Bỏ tiền mua xe tăng, 2 vợ chồng Liên Xô tự lái diệt phát xít Đức

Lã Linh Thứ bảy, ngày 15/05/2021 20:30 PM (GMT+7)
Vợ chồng nhà Boiko tự bỏ tiền mua xe tăng để tham gia Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại và tiêu diệt nhiều xe thiết giáp đối phương.
Bình luận 0

Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của Liên Xô từng ghi nhận nhiều trường hợp phụ nữ ra trận, trực tiếp chiến đấu ở tiền tuyến, bao gồm cả vai trò chỉ huy các đơn vị tăng thiết giáp. Trong số đó, vợ chồng nhà Boiko trở nên nổi bật với việc cùng chiến đấu trên một xe tăng và hạ nhiều khí tài của phát xít Đức.

Bỏ tiền mua xe tăng, 2 vợ chồng Liên Xô tự lái diệt phát xít Đức - Ảnh 1.

Vợ chồng Boiko khi nhận nhiệm vụ. Ảnh: Wordpress.

Năm 1941, vợ chồng Alexandra và Ivan Boiko làm việc tại vùng Siberia. Người chồng nổi tiếng là lái xe tải cừ khôi tại nhà máy Magadan, trong khi người vợ Alexandra vừa là thư ký vừa nghiên cứu khoa học.

Cuộc sống của họ đã thay đổi hoàn toàn vào ngày 22/6/1941, thời điểm phát xít Đức nổ súng tấn công Liên Xô. Lần lượt quê nhà của Alexandra và Ivan đều rơi vào tay quân Đức. Quá tức giận, cả hai người tình nguyện gia nhập Hồng quân Liên Xô nhưng bị từ chối vì hai vợ chồng đều là những nhân viên đắc lực của nhà máy Magadan. Không nản chí, vợ chồng nhà Boiko liên tục xin gia nhập quân đội, nhưng họ chỉ nhận được cái lắc đầu.

Cho tới năm 1942, Ivan Boiko tình cờ đọc được mẩu tin về người nông dân viết thư cho nhà lãnh đạo Stalin, đề nghị được bỏ tiền mua máy bay chiến đấu cho một phi công trẻ giúp anh tiếp tục chiến đấu và được Stalin đồng ý.

Vợ chồng nhà Boiko quyết định viết thư gửi Stalin, xin được ra trận cùng nhau, cũng như dùng số tiền 50.000 ruble mà họ tích góp để tự mua một chiếc xe tăng. Bức thư được gửi đi, nhưng mãi không có hồi âm. Trong thời gian này, Ivan dạy vợ cách lái xe tải, kỹ năng mà ông tin rằng sẽ rất cần thiết cho cuộc chiến.

Năm 1943, họ bất ngờ nhận được thư trả lời từ nhà lãnh đạo Stalin với nội dung ngắn gọn: "Cám ơn Ivan và Alexandra vì sự quan tâm tới Hồng quân. Mong ước của các bạn sẽ được chấp thuận. Thân mến, Stalin".

Tuy vậy, hai vợ chồng chưa được ra chiến trường ngay lập tức, mà phải tham gia một khóa huấn luyện lái xe tăng. Họ nỗ lực học tập chăm chỉ và đạt kết quả tốt. Khi kết thúc khoá học, Alexandra được chỉ định làm trưởng xe, còn người chồng Ivan trở thành lái xe.

Chỉ vài ngày trước khi tốt nghiệp, họ nhận được một xe tăng hạng nặng IS-2 mới sản xuất từ nhà máy Ural cùng với một kíp tăng đầy đủ. Trên xe sơn chữ "Boiko" màu trắng khổ lớn, đánh dấu chiếc xe mà hai vợ chồng đã mua được.

Bỏ tiền mua xe tăng, 2 vợ chồng Liên Xô tự lái diệt phát xít Đức - Ảnh 2.

Vợ chồng Boiko nhận nhiệm vụ ở đơn vị chiến đấu. Ảnh: Yooniq.

Cặp vợ chồng này được biên chế vào Trung đoàn xe tăng độc lập Cận vệ số 48. Chiến đấu trên chiếc xe tăng hạng nặng IS-2, họ tham gia vào các trận đánh ác liệt với nhiệm vụ diệt tăng và yểm trợ bộ binh.

Trong một trận chiến, vợ chồng Boiko có nhiệm vụ cùng bộ binh tấn công một điểm cao quan trọng. Vì tiến quân nhanh, chiếc IS-2 vượt lên trước các đơn vị bạn và một mình chiếm được điểm cao. Tuy vậy, họ gặp phải sự kháng cự mạnh từ quân Đức với hai xe tăng Tiger cùng bộ binh yểm trợ. Trong suốt ba giờ liền, xe tăng của vợ chồng Boiko đã đẩy lui nhiều cuộc phản công của phát xít Đức.

Khi các đơn vị của Hồng quân đến yểm trợ, chiếc "Boiko" đã trúng nhiều phát đạn chống tăng của Đức. Alexandra bị thương ở tay, trong khi Ivan cùng với pháo thủ bị thương ở chân. Nhưng họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ điểm cao, đồng thời tiêu diệt hai xe tăng Tiger của Đức.

Chỉ trong hai tuần chiến đấu ác liệt, đôi vợ chồng đã tiêu diệt tổng cộng 5 xe tăng, hai khẩu đội pháo, nhiều xe vận tải và ụ súng máy Đức. Với thành tích này, Alexandra được trao tặng Huân chương Ái Quốc còn Ivan được nhận Huân chương Cờ Đỏ. Khi được phóng viên nước ngoài hỏi về kế hoạch sau chiến tranh, Alexandra khẳng định: "Chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện sau chiến tranh, vì giờ chúng tôi phải thắng cuộc chiến này".

Bỏ tiền mua xe tăng, 2 vợ chồng Liên Xô tự lái diệt phát xít Đức - Ảnh 3.

Alexandra Boiko phát biểu sau khi chiến tranh kết thúc. Ảnh: WW2incolor.

Sau chiến tranh, cả hai người quay trở về Magadan làm việc. Đến giữa thập niên 1950, họ quyết định chia tay, nhưng vẫn gặp nhau để ôn lại kỷ niệm cùng với những đồng đội cũ. Ivan Boiko qua đời tại Moscow vào năm 1995, Alexandra cũng từ trần sau đó một năm tại Apsheronsk.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem