Ngày 22/6/1941, phát xít Đức xua hàng triệu quân phát động chiến dịch Barbarossa, đồng loạt tấn công vào toàn tuyến biên giới phía Tây của Liên Xô.
Trước dã tâm xâm lược của kẻ thù, Liên Xô đã huy động toàn bộ nhân lực, vật lực cho cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, trong đó có hàng trăm nghìn phụ nữ đã chiến đấu ở tiền tuyến và lập nên những chiến công hiển hách. Trong những bông hồng thép này, có ba nữ xạ thủ bắn tỉa với tài năng và lòng dũng cảm của mình đã khiến phát xít Đức khốn đốn, góp phần thay đổi cục diện của nhiều trận đánh.
Lyudmila Pavlichenko được coi là nữ xạ thủ nổi tiếng nhất trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại với thành tích tiêu diệt 309 lính phát xít Đức. Cô được phóng viên chiến trường nước ngoài đặt biệt danh "Quý cô Tử thần", trở thành chủ đề cho nhiều bài hát và phim ảnh. Ở Liên Xô, hình ảnh của Pavlichenko từng hai lần xuất hiện trên tem bưu chính.
Pavlichenko tình nguyện ra chiến trường chiến đấu khi mới bước sang tuổi 25, được triển khai tới mặt trận chỉ sau thời gian huấn luyện bắn tỉa tương đối ngắn.
Pavlichenko tham gia chiến đấu ở mặt trận Odessa và Sevastopol. Trong chưa đầy một năm, nữ xạ thủ bắn tỉa này đã tiêu diệt 300 mục tiêu trong nhiều trận đánh khác nhau. Có thông tin cho rằng Đức đã cử một số xạ thủ bắn tỉa hàng đầu tới Sevastopol để đối phó với cô, nhưng 36 người trong số đó đã bị Pavlichenko hạ gục. Một trong những đối thủ của cô là xạ thủ Đức từng ghi hơn 400 lần hạ mục tiêu.
Cũng trên chiến trường này, cô gặp và kết hôn với một lính bắn tỉa cùng đơn vị. Nhưng ngay sau khi đăng ký kết hôn, hôn phu của Pavlichenko bị thương nặng và hy sinh trong bệnh viện. Câu chuyện này về sau truyền cảm hứng cho bộ phim mang tên "Trận Sevastopol", nói về chính cuộc đời của cô.
Pavlichenko tham gia bảo vệ Sevastopol tới những ngày cuối cùng. Bất chấp điều kiện khủng khiếp nhất, thành phố vẫn trụ vững trong 8 tháng trước những đợt tấn công của quân Đức. Tháng 6/1942, cô bị thương và được sơ tán khỏi thành phố.
Sau khi hồi phục, Pavlichenko tới Mỹ và Canada trong hoạt động của Đoàn thanh niên Liên Xô. Cô diện kiến Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Đệ nhất phu nhân Eleanor, người đưa cô đi du lịch khắp nước Mỹ.
Tại Mỹ, Pavlichenko kêu gọi phe Đồng minh đẩy nhanh việc mở thêm mặt trận thứ hai ở châu Âu. "Thưa quý vị, tôi mới 25 tuổi. Tôi đã tiêu diệt được 309 lính phát xít Đức xâm lược. Các vị có nghĩ rằng mình đã nấp sau lưng tôi quá lâu rồi không?", cô phát biểu tại Chicago.
Pavlichenko được tặng một khẩu súng lục Colt khi ở thăm Mỹ, còn tại Canada, cô nhận một khẩu súng trường Winchester. Cô còn được ca sỹ Woody Guthrie dành tặng bài hát "Cô Pavlichenko".
Năm 1943, Pavlichenko được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Cô không trở lại tiền tuyến mà dành thời gian huấn luyện cho các lứa xạ thủ bắn tỉa mới.
Sinh ra tại Kazakhstan, Aliya Moldagulova sống tại Leningrad khi Thế chiến II nổ ra. Tháng 3/1942, cô gái 16 tuổi được sơ tán khỏi thành phố đang bị vây hãm cùng với những đứa trẻ khác ở trại mồ côi. 9 tháng sau, Aliya theo học tại Trường Đào tạo Lính bắn tỉa Trung ương. Ở đó, cô được thưởng một khẩu súng trường vì kỹ thuật bắn tỉa xuất sắc. Tháng 7/1943, Aliya được đưa ra chiến trường.
Cô gia nhập lữ đoàn bắn tỉa vào tháng 8/1943. Chỉ trong hai tháng đầu tiên, cô gái có vẻ ngoài mong manh và dễ thương này đã tiêu diệt 32 lính phát xít Đức. Aliya được đồng đội và chỉ huy đánh giá là xạ thủ rất dũng cảm. Ngoài việc là tay bắn tỉa xuất sắc, cô còn trực tiếp bắt sống binh lính Đức, cũng như chăm sóc và đưa người bị thương rời tiền tuyến.
Trong quá trình giải phóng tỉnh Pskov, tây bắc nước Nga vào tháng 1/1944, cô liên tục dẫn đầu, chỉ huy xung phong bằng lời kêu gọi "Các anh em, đồng đội, theo tôi!". Trong một cuộc tấn công, dù bị mảnh bom làm bị thương, Aliya vẫn xung phong về phía đối phương. Cô bị một sĩ quan Đức bắn bị thương, nhưng vẫn kịp hạ gục đối thủ. Aliya sau đó hy sinh vì vết thương quá nặng.
Với thành tích tiêu diệt tổng cộng 78 lính phát xít, Aliya được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Vở vũ kịch "Aliya" được sáng tác để tưởng nhớ người nữ xạ thủ, trong khi câu truyện về cuộc đời Aliya được dựng thành bộ phim "Lính bắn tỉa" năm 1985.
Roza Shanina là một giáo viên mầm non. Sau hai năm đấu tranh với phòng tuyển quân để đòi ra chiến trường, cô xuất hiện ở tiền tuyến khi mới 19 tuổi. Tháng 6/1943, cũng giống như Aliya Modagulova, cô theo học Trường Đào tạo Lính bắn tỉa Trung ương và tốt nghiệp loại ưu.
Các đồng đội cho biết khi nổ súng tiêu diệt tên lính Đức đầu tiên vào tháng 4/1944, cô kêu lên rằng "Tôi đã giết người". Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, cô đã hạ thêm 10 mục tiêu nữa. Trong một tháng, Roza được trao Huân chương Vinh quang hạng ba. Roza nổi tiếng với kỹ thuật "phát đôi", bắn ra hai phát súng trong một hơi thở.
Không lâu sau, Roza được trao tặng Huân chương Vinh quang hạng hai. Là người phụ nữ đầu tiên nhận được vinh dự này, cô đã trở nên nổi tiếng khắp Liên Xô. Nhiều tờ báo đưa Roza Shanina lên trang nhất, trong khi các nhà báo nước ngoài gọi cô là "nỗi khiếp sợ vô hình của Đức".
Trong nhật ký của mình, Roza viết rằng cô không xứng đáng với tất cả những vinh quang đó. Cô tin mình đóng góp rất ít cho cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, dù đã tiêu diệt 59 binh lính và sĩ quan phát xít Đức.
Roza hy sinh khi làm nhiệm vụ vào tháng 1/1945, sau 9 tháng phục vụ trong quân ngũ và chỉ ba tháng trước khi chiến tranh kết thúc, khi đang bắn yểm trợ cho một chỉ huy đơn vị pháo binh bị thương.