"Đột nhập" trại nuôi chồn hương lớn nhất đất Cần Thơ

Chủ nhật, ngày 30/06/2019 19:15 PM (GMT+7)
Chồn hương là loài động vật hoang dã nhưng cũng thích hợp để nuôi chuồng tại nhà. Bà Nguyễn Thị Cậy, 62 tuổi, ngụ ở Khu vực 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, Cần Thơ được xem là một trong những người đầu tiên ở miền Tây nuôi thành công giống chồn hương từ hoang dã.
Bình luận 0

Trại nuôi này được Chi cục Kiểm lâm TP. Cần Thơ cấp giấy phép chăn nuôi và theo dõi về số lượng, chất lượng chăn nuôi thường xuyên.

Bà cho biết, sau khi nghỉ hưu vào năm 2011, tình cờ bà mua được 5 cặp chồn hương giống từ Bình Dương đem về nuôi. Không ngờ sau 2 năm, các cặp chồn con lớn lên và sinh sản nhanh, tạo được đàn chồn với số lượng lớn. Bà Cậy đi chào hàng với một số nơi và được nhiều nhà hàng đặt mua với số lượng ổn định. Từ đó bà mở rộng quy mô chuồng trại và tiến hành duy trì đàn luôn trong khoảng từ 40 – 60 co.

img

Một dãy chuồng tại trại nuôi chồn hương của bà Cậy.

img

Chồn hương hay còn có tên gọi khác là cầy xạ, chồn mướp, cu tỏi… Thịt và xạ hương của chồn có giá trị cao trong kinh tế và nghiên cứu khoa học

Với kinh nghiệm học hỏi từ sách báo và rút ra trong quá trình nuôi, bà Cậy chia sẻ: Chồn hương tuy được thuần dưỡng nhưng vẫn còn tính chất hoang dã nên phải nuôi riêng mỗi con một chuồng để tránh tình trạng cắn nhau. Bên cạnh đó, chuồng phải có ngăn vách đóng mở được để thực hiện phối giống.

Ngoài ra cần có một số chuồng đặt nơi kín đáo, yên tĩnh và có lót ổ đẻ sẵn cho chồn sinh sản và nuôi con. Hệ thống chuồng trại cần được thường xuyên làm sạch và giữ vệ sinh để phòng tránh các mầm móng nấm bệnh. Hiện trại nuôi của bà Cậy có hơn 30 chuồng, được làm từ lưới kẽm kiên cố và cao ráo, có ô đựng nước riêng cho mỗi con...

img

img

imgChuồng được làm từ lưới kẽm, cao ráo, có lót bạt và máng uống… đảm bảo vệ sinh.

Do chồn có đặc tính ngủ ngày nên bà Cậy cho chồn ăn mỗi ngày 1 lần, thường vào đầu giờ chiều, khi chồn bắt đầu thức. Thức ăn thường là chuối chín và thịt, lòng bò hoặc heo đã luộc chín. Mỗi tuần chồn được cho ăn thêm cháo trắng, cua, cá, hột vịt lộn...

Trung bình chi phí thức ăn cho mỗi con chồn trưởng thành khoảng 2.500 đồng/ngày. Bên cạnh đó nước uống cho chồn cũng được bà Cậy đun sôi để nguội để đảm bảo vệ sinh cho chồn.

img

Bà Cậy cho biết, thức ăn từ động vật và nước uống của chồn đều phải được nấu chín để tránh bệnh thường gặp ở chồn như tiêu chảy…

img

Thức ăn chủ yếu cho chồn là chuối chín, thịt, gan tim heo hoặc bò luộc chín…

Chồn hương nuôi chuồng mỗi năm có thể sinh sản từ 2 – 3 lần/năm, mỗi lần sinh từ 1 – 3 con. Chồn cái mang thai khoảng 60 ngày thì sinh. Chồn con sau khi sinh đến 60 ngày tuổi thì biết ăn, đến khoảng 6 - 8 tháng tuổi thì đạt trọng lượng khoảng 2 - 2,5 kg/con, có thể tách bầy để nuôi thương phẩm. 

Bình quân mỗi năm, trang trại của bà Cậy với 25 con chồn cái sinh sản sinh được khoảng 150 chồn con. Trung bình mỗi cặp chồn giống (70 - 80 ngày tuổi) có giá bán từ 5 – 6 triệu đồng. Riêng chồn thương phẩm có giá bán từ 1.400.000 – 1.600.000 đồng/kg.

img

img

Mỗi con chồn mẹ đẻ từ 2 – 3 con chồn con/lứa. Chồn con được mẹ chăm sóc đến khoảng 60 ngày tuổi thì bắt đầu ăn được. 

Bà Cậy chia sẻ, mỗi năm bà cho xuất chuồng từ 120 – 150 con, sau khi trừ hết các chi phí, bà có lãi gần 300 triệu đồng. Hiện tại trang trại nuôi chồn của bà Cậy được xem là một trong những trang trại đảm bảo đầy đủ các quy chuẩn chăn nuôi và có số lượng đàn đông nhất ở miền Tây Nam bộ. 

Bà Cậy cho biết, bà sẵn sàng chia sẻ con giống cũng như hướng dẫn kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi cho những ai muốn lập nghiệp từ nghề nuôi chồn hương. Ngoài việc có giá trị cao về thương phẩm, xạ hương của chồn là một loại dược liệu quý, được dùng nhiều trong nghiên cứu khoa học.

img

imgPhân chồn được ủ để bón cho cây rất tốt.

Linh An (Thế Giới Trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem