Giãn việc do dịch Covid -19 lao động có được nhận lương?
Giãn việc do dịch Covid -19, lao động có được trả tiền lương?
Thùy Anh
Thứ tư, ngày 12/05/2021 12:07 PM (GMT+7)
Dịch Covid -19 đang bùng phát tại nhiều địa phương, nhiều khu công nghiệp. Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp đã cho người lao động ngừng việc, giãn việc. Vấn đề được nhiều người quan tâm lúc này là ngừng việc, giãn việc thì doanh nghiệp có trả tiền lương?
Giãn việc do dịch Covid -19 lao động vẫn được trả lương
Tại điều 99, chương VI, Bộ Luật lao động năm 2019 có quy định về trả lương khi ngừng việc. Trong đó, có quy định trường hợp lao động phải nghỉ việc do điều kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh (dịch Covid -19), địch họa... Cụ thể trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
Trong trường hợp lao động nghỉ việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, khi lao động bị tạm ngưng việc, giãn việc do dịch bệnh Covid -19 thì lao động vẫn được nhận lương. Mức lương do hai bên thương lượng.
Làm việc không đủ thời gian vẫn được trả tiền lương
Ngoài ra, tại điều 30 và điều 32 Bộ Luật lao động năm 2019 có quy định về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và quy định thời gian làm việc không trọn thời gian.
Điều 30, Bộ Luật lao động năm 2019 quy định cụ thể về các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Ngoài điều kiện chủ quan do người lao động như: Lao động đi nghĩa vụ quân sự; lao động bị tạm giữ hình sự; lao động nữ mang thai...
Điều 30 còn quy định về trường hợp khác do hai bên thỏa thuận. Theo đó, trong hoàn cảnh bất khả kháng do dịch bệnh, chiến tranh... thì doanh nghiệp có quyền được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hoặc cho lao động giãn việc, ngừng việc.
Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Điều 32 Bộ Luật Lao động năm 2019 cũng có quy định làm việc không trọn thời gian.
Theo đó, điều 32 quy định người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.
Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
"Lao động tạm hoãn hợp đồng lao động không được trả lương, nhưng lao động giãn việc hoặc làm việc không trọn thời gian vẫn được trả lương. Mức lương được hai bên thảo luận, giao kết, bổ sung trong Hợp đồng lao động".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.