Hơn nửa tháng nay, anh Phạm Ngọc Đại (27 tuổi, quê Hải Dương) đang cách ly tại khách sạn Top Hotel Hữu Nghị số 188 Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội mong ngóng, đếm từng ngày để được trở về quê nhà.
Anh cùng khoảng 100 người đa phần là lao động từ Nhật Bản trở về nước. Tuy nhiên, thời gian cách ly phòng dịch Covid-19 kéo dài nên anh cùng mọi người phải ở thêm 1 tuần tại khách sạn.
Trong căn phòng rộng khoảng 20m2 với nam thanh niên này thời gian như dài vô tận. Hết đọc sách, ngồi xem phim, anh lại nghịch điện thoại rồi ăn uống... nằm, nhưng cũng không thể nào chợp mắt. Bao cảm xúc cứ thế ùa vào tâm trí khiến anh lâng lâng, có lúc lại thổn thức vì nỗi nhớ gia đình, quê nhà… Chỉ khoảng 5 ngày nữa, nếu không có thay đổi, anh sẽ được đặt chân về nhà sau 3 năm xa cách, tha hương nơi xứ người.
Anh Đại kể, công việc ở quê khó khăn vất vả nên cách đây 3 năm sau khi học tiếng, vay mượn ngân hàng, anh em số tiền hơn 200 triệu đồng, anh quyết định sang Nhật Bản xuất khẩu lao động. Tại đây, Đại làm chế biến thủy hải sản. Công việc bắt đầu từ 12h đêm và kết thúc vào 9h sáng ngày hôm sau ở môi trường 10 độ C đến xuống dưới -30 độ C.
"Đi lao động bên Nhật Bản rất vất vả nhưng nếu được làm đủ 8 tiếng là may mắn. Bởi lẽ, ai sang đây cũng muốn làm nhiều để có tiền trang trải, trả nợ. Khổ nhất cảnh nhiều người sang đúng thời điểm dịch bệnh, thất nghiệp cả năm trời trong khi đó số tiền vay mượn quá lớn không đủ khả năng chi trả. Tôi làm mất 1,5 năm đầu để trả hết số tiền đã vay mượn. Thời gian còn lại thì dịch bệnh khiến công việc ảnh hưởng, thu nhập giảm sút", anh Đại kể.
Dịch bệnh Covid-19 ở Nhật Bản theo anh Đại khá phức tạp. Tuy nhiên, người dân dần có ý thức trong việc đeo khẩu trang khi ra đường, nơi công cộng…
"Ở Nhật Bản tiền thuế rất nặng. Đợt dịch mỗi tháng lương khoảng 10 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ tiền ăn, tiền nhà, điện nước rồi thuế. Tích cóp mãi, tôi dư được số tiền 100 triệu đồng để trang trải, chờ mua vé bay về Việt Nam để đỡ phải sống cảnh khổ cực nơi đất khách quê người", anh chia sẻ.
Sau 3 năm làm việc tại Nhật Bản, hết thời hạn về nước. Anh Đại cùng nhiều người vật lộn chờ mua vé với giá hơn 50 triệu đồng bao gồm vé máy bay địa điểm cách ly 14 ngày. Ròng rã suốt 2 tháng anh phải sống trong cảnh đợi chờ.
"Để mua vé, chúng tôi phải đặt cọc qua một công ty, nhiều khi nhận được vé rồi nhưng khi lên đến sân bay bị huỷ chuyến. Lúc này nhà cửa thanh toán hết rồi lại vật vờ ở sân bay chờ thông báo mới. Cứ như vậy tôi bị lùi, hoãn, ra sân bay 6,7 lần thì cuối cùng cũng được về", anh Đại nhớ lại.
Nhiều lần ở sân bay nên anh Đại đã chứng kiến không ít cảnh người Việt đã phải khổ sở thế nào mới về được quê nhà. Có người bật khóc vì bị lừa tiền vé. Có người bị huỷ chuyến đột ngột ăn nằm vật vã ở sân bay 3,4 ngày trời. Họ phải ăn tạm bánh mì, mì tôm cho qua ngày chờ đợi về nước…
Được đặt chân xuống sân bay sau chặng hành trình dài, anh Đại cùng đoàn trong chuyến bay về khách sạn Top Hotel Hữu Nghị 188 Lê Quang Đạo. Đây là khách sạn do đơn vị đặt mua vé cho anh sắp xếp và anh cùng mọi người không có quyền lựa chọn.
"Chúng tôi về đây chi phí thuê phòng tuỳ từng người khoảng 1,2-1,7 triệu đồng/ngày. Thực sự số tiền đó với chúng tôi cũng rất lớn. Thời gian làm ở Nhật dịch bệnh không dư giả gì. Tôi mong ngóng từng ngày về nhà. Phải công nhận dịch bệnh ở Việt Nam kiểm soát tốt. Nếu Chính phủ không làm mạnh tay kịp thời thì chắc chắn dịch sẽ vô cùng nguy hiểm như nhiều nước trên thế giới. Hằng ngày ở khách sạn tôi chỉ biết quanh quẩn cả ngày hết đọc báo, xem thể thao, tivi, nhìn qua cửa sổ cảnh vật xung quanh", anh kể.
Đến ngày thứ 12, anh Đại cùng mọi người háo hức vì tưởng rằng sắp được về nhà thì dịch bệnh phức tạp nên thời gian cách ly được kéo dài thêm 1 tuần. Việc kéo dài thời gian cách ly này mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành vì đó là cách phòng tránh dịch tốt nhất.
"Tuy nhiên, có một chút băn khoăn, chúng tôi có phản ánh mong muốn khách sạn giảm tiền phòng vì nói thật nhiều người không còn đủ tiền để bỏ thêm thuê nữa. Nhiều người không hiểu nói chúng tôi chê ở khu cách ly tập trung dơ bẩn không ở khổ được nên đòi ở khách sạn sang chảnh 4 sao thì kêu ca đắt này kia. Nhưng mọi người đâu hiểu hết được nỗi khổ của những người lao động phải tích cóp từng đồng như chúng tôi", anh Đại tâm sự.
Anh Đại cho biết, giờ mong muốn lớn nhất của anh đó là sau khi hết thời gian cách ly sẽ được trở về bên gia đình. Rồi anh sẽ tìm kiếm một công việc gì đó để lo cho tương lai, lập gia đình…
Cùng cảm xúc hồi hộp chờ đợi ngày về như anh Đại, với anh Đinh Ngọc Công (35 tuổi, ở thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), quãng thời gian ở Nhật Bản cũng vô số kỷ niệm vui buồn xen lẫn. Chỉ còn ít ngày nữa thôi, anh Công sẽ được trở về quê nhà, bên người vợ tần tảo suốt 3 năm qua lo toan cho 3 con nhỏ đang độ tuổi đến trường.
Cuộc sống ở quê khó khăn, mong muốn sau này có chút vốn vợ chồng làm ăn, cách đây gần 3 năm, anh Công đã quyết định vay mượn số tiền hơn 200 triệu đồng sang Nhật. Tại đây, anh cùng nhiều người lao động Việt Nam khá vất vả với nghề xây dựng, lắp đặt giàn giáo, buộc thép… Công việc nặng nhọc là vậy nhưng nghĩ đến cuộc sống ở quê khó khăn, các con đang tuổi ăn tuổi học nên anh tự an ủi bản thân cố gắng.
Trước đây, vợ anh gửi 3 con cho ông bà nội trông để đi Quảng Ninh thuê nhà hằng ngày đi bán hàng rong. Tuy nhiên, sợ con cái lớn không cha mẹ chăm nom anh khuyên vợ nghỉ ở nhà. Mọi việc trông chờ vào tiền lương hàng tháng anh gửi về. Tuy nhiên, khi sang Nhật làm được thời gian không lâu, dịch bệnh Covid-19 khiến cuộc sống của những người lao động như anh Công bị ảnh hưởng. Gom góp tiết kiệm mãi anh cũng chỉ đủ số tiền trả nợ.
"Nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng sang bên này kiếm tiền tốt, lương cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng được như vậy, có người tháng cũng chỉ kiếm được hơn 10 triệu đồng trong khi phải bỏ số tiền hơn 200 triệu đồng. Sau khi đi được 2,5 năm thì tôi xảy ra chút vấn đề về công việc nên xin về nước.
Tiền mua vé rồi ở khu cách ly hết tổng khoảng 60 triệu đồng. Thời buổi dịch bệnh, chuyến bay bị huỷ rất nhiều. Cảnh người ăn ngủ nghỉ ở sân bay cả tháng trời không thiếu, rồi trục trặc giấy tờ, huỷ vé... Tôi phải chờ đợi mất hơn 1 tháng kể từ khi mua vé mới được về. Khi máy bay cất cánh, tôi mới tạm yên tâm", anh Công chia sẻ.
Để có số tiền mua vé máy bay và khu cách ly, gia đình anh Công đã phải gửi tiền sang. Việc ở khu cách ly, anh cũng không có quyền lựa chọn.
"Trước khi mua vé, tôi cũng trao đổi với bên công ty đặt vé rằng tiền không có, mất việc làm rồi còn lo cho con cái. Chính vì vậy, mong muốn của tôi là được vào khu cách ly quân đội cho đỡ tốn kém. Tuy nhiên, bên đặt vé máy bay bảo không được.
Nhiều người không hiểu, họ nghĩ mình kiếm được nhiều tiền thích ở nơi sang trọng nhưng thực ra không phải như vậy. Phía công ty họ sắp xếp ở đâu mình phải ở đó. Chúng tôi đã nghỉ việc rất muốn về, nếu không về chi phí bên Nhật Bản rất đắt đỏ, không phải tự ý muốn mua thế nào cũng được. Họ đưa ra giá bao nhiêu mình phải trả bấy nhiêu", anh Công tâm sự.
Tại khách sạn, anh Công không chê bai điều gì. Tuy nhiên anh không hài lòng về vấn đề ăn uống tại đây không "tương xứng" với số tiền mà anh và nhiều người đã bỏ ra.
"Nhiều ngày qua tôi bị mất ngủ. Các con gọi điện nói 'bao giờ bố về'. Nghe câu nói đó xong chỉ muốn về ôm các con vào lòng thật chặt. Còn 5 ngày nữa, tôi đếm từng ngày. Một ngày cách ly cảm thấy lâu vô cùng, nhưng thấu hiểu vì sự an toàn của quốc gia, mình chấp nhận, tuân thủ", anh bày tỏ.
Cuối câu chuyện, anh Công cho biết, điều đầu tiên khi về nhà đó là anh muốn gần gũi bên các con, gia đình sau bao ngày xa cách, nhớ nhung. Sau đó, anh sẽ tìm kiếm công việc để hai vợ chồng cùng lo cho tương lai của các con sau này.
(Còn nữa)