Sáng 17/5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Trực tuyến với Liên đoàn lao động trong cả nước nhằm tăng cường phòng dịch Covid -19 trong công nhân lao động.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, do đặc thù khu công nghiệp có số lượng đông công nhân lao động, lại có sẵn nguồn bệnh nên khả năng lây lan dịch rất cao.
Hiện nay tình hình lây nhiễm dịch Covid -19 diễn biến phức tạp trong khu công nghiệp ở 6 tỉnh thành. Trong đó, Bắc Giang có số ca lớn nhất với 310 ca Đà Nẵng 36 ca...
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 27/4 đến nay, dịch đã lây ra 26 tỉnh, thành phố trong cả nước với 1.177 ca mắc mới. Theo báo cáo từ các cấp công đoàn, đến 20h ngày 17/5/2021 đã có 366 ca dương tính là công nhân lao động (CNLĐ) các doanh nghiệp và khu công nghiệp tại tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội (7 ca); Bắc Giang (310 ca); Bắc Ninh (11 ca); Hưng Yên (1 ca); Phú Thọ (1 ca); Đà Nẵng (36 ca).
Cụ thể, Bắc Giang có 3 ổ dịch với tổng 310 ca là công nhân lao động thuộc 2 doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp Vân Trung. Cả 2 khu công nghiệp đều nằm tại huyện Việt Yên.
Ông Nguyễn Quang Bắc - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện tại tỉnh có 4.260 ca F1 đã được cách ly tập trung; có hơn 17.592 ca công nhân lao động là F2 tự cách ly tại nhà.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đề xuất Tổng liên đoàn sớm có chính sách hỗ trợ công nhân bị cách ly. Tình hình nhiều công nhân lao động nghỉ việc cách ly lớn, thu nhập giảm sút nghiêm trọng. Thêm vào đó, nhiều gia đình có con nghỉ học bố mẹ là công nhân không có nơi gửi con, không thể tham gia lao động sản xuất. Chính vì vậy, liên đoàn đã làm việc với doanh nghiệp, để doanh nghiệp hỗ trợ, đảm bảo công việc, thu nhập cho lao động. Thực hiện luân phiên, đổi ca, kíp tạo điều kiện công nhân lao động làm việc.
"Đặc biệt, chúng tôi kiến nghị để doanh nghiệp tuyệt đối không chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc để đảm bảo ổn định quan hệ lao động trong thời gian xảy ra dịch, nhất là từ nay đến ngày bầu cử", ông Nguyễn Quang Bắc chia sẻ.
Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn đã quyết định dành kinh phí trên 1,5 tỷ đồng để tổ chức một số đợt thăm hỏi, động viên tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Dự kiến tặng 1.550 suất quà trị giá 1 triệu đồng/suất. Đồng thời dành kinh phí 1 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ công nhân, viên chức 10 bệnh viện đang bị cách ly, phong tỏa. Mỗi đơn vị 100 triệu đồng.
Chiều nay (17/5), ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cùng đoàn sẽ tới thăm tặng quà cho công nhân, lao động tại Bắc Ninh và Bắc Giang. Tổng số tiền 300 triệu đồng, trong đó, Bắc Ninh là 100 triệu đồng; Bắc Giang là 200 triệu đồng.
Không chỉ Bắc Giang, Bắc Ninh hiện cũng là tỉnh có số ca mắc Covid -19 cao nhất hiện nay. Bà Nguyễn Thị Văn Hà - Chủ tịch Liên đoàn tỉnh Bắc Ninh cho biết, toàn tỉnh có 225 ca đoàn viên công nhân nhiễm Covid -19. Cán bộ công đoàn 9 ca, công nhân 6 ca. Cả tỉnh hơn có 3.000 F1. Liên đoàn lao động tỉnh đã làm việc với DN để phòng chống dịch. 3/5 thường vụ đã thăm kiểm tra. Đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ thu nhập, đảm bảo cách ly cho lao động tại nhà.
Bà Hà cũng cho biết Liên đoàn lao động tỉnh đã kiến nghị với DN tạo điều kiện cho lao động có con nghỉ học được làm việc luân phiên. Tuyệt đối không cho lao động nghỉ việc để đảm bảo quan hệ lao động, ổn định từ nay tới ngày bầu cử.
Hiện nay công đoàn Bắc Ninh cũng đã hộ hơn 500 triệu đồng cho các khu công nghiệp phòng dịch. Liên đoàn lao động tỉnh cũng rà soát số ca F1, F2 (và người đang bị phong tỏa) cách ly để có những hỗ trợ kịp thời.
Ngày 15/5 Liên đoàn tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ những lao động là F0 với số tiền là 3 triệu đồng; Số ca là F1 là 1 triệu đồng. Hỗ trợ mỗi lao động là F2 bị cách ly tại nhà là 5 kg gạo.
Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh kiến nghị: "Tổng liên đoàn nên sớm ban hành quy định hỗ trợ đoàn viên, công đoàn bị nhiễm hoặc phải cách ly tập trung. Mức hỗ trợ cụ thể là 3-5 triệu đồng/1 người là F0; hỗ trợ 1 triệu đồng với ca F1; hỗ trợ ca là F2 bị cách ly tại nhà là 5kg gạo. Bên cạnh đó có cơ chế hỗ trợ cán bộ công đoàn phòng chống bệnh covid -19, nhất là với cán bộ công đoàn nhiễm Covid -19".
Ngoài những kiến nghị trên từ phía liên đoàn lao động các địa phương, bà Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế kiến nghị Công đoàn trích ngân sách để mua bảo hiểm cho người hoạt động nơi tuyến đầu.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ Tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, dịch đang diễn biến phức tạp, tấn công mạnh vào công nhân lao động. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là phải bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình để hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương thực hiện đảm bảo mục tiêu kép, vừa tăng cường chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận và biểu dương sự cố gắng của các cấp công đoàn, trong việc triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời có những cách làm sáng tạo chăm lo đời sống của công nhân, lao động. Ông cũng đặc biệt biểu dương cán bộ, đoàn viên công đoàn nơi tuyến đầu là y, bác sĩ.
Chủ tịch Tổng liên đoàn đề nghị cán bộ công đoàn khu công nghiệp tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp thực hiện phòng dịch. Nắm chắc hướng dẫn, hỗ trợ tài chính hỗ trợ công nhân, lao động, kể cả nơi chưa có tổ chức công đoàn. Đồng thời không chủ quan, không quá hoang mang, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. Đặc biệt trong bối cảnh, cả nước sắp diễn ra cuộc bầu cử, các cấp công đoàn cần phải tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho công nhân lao động đi bầu cử.
"Về kiến nghị, hỗ trợ tiền cho đoàn viên lao động là F0; F1; hỗ trợ chiến sỹ tuyến đầu chống dịch... đã được xem xét. Trước mắt hỗ trợ F0 là 3 triệu đồng, F2 cũng sẽ có. Bên cạnh đó sẽ hỗ trợ mỗi đơn vị bệnh viện tuyến đầu chống dịch là 50 triệu đồng", ông Khang nói.