Dân Việt

Ông Nguyễn Túc: "Tránh bầu hộ, bầu thay, gạch theo cảm tính"

Thành An (Thực hiện) 12/05/2021 06:30 GMT+7
"Qua kinh nghiệm đúc kết được, điều quan trọng nhất đối với các ứng cử viên ĐBQH là chân thành và thực sự cầu thị", ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa và xã hội nói như vậy khi trao đổi với PV Dân Việt.

ĐBQH, HĐND đừng "đao to búa lớn"

Thưa ông, sau khi công bố danh sách, các ứng cử viên ĐBQH trên cả nước đã và đang thực hiện vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri nơi cư trú. Với một người từng tham gia hiệp thương về nhân sự ở Trung ương cho 7 khóa Quốc hội ông có thể cho biết quá trình vận động bầu cử phải được diễn ra như thế nào để đảm bảo sự công bằng, đúng pháp luật, thưa ông?

- Quy định luật pháp về vận động ứng cử của ứng viên ĐBQH đã có và rất rõ. Việc này được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng hết sức cụ thể đối với người ứng cử và cả những người tự ứng cử. Những người này đều có quyền ngang nhau.

Điều quan trọng nhất của các ứng viên ĐBQH là chân thành và cầu thị - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng T.Ư về các vấn đề văn hóa và xã hội.

Từ kinh nghiệm của mình, theo ông có những vấn đề gì cần lưu ý để ứng viên giới thiệu chương trình hành động của mình đến cử tri một cách hiệu quả nhất?

- Qua kinh nghiệm đúc kết được, điều quan trọng nhất đối với các ứng cử viên là chân thành và thực sự cầu thị. Chân thành là đến với cử tri giống như đến với những người thân chứ đừng quan cách, chính việc này dễ tạo được thiện cảm với người dân.

Tôi cũng đề nghị các ứng viên khi đến tiếp xúc cử tri thì cùng đi chung một xe ô tô chứ không phải mỗi người đi một xe; dân ăn mặc như thế nào thì mình ăn mặc cho dễ hòa đồng chứ đừng comple, cà vạt hoặc đi giày đắt tiền mang dáng vẻ khoe khoang…

Thứ hai, các ứng viên đừng "đao to búa lớn" trong chương trình hành động. Theo đó, chương trình hành động phải xuất phát từ vai trò của mình, xem mình có thể giải quyết được thì đưa vào chương trình hành động, chứ đừng có hứa và rồi sau này không làm được.

Bên cạnh chương trình hành động, có những thông tin gì của các ứng viên cần phải cung cấp cho cử tri nắm bắt được để đưa ra những nhận định, sự lựa chọn được chính xác, thưa ông?

- Các cử tri luôn mong muốn những điều gì bức xúc nhất đối với họ được các ứng viên quan tâm. Cho nên, các ứng viên phải nắm bắt được những bức xúc nhất của dân. Đặc biệt, ứng viên phải nghiên cứu xem địa bàn mình ứng cử đại bộ phận là thành phần gì? Là kinh doanh, nông nghiệp, công nhân, nhiều khu công nghiệp… mỗi thành phần thì phải có yêu cầu khác, những chương trình hành động phù hợp.

Điều quan trọng nhất của các ứng viên ĐBQH là chân thành và cầu thị - Ảnh 2.

Bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp là ngày hội lớn của toàn dân tộc.

Cho nên phải nghiên cứu từ những đặc điểm của cử tri ở nơi mình ứng cử để có những chương trình hành động đáp ứng được những mong mỏi của cử tri và nhân dân ở đấy.

Tôi cũng nói một cách chân thành như thế này, có những ứng viên họ không có chức vụ cao thì họ chỉ hứa: Với cương vị của tôi nếu được trúng cử thì sẽ thường xuyên gặp gỡ các cử tri trước kỳ họp quốc hội; tôi sẽ phản ánh chân thực những ý kiến mà cử tri đã phản ánh với tôi; trong bất cứ việc gì và khi nào cử tri cần, muốn gặp thì tôi sẵn sàng giúp đỡ để nói lên tiếng nói của người dân…, nếu với điều kiện gần thì tôi đến, còn nếu việc gấp mà không ở gần thì cử tri có thể gọi điện cho tôi…

Nhiều khi cũng chỉ cần đơn giản như thế. Nghĩ là phải làm sao để cử tri thấy được sự chân thành của mình. Còn ví dụ ứng viên hứa với cử tri rằng nếu con em không thi đỗ Đại học thì có thể vào làm chỗ tôi, hoặc hứa xây cái này cái kia thì cử tri cho rằng việc này không thực tế, khó có thể thực hiện được. Nếu những người làm doanh nhân ứng cử thì có thể hứa "đỡ đầu" cho 10 cháu con nhà nghèo học giỏi đến khi nào đó… thì có thể chấp nhận được.

Điều quan trọng nhất của các ứng viên ĐBQH là chân thành và cầu thị - Ảnh 3.

Bầu cử không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của cử tri trong việc xây dựng Nhà nước của dân do dân và vì dân.

Tránh bầu hộ, bầu thay, "gạch" theo cảm tính

Thưa ông, ngày 23/5 sẽ là ngày cử tri đi bỏ lá phiếu của mình để chọn ra người đại biểu đại diện của chính mình. Theo ông, làm thế nào để phát huy trách nhiệm của mỗi cử tri trước lá phiếu khi bầu cử?

- Theo tôi, thứ nhất đối với các ứng cử viên, người dân đặc biệt phải xem xem những người đó có trung thực hay không, nhất là vấn đề kê khai tài sản, bởi những kỳ gần đây về vấn đề này được người dân và Đảng, Nhà nước rất quan tâm. 

Trong phiên hiệp thương lần thứ 3 vừa rồi của MTTQ Việt Nam nhiều ứng viên đạt yêu cầu. Ban bầu cử đã "quét" sẵn hồ sơ thì yêu cầu họ đưa cho mình xem.

Bên cạnh đó, vấn đề người dân quan tâm nhất là phẩm chất đạo đức của các ứng viên để xem những người ứng viên này nếu là ĐBQH có trung thực, không vụ lợi những gì của dân hoặc của nơi công tác hay không, người dân cũng rất băn khoăn cái này.

Tôi cũng lưu ý rằng, bầu cử không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của cử tri trong việc xây dựng Nhà nước của dân do dân và vì dân.

Thưa ông, một vấn đề thường xuyên diễn ra trong các kỳ bầu cử là tình trạng bầu hộ, bầu thay, gạch tên theo cảm tính, vậy chúng ta cần phải có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

- Với tình hình Covid-19 hiện nay đang diễn ra, tình trạng này có thể sẽ tiếp tục tái diễn. Nhưng vấn đề bầu hộ, bầu thay được hay không là do sự lãnh đạo của các cấp lãnh đạo, của các đoàn thể ở các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Kinh nghiệm về việc tránh bầu hộ, bầu thay là trước ngày bầu cử 3 ngày phải tổ chức họp các đoàn thể để họ đôn đốc các hội viên của mình, nếu không có sự đôn đốc của đoàn thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi… thì tình trạng bầu hộ, bầu thay rất dễ xảy ra, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Ở chỗ tôi mấy ngày vừa rồi phường cũng đã tổ chức họp để nói về vấn đề này và đã thành công được một bước, đó là phải đi bầu đúng thời gian và trực tiếp đi bầu, những người nào ốm yếu những người đi xa thì phải báo cho chính quyền địa phương.

Đồng thời trước khi bầu phải nghiên cứu kỹ những người mình bầu và không bầu, tránh bầu-gạch theo cảm tính.

Điều quan trọng nhất của các ứng viên ĐBQH là chân thành và cầu thị - Ảnh 4.

Công tác tuyên truyền bầu cử phải thường xuyên, liên tục.

Tin tưởng, cẩn thận không mắc mưu của kẻ địch

Một vấn đề khác là, các thế lực thù địch tung thông tin xấu độc nhằm phá hoại bầu cử. Việc này chúng ta cần phải đấu tranh ra sao, thưa ông?

- Với phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là đối với mạng xã hội hiện nay rất sẽ xuất hiện nhiều thông tin hư hư thực thực, đặc biệt, người dân chúng ta rất thích của lạ, tin lạ nên thường không kiểm chứng…

Cho nên, một trong những yêu cầu hiện nay đối với các đồng chí đảng viên và mọi người phải tin vào những thông tin của Ủy ban bầu cử thông báo, những thông báo chính thức đã được duyệt, in và treo ở những nơi bầu cử, nếu chúng ta không cẩn thận thì mắc mưu của kẻ địch, nếu mình nói đúng thì đối tượng thù địch sẽ nói sai cho nên chúng ta phải thường xuyên thông tin về sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận là đúng đắn.

Những thế lực thù địch này không hiểu rằng những điều họ nêu ra thì người dân có chấp nhận hay không? Qua điều tra xã hội học và MTTQ Việt Nam đã tiến hành thì hầu hết nhân dân ta đều phản bác và cho rằng đấy là những phần tử lừa bịp, không đáng tin cậy.

Mặt khác chúng ta cũng phải thấy rằng, về vấn đề các thế lực thù địch tung thông tin xấu độc nhằm phá hoại bầu cử như hiện nay, chúng ta không lấy gì làm lạ bởi cứ mỗi kỳ đại hội hay bầu cử lại thấy một "làn sóng" thay phiên nhau xuyên tạc, bôi xấu chế độ, đất nước ta. Nhưng những âm mưu của chúng đều thất bại, bởi những luận điệu đó đều được nhân dân ta cảnh giác và cho rằng là xuyên tạc và lừa bịp.

Chúng ta có thể nhận thấy, những thế lực thù địch biết đường lối chính sách của Đảng ta là đúng đắn nhưng vẫn muốn xóa đi tất cả những cái mà nhân dân ta đã thống nhất trong Hiến pháp cũng như trong Luật. 

Đến thời điểm này, sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cử tri nhân luôn tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đại đa số cử tri đã nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của Quốc hội, HĐND các cấp. Mọi người đều phấn khởi mong chờ ngày bầu cử và tuyệt đối tin tưởng rằng, cuộc bầu cử HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội sẽ diễn ra trong không khí dân chủ và công bằng.