Tệp khách hàng của cho vay tiêu dùng thay đổi như thế nào?
Cho vay tiêu dùng đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, mang lại cơ hội sử dụng dịch vụ tài chính cho những người có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên trong những năm gần đây, khi thu nhập trung bình của người dân tăng lên kéo theo nhu cầu chi tiêu, tín dụng tiêu dùng ngày càng phát triển và trở nên đa dạng hơn. Những sản phẩm của các công ty tài chính giờ đây không chỉ dành cho người có thu nhập thấp mà còn hướng tới đáp ứng nhu cầu của tệp khách hàng trung và cận cao cấp.
Phát biểu tại Toạ đàm "Tài chính tiêu dùng - Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển" diễn ra ngày 25/3, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết: "Có thể thấy văn hóa tiêu dùng, vay mượn của người dân ngày càng thay đổi. Những năm gần đây (không kể năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), nền kinh tế tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, tầng lớp trung lưu nhiều hơn nên nhu cầu tiêu dùng, mua sắm gia tăng, khiến nhu cầu tín dụng, tài chính tiêu dùng gia tăng. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển theo hướng hiện đại, đang dạng hóa sản phẩm, tăng trải nghiệm khách hàng, tiết giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận cho khách hàng".
Theo số liệu từ FE CREDIT – công ty dẫn đầu ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam cũng cho thấy trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ khách hàng có thu nhập từ 8-15 triệu đồng tăng từ 45% lên 62% đồng thời khách hàng có thu nhập từ 15 triệu đồng trở lên cũng tăng từ 3,67% lên 6,92% trong khi đó tỷ lệ khách hàng có thu nhập từ 3-7 triệu đồng giảm khoảng 25%. Điều này cho thấy nhu cầu vay tiêu dùng không chỉ còn là nhu cầu của riêng những người có thu nhập thấp.
Đáng chú ý, nhu cầu vay tiêu dùng của dân văn phòng ngày càng tăng, đặc biệt là dùng thẻ tín dụng để trả góp. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều kênh bán lẻ đã thực hiện các hình thức hỗ trợ về trả góp, ưu đãi lãi suất và được người tiêu dùng ủng hộ. Theo nghiên cứu Tradingeconomics.com, trả góp bằng thẻ tín dụng đang trở thành một xu thế tương lai tại Việt Nam. Yếu tố cốt lõi để hình thức thanh toán này phổ biến ở các công ty tài chính là chi tiêu trước trả tiền sau, nhiều ưu đãi và đáp ứng tiêu chí nhanh chóng, tiện lợi của khách hàng.
Theo các chuyên gia, đối tượng trẻ và dân văn phòng là phân khúc khách hàng được dự đoán tăng trưởng nhanh trong vòng 5 năm tới của thị trường tài chính tiêu dùng. Với nguồn thu nhập ổn định hơn, nhu cầu tài chính của họ dịch chuyển theo hướng chi tiêu tiện lợi, nhanh chóng chứ không đơn thuần là một khoản vay tín dụng.
Chị Yến (26 tuổi, trú tại quận 6 TP. HCM), nhân viên văn phòng với mức thu nhập khá tốt cho biết vay tiêu dùng đặc biệt là qua thẻ tín dụng đang là phương thức tài chính chị lựa chọn sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Nó là dự phòng tài chính tối ưu giải quyết nhu cầu chi tiêu hàng ngày đồng thời cho phép chị chủ động trong chi tiêu cũng như bảo vệ bản thân trước rủi ro mất tiền.
Thị trường tài chính tiêu dùng cần làm gì để thu hút đa dạng phân khúc khách hàng?
Theo các chuyên gia, tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam còn rất lớn là nhờ quy mô dân số, gần 100 triệu người, với dân số trẻ khá cao trong khi hơn một nửa dân số hiện chưa tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Trong đó, dân văn phòng có thu nhập khá ngày càng quan tâm tới vay tiêu dùng nhờ sự tiện lợi, đáp ứng nhu cầu nhanh chóng.
Trong những năm qua, để tiếp cận cũng như đa dạng hóa tệp khách hàng, các công ty tài chính đã và đang đẩy mạnh công nghệ, xây dựng các nền tảng mới đồng thời tận dụng mạng lưới sẵn có, mở rộng danh mục sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của tệp khách hàng đại chúng.
Đơn cử như FE CREDIT – công ty tài chính tiêu dùng vừa "gây tiếng vang" với thương vụ sáp nhập gần đây, đã đầu tư rất nhiều cho hệ sinh thái tài chính của mình trong những năm gần đây. Không chỉ là cung cấp vốn vay, mà còn tạo thuận tiện cho khách hàng khi thanh toán, tiêu dùng bằng chính nguồn tín dụng đó ngay trên chính các nền tảng của công ty.
Để làm được điều này, FE CREDIT đã phát triển các ứng dụng tích hợp như Smartpay, FE CREDIT Moblie, Shield, UBank…để đáp ứng mọi nhu cầu tài chính của khách hàng từ việc đăng ký khoản vay hoặc mở thẻ tín dụng, mua các gói bảo hiểm độc quyền đến các giao dịch thường nhật như nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, thanh toán khoản vay, và xác định vị trí các cửa hàng chấp nhận quét mã thanh toán…