Dân Việt

“Lá chắn thép” trên đảo ngọc Phú Quốc

Hoàng Hạnh 14/05/2021 06:00 GMT+7
Hơn 23 giờ đêm một ngày cuối tháng 4, chiếc canô chở theo chiến sĩ của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới, TP.Phú Quốc (Kiên Giang) nổ máy rời cảng tiến thẳng ra biển trên vịnh Thái Lan trong cái lạnh cắt da thịt bởi những cơn mưa rào và gió biển.

Trung tá Đỗ Ngọc Minh - Đội trưởng Đội thủ tục Trạm biên phòng cửa khẩu cảng An Thới bảo đã nhiều ngày qua ông và đồng đội không ngủ. "Mỗi cặp mắt của anh em bây giờ như là một trạm "radar" giữa đêm trên biển để kịp thời phát hiện đối tượng nhập cảnh trái phép theo tàu cá từ Campuchia vào đảo" - trung tá Minh ví von.

Trắng đêm, căng mắt bám biển

Gần 30 phút xuất phát, trung tá Minh ra hiệu cho tài công dừng canô ở điểm Kinh Nhất nam đảo Phú Quốc - cách đất liền vài hải lý để đón lõng các phương tiện tình nghi chở người vượt biên trái phép, lúc này kim đồng đồng hồ đã điểm gần 1 giờ sáng. Chiếc canô nhấp nhô theo từng con sóng, trôi dạt giữa bốn bề biển cả. Ở phía xa xa có hàng nghìn ánh đèn xanh đỏ là tín hiệu của tàu đánh bắt cá lúc ẩn, lúc hiện. "Nhiều tàu như thế thì thật khó để phân biệt được tàu nào là tàu của ngư dân, tàu nào là tàu tình nghi chở người vượt biên" - tôi buông lời.

Trung tá Minh cười nói rằng, với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề, ông dễ dàng nhận diện được các phương tiện vi phạm, bởi tài công chủ yếu cho tàu chạy vào từ phía Kinh Nhất, rồi dong thuyền lên Bắc đảo Phú Quốc để vào đảo hay đến TP.Hà Tiên, nhằm tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng.

“Lá chắn thép” trên đảo ngọc Phú Quốc - Ảnh 1.

Bộ đội Biên phòng Kiên Giang phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống Convid - 19 cho ngư dân trên biển. Ảnh: Hồng Cẩm

Thiết lập 3 vòng "lá chắn"

"Đề nghị UBND TP.Phú Quốc cùng các đơn vị chức năng phải thiết lập 3 vòng "lá chắn" đồng bộ. Một là tai mắt của người dân là vòng lá chắn tổng hợp, hai là chỉ huy các lực lượng thống nhất, hợp đồng tác chiến rõ ràng. Chủ tịch UBND thành phố điều hành tất cả lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, tập trung cho lá chắn thép ở vành đai biên giới và biển. Vòng ba là hệ thống chính trị và lực lượng dân dân tự vệ là "lá chắn" nội địa xuyên suốt để kịp thời phát hiện người lạ mặt và quản lý hộ tịch hộ khẩu chặt chẽ. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm như tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép".

Ông Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư

Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND

tỉnh Kiên Giang

"Nếu để lọt một phương tiện có chở người vượt biên trái phép cập bờ và không may trong số này có người nhiễm bệnh thì hậu quả thật khó lường" - trung tá Minh nói và cho biết đó là lý do ông cùng các cộng sự của mình phải thức trắng đêm để canh giữ.

Suốt nhiều giờ mật phục trên biển, các chiến sĩ của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới luôn căng mắt nhìn theo các hướng để quan sát. Trong khoảng thời gian này, nhiều chiến sĩ trẻ tuổi được các bậc "tiền bối" chỉ bảo cho nhiều kỹ năng nghiệp vụ.

Trung tá Minh gọi binh nhất Bùi Hải Triều ra phía trước canô, chỉ tay về phía có ánh đèn đỏ cứ chớp tắt liên hồi. Ông bảo với Triều, đây chắc chắn là sà lan hoạt động từ vùng biển bên ngoài vào, ánh đèn đỏ là đèn báo hiệu, cón ánh sáng xanh phía trước là nơi tài công cầm lái trên boong tàu. Vừa dứt lời, chiếc canô bất ngờ tăng tốc chạy về phía có đèn tính hiệu của sà lan, rồi áp sát, lúc này trung tá Minh hô to: "Đề nghị phương tiện dừng lại cho lực lượng của Đồn Biên phòng cảng An Thới kiểm tra…".

Khi biết sà lan này là phương tiện của một đơn vị đang thi công một số công trình trên đảo, anh em mới thở phào nhẹ nhõm.

Chiếc canô rời đi rồi tiếp tục hành trình tuần tra ở tất cả 16 cụm đảo lớn nhỏ khác bao quanh đảo ngọc Phú Quốc, với chiều dài đường biển hơn 43km trước khi cập lại Cảng Quốc tế An Thới lúc gần 5 giờ sáng ngày hôm sau.

Không chỉ kết hợp với nhiều lực lượng khác nhau để tạo thành "gọng kìm" trên biển, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới còn tạo ra một "lá chắn thép" trong phạm vi đơn vị mình quản lý, nhằm phát hiện kịp thời các đối tượng vượt biên trái phép.

Trung tá Nguyễn Phương Thanh - Đồn phó Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới cho biết: Từ đầu tháng 1 năm nay, đơn vị đã thành lập 9 chốt canh ở tất cả các đường mòn, lối mở từ biển vào đất liền, với lực lượng kết hợp từ 5 -7 người mỗi chốt, túc trực canh giữ 24/24.

"Ngoài lực lượng của đơn vị, anh em còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sinh sống dọc theo bờ biển cùng tham gia phòng chống người nhập cảnh trái phép, giữ sự bình yên cho đảo ngọc" - trung tá Thanh nói.

“Lá chắn thép” trên đảo ngọc Phú Quốc - Ảnh 3.

Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tuần tra tuyến biên giới. Ảnh: Hồng Cẩm

Có dịp cùng trung tá Thanh đi kiểm tra các chốt trực thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới trước đó, chúng tôi mới thấy hết sự vất vả, cực khổ của anh em làm nhiệm vụ.

Trung úy Huỳnh Long Vũ - Đội trưởng Đội vũ trang Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới cho biết, tất cả các chốt đều đặt đóng ở những nơi xa khu dân cư, ven biển, điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn.

"Có khi đang trực mà mưa ào tới, anh em trở tay không kịp thì coi như ướt hết, cực lắm nhưng chúng tôi rất vui khi kịp thời phát hiện những người nhập cảnh trái phép" - trung úy Vũ nói và cho biết, những đêm không mưa thì anh em phải đối mặt với cái lạnh của gió biển, hay muỗi đốt khắp người.

Gác lại chuyện riêng vì nhiệm vụ chung

Bên cạnh những cung đường sầm uất, nhộn nhịp thâu đêm trên đảo ngọc Phú Quốc là sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của những người chiến sĩ áo xanh và nhiều lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19 ở thời điểm hiện tại.

Ông Đinh Trường Giang – bảo vệ dân phố Khu phố 7, thị trấn An Thới cười tươi nói với chúng tôi, bản thân mình chịu ít cực khổ để bảo vệ người thân, gia đình và xã hội là điều ông nên làm.

“Lá chắn thép” trên đảo ngọc Phú Quốc - Ảnh 4.

Ông Giang là thành viên tham gia cùng các chiến sĩ bộ đội biên phòng canh giữ chốt thứ 2, trực thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới, bắt đầu từ đầu đến cuối bãi đất đỏ, với chiều dài hơn 2km. "Nhiệm vụ đối với tôi hiện tại là quan trọng nhất, còn chuyện nhớ vợ, nhớ con thì gác lại để đó tính sau" - ông Giang nói.

Là người lính trẻ, trung úy Huỳnh Long Vũ - Đội trưởng Đội vũ trang Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới nói chắc nịch rằng, chỉ khi đảo ngọc nói riêng và toàn xã hội nói chung được bình yên, thì lúc đó niềm hạnh phúc riêng tư mới bền vững. Vũ kể vui rằng, mình cũng như bao thanh niên khác, ở cái tuổi 25, anh cũng có một mối tình "vắt vai", nhưng lúc đầu cô bạn gái cứ dỗi hờn suốt vì những lần anh thất hứa dẫn bạn đi ăn uống, vui chơi để lên đường làm nhiệm vụ.

Cũng như Vũ, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới có rất nhiều chiến sĩ được tăng cường từ Bắc vào, đôi khi một năm, anh em chỉ về vui với vợ con được mấy ngày tết. Tuy nhiên, vào trước Tết Nguyên đán năm nay, do đơn vị đặt trong trạng thái sẵn sàng ứng phó phòng chống dịch Covid-19, nên các anh phải lỡ hẹn với gia đình để đảm bảo 100% quân số, hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn đơn vị.

Thượng tướng Nguyễn Phương Nam - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thăm và kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid- 19 tại TP.Phú Quốc chỉ đạo: Yêu cầu các lực lượng tiếp tục nắm chắc, bám chặt, kiểm soát chặt chẽ tình hình, địa bàn; làm tốt công tác tuyên truyền; tăng cường lực lượng, nhất quán sử dụng lực lượng tại chỗ, giao cho lực lượng biên phòng làm chủ chốt phối hợp giữa các lực lượng trong công tác tuần tra, kiểm soát trên vùng biển, biên giới; củng cố lán trại, nơi ăn ở, bảo đảm sức khỏe cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ ở các chốt…