Sáng nay (8/5), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng 3 ứng viên đại biểu Quốc hội khoá XV tiếp xúc cử tri vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử số 1 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Trong phần phát biểu của ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết chương trình hành động, kể cả lời hứa nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội đã được gửi đến cử tri nên xin không nhắc lại văn bản.
"Trong không khí thân tình, xin được tâm sự "ôn nghèo, kể khổ", xin không nhắc lại văn bản đã gửi đến các bác, các anh, các chị. Tôi sinh năm 1944, tức năm Giáp Thân, lâu nay, tôi vẫn nói vui: "người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi, thân em thì ngậm ngùi tuổi Thân", Tổng Bí thư nói vui khi mở đầu câu chuyện với cử tri.
Năm 1944, lúc bấy giờ đất nước đang khó khăn, chưa giành được độc lập. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công rất vĩ đại, nhưng cũng năm đó "đói ghê lắm". Đến năm 1946, toàn quốc kháng chiến, gia đình Tổng Bí thư phải tản cư lên Thái Nguyên.
"Tôi nghe mẹ kể lại, tôi lúc đó mới 2 tuổi được đặt ngồi 1 bên thúng, còn chị tôi ngồi 1 bên để mẹ gánh đi bộ từ huyện Đông Anh lên Thái Nguyên ở nhờ nhà người quen", Tổng Bí thư kể.
Khi 6 tuổi, Tổng Bí thư trở về quê, bắt đầu đi học tại trường ở làng. Khi học lên cấp 2, do địa phương không có trường học, ông phải đi bộ sang học nhờ ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Nhà không có đồng hồ, cứ gà gáy là bố gọi dậy đi học.
Ông đi một mình khi trời chưa sáng hẳn, đi qua các thôn giữa tiếng chó sủa ran, rồi còn phải đi qua bãi tha ma. Khi đến bến đò lại ngồi chờ trời sáng hẳn lái đò mới chở qua sông Đuống. "Khi đó, tôi mới 11, 12 tuổi mà đi bộ từ nhà sang Gia Lâm học. Đi một mình, trời rét, đi chân đất, mặc bộ quần áo nâu, đi qua bãi tha ma rất sợ", Tổng Bí thư cho biết.
Ông học cấp 2, cấp 3 ở Trường Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm rồi đi thi học sinh giỏi Văn toàn quốc, được tuyển thẳng vào Đại học Tổng hợp, Khoa Văn. Thời gian học cũng phải sơ tán lên Thái Nguyên. Sau khi tốt nghiệp, Tổng Bí thư được phân công về Tạp chí Cộng sản từ năm 1967.
Thời học cấp III, do đất nước đang trong hoàn cảnh kháng chiến chống Mỹ, ông đã viết thư tình nguyện đi vào Nam chiến đấu nhưng không được chấp nhận. Cán bộ lúc đó giải thích có người phải đi chiến đấu nhưng có người phải ở lại học để chuẩn bị khi chúng ta giành thắng lợi còn xây dựng đất nước.
Liên quan đến Trường Nguyễn Gia Thiều, vào sáng 14/11/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường Nguyễn Gia Thiều (1950 - 2020). Tổng Bí thư học 6 năm liên tục (1957 - 1963) tại trường này.
Tại đây, Tổng Bí thư xúc động được gặp lại những thầy giáo, cô giáo cũ, được hòa mình giữa lớp lớp thế hệ học trò của ngôi trường một thời gắn bó, những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên, những ký ức sâu đậm thuở học trò lại ùa về. Tổng Bí thư đã bồi hồi kể lại những năm tháng nhiều khó khăn nhưng vô cùng ấm áp, thân thương dưới mái trường này.