Trận chiến kỳ lạ nhất giữa lính Mỹ và Đức trong Thế chiến II

Nguyễn Hoàng Thứ năm, ngày 13/05/2021 20:30 PM (GMT+7)
Trận đánh tại lâu đài Itter, Áo vào cuối Thế chiến II được đánh giá "có một không hai" trong lịch sử khi binh sĩ Mỹ và quân Đức chiến đấu trên cùng một chiến tuyến.
Bình luận 0

Năm 1943, Heinrich Himmler chỉ huy lực lượng SS của phát xít Đức biến lâu đài Itter trên đỉnh ngọn đồi cao gần 700 mét tại thị trấn Wörgl, Áo thành một nhà tù thuộc quyền quản lý của trại tập trung Dachau.

Trận chiến kỳ lạ nhất giữa lính Mỹ và Đức trong Thế chiến II - Ảnh 1.

Một xe tăng Sherman của Mỹ. Ảnh: National Interest.

Himmler giam giữ các chính khách hàng đầu của Pháp, gồm hai thủ tướng Pháp giai đoạn đầu Thế chiến II là Édouard Daladier và Paul Reynaud, cùng các tướng lĩnh và nhiều ngôi sao thể thao, ca nhạc nổi tiếng khác tại lâu đài này.

Ngày 4/5/1945, chỉ 5 ngày sau khi trùm phát xít Adolf Hitler tự sát, chỉ huy nhà tù Sebastian Wimmer cùng một bộ phận lính canh bỏ chạy. Những tù nhân trong lâu đài đã chiếm vũ khí và thuyết phục được Kurt Schrader, một sĩ quan SS bị thương, giúp đỡ để kiểm soát lâu đài và chờ đồng minh đến giải cứu.

Đúng lúc đó, một sư đoàn quân SS Đức đang siết chặt vòng vây, chuẩn bị tấn công giành lại quyền kiểm soát lâu đài Itter. Các tù nhân quyết tâm giữ vững lâu đài này, chờ lực lượng Đồng minh đến ứng cứu.

Các tướng lĩnh quân đội Mỹ giao cho Sư đoàn thiết giáp số 12 thực hiện nhiệm vụ giải cứu lâu đài Itter khỏi vòng vây của lính SS. Trợ giúp họ là một đơn vị Wehrmacht (Lực lượng Vệ quốc) của phát xít Đức do thiếu tá Josef Gangl chỉ huy. Thiếu tá Gangl ban đầu được lệnh chống lại quân Đồng minh, nhưng sau đó quyết định liên hệ với quân kháng chiến địa phương của Áo và đầu hàng quân Mỹ.

Trận chiến kỳ lạ nhất giữa lính Mỹ và Đức trong Thế chiến II - Ảnh 2.

Lính Mỹ và lính Đức tham gia chiến dịch giải cứu lâu đài Itter. Ảnh: Imgur

Sư đoàn thiết giáp số 12 giao cho trung úy John C. "Jack" Lee chỉ huy 14 binh sĩ Mỹ sử dụng hai xe tăng Sherman, một chiếc xe Volkswagen Kübelwagen và khoảng 20 binh sĩ của Gang triển khai chiến dịch giải cứu tù nhân tại lâu đài Itter.

Trong lúc đó, sư đoàn SS Panzergrenadier gồm khoảng 200 lính đang tổ chức tấn công lâu đài. Quân SS đặt một khẩu pháo chống tăng 88 mm, một súng phòng không 20 mm trên ngọn đồi cách đó gần 800 m liên tục bắn phá vào lâu đài.

Các vị trí phòng thủ trong lâu đài Itter lần lượt bị pháo hạng nặng Đức phá hủy, chiếc xe tăng Besotten Jenny mà tù nhân chiếm được cũng bị bắn cháy. Trước tình hình nguy cấp, ngôi sao quần vợt người Pháp Jean Borotra tình nguyện đột phá vòng vây để tìm viện binh. Borotra đã nhảy qua tường lâu đài, băng qua 40 bãi đất trống trải dưới làn hỏa lực của lính Đức và cuối cùng kết nối được với đơn vị giải cứu của trung úy Jack Lee.

Khi quân SS chuẩn bị phá cổng chính lâu đài, lực lượng giải vây do Borotra dẫn đường đột nhiên xuất hiện, nổ súng tấn công lính Đức từ phía sau. Bị tấn công bất ngờ, sư đoàn SS rối loạn và nhanh chóng đầu hàng. Hơn 100 lính SS bị bắt làm tù binh, trong khi các tù nhân Pháp được đưa tới Paris vào tối 5/5/1945.

Trận chiến kỳ lạ nhất giữa lính Mỹ và Đức trong Thế chiến II - Ảnh 3.

Lâu đài Itter. Ảnh: History

Nhờ thành tích trong trận chiến này, trung úy Jack Lee được trao huân chương chiến công xuất sắc và được thăng lên cấp đại úy. Thiếu tá Gangl tử trận vì trúng đạn bắn tỉa, về sau được vinh danh là anh hùng quốc gia của Áo và được đặt tên cho một con đường ở vùng Worgl.

Nhiều chuyên gia nhận định trận chiến này là trận đánh kỳ lạ nhất trong Thế chiến II và cũng là trận duy nhất mà người Mỹ và Đức kề vai chiến đấu cùng nhau trong chiến tranh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem