3 lợi thế giúp Hải quân Mỹ áp chế Trung Quốc ở Biển Đông: Có dễ tận dụng?
Hãng thông tấn Sputnik Nga đưa tin, đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động lớn đến lực lượng hải quân Mỹ ở Biển Đông, buộc họ phải rút một số tàu sân bay về căn cứ; nhưng đừng quên rằng Hải quân Mỹ còn có 3 lợi thế không thể xem thường.
Bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, sức mạnh của Hải quân Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã bị ảnh hưởng rất lớn, Mỹ phải rút bốn tàu sân bay thường xuyên hiện diện ở khu vực Biển Đông, bao gồm Reagan, Roosevelt, Calvinson và Nimitz về căn cứ.
Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, vào tháng Ba vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper yêu cầu, tất cả quân đội Mỹ đóng quân ở nước ngoài ngừng hoạt động quân sự tới 60 ngày. Có thể nói rằng, do ảnh hưởng của đại dịch, sức mạnh quân sự của Mỹ trên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông, đã phần nào bị suy giảm.
Lợi dụng việc Mỹ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự và các hoạt động đòi hỏi vô lý về chủ quyền lãnh thổ trên khu vực Biển Đông, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, về tự do an toàn hàng hải và hàng không trên khu vực Biển Đông.
Mặc dù bị ảnh hưởng bị đại dịch, nhưng quân đội Mỹ đã không nới lỏng sự hiện diện quân sự của mình xung quanh Trung Quốc. Hiện tại, quân đội Mỹ đang giữ ba con át chủ bài, có thể khống chế sức mạnh quân sự của Trung Quốc mà không cần sự hiện diện của tàu sân bay.
Thứ nhất, sau khi tàu sân bay của Mỹ rút về căn cứ, các tàu chiến khác của Mỹ đã nhanh chóng lấp vào chỗ trống do tàu sân bay để lại. Cụ thể là vào ngày 15/2, tàu tuần dương lớp Ticonderoga mang tên Chancellesville đã vượt qua eo biển Đài Loan. Vào ngày 10/3, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Burke Mike Campbell đã đi vào vùng biển quốc tế của Trung Quốc.
Vào ngày 10/4, tàu khu trục USS Barry đã đi qua eo biển Đài Loan, tiếp đến ngày 28/4, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry đã đột nhập vào vùng biển quốc tế của Trung Quốc, mà hoàn toàn không được chính phủ Trung Quốc "chào đón".
Tàu tấn công đổ bộ của Mỹ, cũng thường xuyên mang theo máy bay chiến đấu tàng hình F-35B để thể hiện sức mạnh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Các tàu chiến đấu ven biển (LCS) của Mỹ cũng đã "tự do ra vào" Biển Đông nhiều lần.
Mặc dù hải quân Trung Quốc đang làm tất cả những gì có thể để tăng nhanh số lượng tàu chiến, nhưng số lượng và nhất là chất lượng còn kém xa so với tàu chiến của Hải quân Mỹ. Ngoài 10 tàu sân bay, Hải quân Mỹ hiện có 90 tàu hộ vệ tên lửa trang bị hệ thống chiến đấu Aegis; 9 tàu đổ bộ có khả năng mang theo máy bay chiến đấu tàng hình F-35B.
Thứ hai, máy bay quân sự Mỹ cũng tăng cường các hoạt động thường xuyên, mặc dù các hoạt động của tàu mặt nước đã giảm, nhưng Hải quân Mỹ đã tăng tần suất máy bay quân sự trinh sát theo hướng Biển Đông và Eo biển Đài Loan, tiến hành từ 2 đến 3 lần một ngày vào tháng Hai và tháng Ba.
Điều đáng chú ý là các máy bay quân sự trên đều là những máy bay ném bom chiến lược tầm xa bao gồm B-52H, B-1B; cũng như các máy bay trinh sát đặc biệt như RC-135, EP-3 và P-8A. Những loại máy bay này hiện đang là "hàng hiếm" của Không quân Trung Quốc.
Thứ ba, không thể bỏ qua vai trò của các căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, quân đội Mỹ có 8 nhóm căn cứ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ riêng tại Nhật Bản và Hàn Quốc, có hơn 190 căn cứ quân sự với hơn 60.000 lính Mỹ đang đồn trú, cùng nhiều vũ khí hiện đại, tạo vòng vây "bịt kín" lối ra Thái Bình Dương của Trung Quốc.
Vài ngày trước, 3 trong số 4 tàu sân bay của Hải quân Mỹ đã quay trở lại thực hiện nhiệm vụ, tạm thời chấm dứt thời kỳ không có các tàu sân bay của Mỹ hiện diện trên khu vực Thái Bình Dương.
Điều này cũng cho thấy Mỹ sẽ không từ bỏ các hoạt động quân sự tại các khu vực xung quanh Trung Quốc. Các hành động trong tương lai của Hải quân Mỹ ở Biển Đông, Eo biển Đài Loan và các khu vực khác có thể đặt ra những thách thức lớn đối với Trung Quốc, cũng như góp phần kìm hãm tham vọng nước lớn của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông.