Đưa chúng tôi tham quan trại nuôi chồn hương, anh Tân cho biết: Trước kia, anh làm đủ thứ nghề, từ thợ hồ, thợ sơn đến nhổ mì, chặt mía thuê… nhưng “ráo mồ hôi là hết tiền”. Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, cuối năm 2010, anh quyết định mua 10 con chồn hương về nuôi.
“Do tôi chưa nắm vững kỹ thuật cũng chưa hiểu tập quán sống của loài chồn nên nuôi được vài tuần thì chúng chết sạch”-anh Tân nói.
Không bỏ cuộc, anh Tân khăn gói đi tham quan, học hỏi cách chăn nuôi chồn hương ở một số trang trại tại tỉnh Bình Phước. Sau khi nắm bắt được kiến thức, kỹ thuật nuôi chồn, anh dốc hết vốn liếng mua 20 con chồn cái và 5 con chồn đực về nuôi. Tuy nhiên, chỉ sau mấy tháng, đàn chồn bị bệnh tiêu chảy, chết dần, chỉ còn 4 con.
Dù vợ khuyên bán hết chồn hương, kiếm việc khác làm, song anh Tân nhất quyết giữ lại mấy con để tiếp tục gầy đàn. Ban ngày, anh phụ vợ bán nước mía, tối về lên mạng, rồi mua sách báo về nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy cho loài chồn.
Anh Tân tâm sự: “Sau nhiều năm nuôi, tôi không những nắm bắt được đặc tính, cách ăn uống, sinh sản của loài chồn trong môi trường nuôi nhốt mà còn chế ra được loại thuốc đặc trị bệnh viêm ruột, gây tiêu chảy ở loài chồn”.
Theo anh Tân, phương thuốc này kết hợp một số thảo dược, vitamin tổng hợp và men tiêu hóa. Trước khi cho chồn ăn, anh hòa thuốc vào trong nước cho chúng uống để ổn định đường ruột.
Thức ăn cho chồn gồm chuối và cá, mỗi ngày cho ăn 1 lần vào buổi chiều.
Bên cạnh đảm bảo cho đàn chồn ăn no, đầy đủ chất, anh Tân đặc biệt coi trọng vệ sinh môi trường; chuồng trại và máng nước được thau rửa 2 lần/ngày.
Hàng tuần, anh phun thuốc khử trùng, sát khuẩn chuồng nuôi để hạn chế dịch bệnh. Định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm, anh tiêm vắc xin cho đàn chồn. Nhờ đó mà đàn chồn ít bị bệnh, tăng sức đề kháng, sinh trưởng phát triển tốt.
“Từ 4 con chồn, đến nay, trang trại của tôi đã có gần 300 con chồn sinh sản và chồn con”-anh Tân phấn khởi cho biết.
Cũng theo anh Tân, chồn hương vốn là động vật hoang dã nên có sức đề kháng cao, ít bị bệnh. Chồn hương dễ nuôi, không mất nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn đơn giản. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt chồn hương trên thị trường khá cao nên không lo đầu ra.
Nói về việc nuôi chồn sinh sản, anh Tân chia sẻ: Chồn hương sau 12 đến 14 tháng nuôi bắt đầu sinh sản. Nhưng để chồn đẻ tốt nhất là khoảng 20 tháng tuổi. Trong thời gian này, chồn sinh sản được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là canxi để hạn chế chồn mẹ sau khi sinh thiếu hụt chất sẽ ăn con non.
Chồn mẹ mỗi năm đẻ 2-3 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 4 con. Sau 60 ngày tuổi, chồn con được tách đàn và nuôi dưỡng bằng thức ăn đến khi cứng cáp thì xuất bán.
Hiện nay, anh Tân bán 5 triệu đồng/cặp chồn hương giống. Ngoài cung ứng cho các trại nuôi trong tỉnh, anh còn xuất đi các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định... “Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ việc bán chồn giống. Sắp tới, tôi sẽ mở cơ sở chăn nuôi chồn hương tại tỉnh Kon Tum”-anh Tân cho hay.
Trao đổi với P.V, ông Bùi Quốc Khánh-Chủ tịch Hội Nông dân phường An Phú-thông tin: "Trại nuôi chồn hương của anh Trương Hồng Tân mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Tân cũng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng chồn hương cho một số hộ dân trên địa bàn. Thời gian tới, Hội sẽ tổ chức cho hội viên, nông dân có nhu cầu tham quan, học hỏi để nhân rộng mô hình chăn nuôi, giúp nâng cao thu nhập".