỉ cần được thỏa đam mê là cụ chẳng nghĩ ngợi gì nhiều.

"Gian dối" để được sống thật với đam mê

Lý do gì mà ở tuổi 80, cụ lại dành thời gian nghỉ ngơi của mình để viết truyện ngắn dự thi "Làng Việt thời hội nhập"? Cơ duyên nào cụ biết đến đến cuộc thi viết truyện ngắn này?

- Từ nhỏ, tôi đã yêu văn nghệ, thích nghe đài, đọc báo… Quãng thời gian trong quân ngũ (cụ My nhập ngũ tháng 8/1964 - PV), tôi từng cùng các đồng đội ở Đoàn 559 chiến đấu trên nhiều mặt trận của tuyến đường Trường Sơn ác liệt. Mãi đến năm 1975, khi đất nước hòa bình, tôi trở về quê hương nhưng vẫn công tác trong quân ngũ và thường phụ trách những công việc như: viết báo cáo cho các thủ trưởng, viết báo tường, vẽ tranh…

Cụ ông 80 tuổi giấu vợ dự thi "Làng Việt thời hội nhập": Viết truyện ngắn như đánh du kích - Ảnh 2.

Cụ Bùi Quang My - tác giả 80 tuổi viết nhiều truyện ngắn dự thi “Làng Việt thời hội nhập". (Ảnh: Mỵ Lương)

Nói chung, cứ công việc liên quan đến viết lách, vẽ vời là tôi mê lắm! Cho nên, tôi vẫn nói với con cháu: "Ơn trời cho tý hoa tay/ Cho nên cái gáo đến nay vẫn còn". Nói rõ hơn, cái gáo ở đây chính là trí não. Và mạng sống này của tôi vẫn còn đến tận bây giờ có lẽ là nhờ tôi có "tý hoa tay". Câu nói này cũng được tôi đề cập trong truyện ngắn "Khoảng trời riêng của bố" – một câu chuyện với nội dung tương đối gần với con người tôi.

Về việc vì sao tôi ở nông thôn, cách xa Hà Nội đến cả trăm cây số nhưng tôi biết báo Nông thôn Ngày nay (NTNN) tổ chức cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" là nhờ trong một lần tình cờ ngồi nghe đài. Tôi vẫn nhớ bản tin đó đề cập đến cuộc thi viết này từ năm 2019 và có thời hạn nộp truyện ngắn kết thúc vào ngày 28/2/2021. Cho nên, tôi đã cố gắng gửi tác phẩm của mình trước thời hạn.

Clip: Cụ ông 80 tuổi hé lộ chuyện giấu vợ con viết truyện ngắn dự thi "Làng Việt thời hội nhập". (Nguồn clip: Mỵ Lương).

Trong quá trình viết truyện ngắn dự thi, có kỷ niệm nào cụ nhớ nhất?

- Có chi tiết này khiến tôi nhớ mãi, đó là khi nghe được thông tin về cuộc thi này, tôi băn khoăn, tò mò không biết thể lệ thi ra sao? Làm sao liên hệ gửi truyện ngắn với tòa soạn? Tôi cũng chưa nhìn thấy tờ báo NTNN như thế nào…

Bao nhiêu câu hỏi, thắc mắc vẫn chưa có lời giải thì hôm đó tôi đi ra thăm đồng. Tôi nhìn thấy trên đầu các cọc tre dùng để quây ruộng lúa, ruộng rau của người nông dân có những tờ báo được buộc lại nghiêm ngắn. Nhìn thấy tờ báo, bất kể là báo gì, cứ trông thấy báo là tôi đã rất thích rồi. Khi mở ra, tôi bất ngờ quá vì tờ báo tôi đang cầm trên tay lại đúng là tờ báo in NTNN. Tôi không ngờ tình cờ đến thế. 

Cụ ông 80 tuổi giấu vợ dự thi "Làng Việt thời hội nhập": Viết truyện ngắn như đánh du kích - Ảnh 4.

"Mỗi truyện ngắn tôi phải đặt bút viết đến 3 lần, có truyện viết đến 4 lần trên giấy trắng, sửa đi sửa lại mới hoàn thành và chép lại 1 lần nữa vào bản chính thức vì tôi không biết đánh máy tính", cụ Quang My chia sẻ.

Điều đáng tiếc là trong tờ báo này lại không có những thông tin về cuộc thi truyện ngắn mà tôi đang tò mò muốn tham gia. Nhưng tôi vẫn không thôi ý định viết truyện ngắn dự thi gửi đến báo NTNN. Tôi âm thầm viết và không cho ai biết.

Thật sự, với một người lớn tuổi như tôi viết truyện cũng gian nan lắm. Mỗi truyện ngắn tôi phải đặt bút viết đến 3 lần, có truyện viết đến 4 lần trên giấy trắng, sửa đi sửa lại mới hoàn thành và chép lại 1 lần nữa vào bản chính thức vì tôi không biết gõ máy tính.

Cụ ông 80 tuổi giấu vợ dự thi "Làng Việt thời hội nhập": Viết truyện ngắn như đánh du kích - Ảnh 5.

Chung sống cùng một nhà, vậy cụ đã giấu cụ bà bằng cách nào? Chính xác cụ bắt đầu viết truyện ngắn từ khi nào và đến nay cụ đã viết được bao nhiêu tác phẩm?

- Đến giờ này tôi vẫn "ủ mưu" kỹ lắm (cười). Lúc bắt tay vào viết, tôi chờ vợ đi ngủ thật say, đến khoảng 22 giờ thì tôi mới bỏ giấy, bút ra viết truyện. Có những đêm tôi ngồi viết đến gần sáng vì đó là khoảng thời gian yên tĩnh để được trải lòng mình cùng cây bút, trang giấy.

Bất chợt có hôm đang viết, bà ấy thức dậy từ khi nào chăm chú nhìn tôi rồi hỏi han: "Sao giờ này ông còn chưa ngủ?". Tôi giật mình, nhanh trí "khai gian" là đang làm chương trình kỷ yếu cho đơn vị cũ của tôi. Tôi nói tôi đang bị họ thúc giục phải làm xong sớm để gửi lên Hà Nội.

Bà ấy cũng vẫn phàn nàn vì thức khuya ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi bảo: "Bà thắc mắc làm gì, tôi phải làm cho xong việc của đơn vị chứ". Thật ra, có nói kỷ yếu là cái gì chắc bà ấy cũng không hiểu đâu (cười).

Cụ ông 80 tuổi giấu vợ dự thi "Làng Việt thời hội nhập": Viết truyện ngắn như đánh du kích - Ảnh 6.

Cụ bà Vũ Thị Đắc (sinh năm 1942) - "người phụ nữ quyền lực" từng khiến cụ My phải "đánh vật" với không ít trai làng mới cưới được bà. Đến nay, cả hai cụ đã gắn bó với nhau hơn 50 năm.

Đến nay, tôi cũng không ngờ được mình có khả năng viết truyện, vẽ tranh... Tôi không nhận mình là "nghệ sĩ", chỉ dám nhận mình có tý hoa tay thôi. Ban đầu, tôi chỉ làm mấy bài thơ nho nhỏ hay gửi những bức tranh tự vẽ cho báo Tiền Phong, Người cao tuổi, Văn nghệ... Nhuận bút đủ tiền mua bao thuốc lá là tôi vui rồi.

Riêng truyện ngắn thì đây lần đầu tiên tôi viết và gửi đến báo NTNN 3 tác phẩm: "Kể về một chuyện tình"; "Khoảng trời riêng của bố"; "Thằng cháu đích tôn". Những tác phẩm này được tôi viết trong năm 2020.

Cụ ông 80 tuổi giấu vợ dự thi "Làng Việt thời hội nhập": Viết truyện ngắn như đánh du kích - Ảnh 7.

Ban đêm được sống với tinh thần và tâm hồn nghệ sĩ, sáng ra, cụ Quang My lại trở về với vai trò của thầy thuốc bắt mạch, chữa bệnh cứu người.

Khi đã viết xong xuôi truyện ngắn dự thi, cụ đã gửi những tác phẩm của mình như thế nào?

- Lại là một hành trình gian nan, có cả "gian dối" trong đó (cười lớn).

Tôi biết nhiều người gửi tác phẩm qua máy tính nhưng cá nhân tôi muốn tận tay gửi những những truyện ngắn này đến báo NTNN để tránh trường hợp bị thất lạc "đứa con tinh thần".

Vốn đã "khai gian" vụ viết kỷ yếu cho đơn vị cũ nên tôi tiếp tục "gian dối". Tôi bảo với vợ con là muốn đến Hà Nội một chuyến thăm lại đồng đội cùng chiến đấu với tôi. 

Tôi hỏi giá 1 chuyến taxi từ quê đến trụ sở báo NTNN xem có đắt không. Hỏi ra mới biết giá cả chuyến đi mất cả bạc triệu. Tôi vẫn quyết tâm phải đi nộp tận tay truyện ngắn của mình hôm 14/1. 

Khi đến tòa soạn, tôi được gặp các nhà báo nhiệt tình giúp đỡ, tiếp nhận tác phẩm của mình khiến tôi vui mừng lắm. 

Có một bí mật nữa là hôm đó tôi đã nhịn đói từ sáng đến chiều. Cụ thể là khi đi nộp những truyện ngắn của mình xong xuôi là tôi lên đường về quê ngay mà không ăn trưa gì cả. Hoa mắt, chóng mặt nhưng về đến nhà tôi vẫn cố giấu không để vợ biết chuyện này kẻo bà ấy mắng.

Cụ ông 80 tuổi dự thi "Làng Việt thời hội nhập": Viết truyện ngắn như đánh du kích! - Ảnh 8.

"Tôi thấy mình may mắn được trải nghiệm đủ cả: Tinh thần chữa bệnh cứu người của một thầy thuốc, người lính và của một người yêu thích văn hóa, văn nghệ bất chấp tuổi tác", cụ My chia sẻ.

"Làng Việt thời hội nhập": Con người, làng quê là chất liệu chính

Vậy đến nay cụ đã "khai thật" với cụ bà chưa?

- Tôi vẫn chưa khai đâu vì tính tôi không thích nói nhiều về những điều mình đang làm hoặc dù có làm được tôi cũng không nói cho ai biết. 

Có lẽ do bản tính, tính cách của con người tôi. Tôi thấy mình may mắn được trải nghiệm đủ cả: Tinh thần chữa bệnh cứu người của một thầy thuốc, người lính và của một người yêu thích văn hóa, văn nghệ bất chấp tuổi tác.

Cụ đã lấy chất liệu và cảm hứng từ đâu để viết nên những truyện ngắn dự thi "Làng Việt thời hội nhập"?

- Tôi lấy chất liệu từ chính con người làng quê, những trải nghiệm của bản thân sau bao năm tháng được sống trong thời chiến, thời bình cũng như sự đổi khác trong đời sống con người thời đại ngày nay.

Cụ ông 80 tuổi dự thi "Làng Việt thời hội nhập": Viết truyện ngắn như đánh du kích! - Ảnh 9.

Từng nhân vật trong truyện ngắn được cụ tóm lược trước khi bắt tay sáng tạo "đứa con tinh thần" của mình.

Nếu để phân định cụ thể thì chất liệu từ đời sống thật trong những truyện ngắn tôi viết phải chiếm hơn 80%. Riêng trong chuyện "Khoảng trời riêng của bố" có lẽ người đọc sẽ thấy rõ được con người tôi nhất. Truyện ngắn này với nội dung đề cập đến tình phụ tử giữa cha với con gái, đức hạnh của cô con gái lấy chồng xa nhà. Cảnh cảm động giữa hai cha con trong giây phút bố hấp hối, âm dương cách biệt. 

"Thằng cháu đích tôn" cũng là truyện tôi lấy chất liệu từ chính cuộc sống, con người làng quê. Có lẽ những người quanh làng, ngõ xóm nhà tôi nếu được đọc truyện này sẽ biết tôi viết về ai ngay. Nhân vật chính cũng là người cháu đích tôn ngoài đời mà tôi đề cập. 

Cụ ông 80 tuổi dự thi "Làng Việt thời hội nhập": Viết truyện ngắn như đánh du kích! - Ảnh 10.

Điều thú vị về truyện ngắn"Kể về một chuyện tình" là ban đầu tôi định lấy tựa đề "Nước mắt của những người cùng giới" để nói đến nỗi buồn của hai bà thông gia trong truyện. Sau đó, tôi nghĩ lại và quyết định để tên truyện ngắn là "Kể về một chuyện tình" nhằm nhấn mạnh tình yêu của đôi trai gái có tên là Cương - Diễm bị môi trường sống, sức mạnh của đồng tiền, nhu cầu... khiến cho cả hai mỗi người một ngã rẽ. Sau tất cả, tình yêu, tình người vẫn đọng lại là thông điệp tôi nhắn gửi đến mọi người dù cuộc sống này có đang thay đổi từng giờ, từng ngày. 

Cụ ông 80 tuổi giấu vợ dự thi "Làng Việt thời hội nhập": Viết truyện ngắn như đánh du kích - Ảnh 9.

Cụ My bảo: "Nếu được tiền thưởng nữa thì chắc chắn tôi sẽ đặt mua báo để đọc".

 Nếu đoạt giải cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" và có được một số tiền thưởng thì cụ dự định sẽ dùng số tiền đó để làm gì?

- Thật sự là khi đã viết truyện ngắn gửi đi, tôi cũng mong nhận được sự ghi nhận nào đó từ phía Ban tổ chức cuộc thi cũng như độc giả. Nhìn thấy tác phẩm của mình được đăng trên Báo NTNN đã là một niềm vui tuổi già với tôi. Còn về giải thưởng nếu được thì càng tốt vì tôi cũng đang… "nghèo" lắm! Thích đọc báo mà không có tiền đây (cười). Cho nên, nếu được tiền thưởng nữa thì chắc chắn tôi sẽ đặt mua báo để đọc.

Trong tương lai, nếu còn sức để viết thì tôi muốn làm một cuốn truyện với tựa đề "Thủ thỉ cùng con cháu". Trong đó, tôi sẽ chia sẻ những câu chuyện gần gũi, thực tế trong gia đình tôi từ thời các cụ, ông bà, bố mẹ để các con, các cháu có những bài học cũng như biết được truyền thống của gia đình, giữ gìn cội nguồn...

Cảm ơn cụ Bùi Quang My đã chia sẻ thông tin!

Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, nhà tài trợ Trường Hải THACO – nhà tài trợ kim cương.