"Trở thành ĐBQH sẽ có điều kiện đề xuất, kiến nghị trực tiếp với Quốc hội, Chính phủ tâm tư, nguyện vọng của nông dân"

Hồng Cẩm Thứ sáu, ngày 07/05/2021 18:35 PM (GMT+7)
Đó là chia sẻ của ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tại buổi tiếp xúc cử tri thực hiện quyền vận động bầu cử, chiều 7/5, tại Hội trường UBND thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Bình luận 0

Tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri có hơn 100 cử tri các đơn vị thị trấn Chợ Mới, xã Kiến An, xã Kiến Thành đại diện cho cử tri huyện Chợ Mới.

Trở thành ĐBQH sẽ có điều kiện đề xuất, kiến nghị trực tiếp với Quốc hội, Chính phủ tâm tư, nguyện vọng của nông dân - Ảnh 1.

Ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Chợ Mới chiều 7/5.

Giới thiệu về bản thân cũng như chương trình hành động của mình, ông Lương Quốc Đoàn cho biết, trong quá trình gần 30 năm công tác ông đã có 7 năm công tác ở cơ sở và gần 22 năm được công tác rèn luyện và trưởng thành ở T.Ư Hội Nông dân Việt Nam.

"Tôi rất tự hào và hạnh phúc là người đại diện của nông dân bởi nông dân Việt Nam có vai trò quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong công cuộc đổi mới, nông dân đã làm nên những thành tựu to lớn đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Ngày nay, nông dân đóng góp rất lớn vào xây dựng nông thôn mới, trở thành trụ đỡ để nền kinh tế quốc dân vượt qua mọi tình huống khó khăn như suy thoái, khủng hoảng kinh tế, dịch tả lợn Châu phi, đại dịch Covid - 19…

Tuy nhiên, tôi cũng rất trăn trở và chia sẻ vì nông dân nước ta còn nhiều khó khăn; nông dân vẫn ở thế yếu, dễ tổn thương.

Trở thành ĐBQH sẽ có điều kiện đề xuất, kiến nghị trực tiếp với Quốc hội, Chính phủ tâm tư, nguyện vọng của nông dân - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Chợ Mới ngày 7/5.

Đáng chú ý, gần đây biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh, nhất là thị trường tiêu thụ nông sản chưa ổn định, vấn đề liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa nông sản của nông dân còn nhiều bất cập…

Điều đó đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn lớn, thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn, trình độ lao động nông nghiệp và địa bàn nông thôn còn thấp; ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức sản xuất, trong chế biến và bảo quản nông sản còn hạn chế. Trong đó, có nông dân An Giang"- ông Lương Quốc Đoàn chia sẻ.

Chia sẻ thêm với bà con cử tri, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Hội Nông dân đã có nhiều cố gắng đổi mới công tác, làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho nông dân.

Trở thành ĐBQH sẽ có điều kiện đề xuất, kiến nghị trực tiếp với Quốc hội, Chính phủ tâm tư, nguyện vọng của nông dân - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (người thứ 2 bên trái) cùng các ứng cử viên ĐBQH trao đổi với bà con cử tri bên lề hội nghị.

Hội đã tích cực đề xuất với Đảng, Nhà nước sửa đổi, ban hành một số chủ trương, chính sách tăng cường nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; trong đó có việc sửa đổi Nghị định về quản lý nhà nước về phân bón; ban hành Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, đề xuất sửa đổi Luật Đất đai; Luật Giám sát; Luật dân chủ ở cơ sở…, nhất là việc tham mưu để Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Kết luận số 61 tổng kết 10 năm, qua đó, được Thủ tướng Chính phủ ban Quyết định 516/QĐ-TTg năm 2021 về tiếp tục thực hiện Quyết định 673/QĐ-TTg.

Hội Nông dân đã tổ chức tốt hoạt động hỗ trợ vốn, giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu như: Quỹ hỗ trợ nông dân, nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, tín chấp với Ngân hàng NN&PTNT thông qua Hội Nông dân các cấp để cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp cho nông dân thông qua việc xây dựng các mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, xây dựng các mô hình liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã…

Với chương trình hành động của mình, ông Lương Quốc Đoàn hy vọng được bà con cử tri, chính quyền địa phương huyện Chợ Mới tín nhiệm ủng hộ. Nếu được tín nhiệm bầu là ĐBQH, khóa XV, ông sẽ luôn bám sát nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người cán bộ trên cương vị công tác và nhiệm vụ của người ĐBQH trong đó tập trung vào 4 nhiệm vụ chủ yếu nhất liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn.

Trở thành ĐBQH sẽ có điều kiện đề xuất, kiến nghị trực tiếp với Quốc hội, Chính phủ tâm tư, nguyện vọng của nông dân - Ảnh 4.

Gần 100 cử tri của 3 đơn vị thuộc huyện Chợ Mới tham gia hội nghị tiếp xúc cử tri chiều 7/5.

"Nếu được các đồng chí, bà con, cô bác cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH thì với tư cách là người đứng đầu cao nhất đại diện cho giai cấp nông dân ở Quốc hội, tôi sẽ có điều kiện đề xuất, kiến nghị trực tiếp với Quốc hội, Chính phủ kịp thời hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Riêng đối với bà con cử tri An Giang, nếu trở thành ĐBQH, trên cương vị công tác của mình, tôi sẽ phát huy tốt mối quan hệ mật thiết vốn có và cố gắng cao nhất để tham gia với các cơ quan chức năng của tỉnh nhà đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm cho từng sản phẩm cụ thể.

Hỗ trợ và từng bước hình thành một số doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu giữ vai trò dẫn dắt quá trình thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Tăng cường vận động nông dân sản xuất theo định hướng của doanh nghiệp và hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thành lập hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp…"- Ông Lương Quốc Đoàn cam kết với bà con cử tri.

Tại buổi tiếp xúc cử tri có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề các đại biểu phải giữ lời hứa với cử tri sau khi trúng cử, vấn đề lao động nông thôn, giá cả, đầu ra cho nông sản; tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên, vấn đề đua xe trái phép, chủ quyền biển đảo...

Trở thành ĐBQH sẽ có điều kiện đề xuất, kiến nghị trực tiếp với Quốc hội, Chính phủ tâm tư, nguyện vọng của nông dân - Ảnh 5.

Cử tri Phan Thanh Tùng.

Cử tri Phan Thanh Tùng (ấp Long Hoà, thị trấn Chợ Mới) gửi gắm: "Mong rằng sau khi trúng cử các đại biểu thực hiện đúng những gì mình đã hứa với dân. Thời gian gần đây giá xoài ở huyện Chợ Mới rớt thê thảm, có thời điểm thương lái không mua. Nếu trúng cử ĐBQH mong rằng các đại biểu kiến nghị lên Quốc hội có chính sách bình ổn giá và tìm đầu ra cho nông sản, để bà con yên tâm sản xuất".

Cử tri Nguyễn Tấn Hiệp (Ấp Thị, thị trấn Chợ Mới) phản ánh vấn đề hiện nay bà con cử tri quan tâm là các ĐBQH ý kiến lên Quốc Hội, Chính phủ có giải pháp nào để lao động nông thôn có việc làm tại chỗ, không phải tha hương cầu thực.

Trở thành ĐBQH sẽ có điều kiện đề xuất, kiến nghị trực tiếp với Quốc hội, Chính phủ tâm tư, nguyện vọng của nông dân - Ảnh 6.

Cử tri Nguyễn Tấn Hiệp phát biểu tại Hội nghị.

Trả lời ý kiến của bà con cử tri, ông Lương Quốc Đoàn, cho biết, lao động vùng ĐBSCL dịch chuyển lớn nhất nước, không riêng Bình Dương, Đồng Nai mà khắp các tỉnh phía Bắc. Điều đó cho thấy việc đầu tư cho ĐBSCL còn thấp, dẫn đến tình trạng lao động thiếu việc làm, phải dịch chuyển.

Chính vì thế, trọng điểm đầu tư vào ĐBSCL là giao thông, có giao thông thì doanh nghiệp mới đầu tư vào, mới giải quyết được bài toán việc làm cho lao động nông thôn.

Còn về thực trạng được mùa mất giá, nay là giá xoài thì đã diễn ra từ lâu. Ở đây chúng ta phải nhìn nhận thời gian gần đây diện tích trồng xoài ở An Giang phát triển nhanh, mạnh hơn cả Đồng Tháp.

80% sản lượng xoài xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, chưa xuất khẩu được nhiều theo đường chính ngạch.

Nguyên nhân là do bà con nông dân trồng không theo quy hoạch, chưa đạt tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật, chưa đảm bảo an toàn nên chưa xuất khẩu được thì giá cả sẽ bấp bênh.

Giải pháp đặt ra là bà con phải trồng theo quy hoạch, phải bảo vệ vùng quy hoạch, không phát triển theo phong trào; phải liên kết sản xuất tạo nguồn nguyên liệu ổn định; phải sản xuất theo tiêu chuẩn, bỏ thói quen sản xuất theo thói quen, kinh nghiệm...

"Những điều bà con ý kiến về giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giá cả nông sản, đầu tư giao thông... đều có trong chương trình hành động của tôi. Chính vì thế nếu trở thành ĐBQH tôi sẽ kiến nghị, đề xuất lên Quốc hội, Chính phủ những vấn đề trên giúp cho bà con nông dân ở An Giang nói riêng, nông dân cả nước nói chung"- Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem