Đoàn sinh viên Học viện Quân y lên đường làm nhiệm vụ tại "tâm dịch" Bắc Giang. Ảnh: NVCC
"Nhìn tờ danh sách sinh viên lên đường chi viện cho Bắc Ninh mãi chẳng thấy tên đâu, mình và nhiều bạn hụt hẫng lắm. Ai ngờ danh sách được bổ sung sau đó, tâm trạng của mình rất hồi hộp", đó là tâm sự của Nguyễn Minh Mẫn, Lớp phó học tập Lớp DH50B, Hệ 4, Học viện Quân y.
Khi được hỏi có lo lắng chút nào không khi "xông pha" tới tâm dịch Covid-19, chàng sinh viên Quân y chẳng ngần ngại trả lời: "Điều mình lo lắng nhất là không biết có đóng góp được đủ nhiều cho tuyến đầu hay không thôi. Trước khi đi, ai cũng được nhà trường và bệnh viện tập huấn kỹ càng nên bọn mình rất tự tin về kiến thức cũng như kỹ năng khi tham gia phòng chống dịch".
Tình hình dịch Covid-19 ở Bắc Ninh khá căng thẳng, đoàn của Minh Mẫn khi tới nơi ngay lập tức phải bắt tay vào công việc. Công việc bắt đầu vào buổi chiều cho tới tận đêm muộn, thường là 0h đêm mới kết thúc.
Nguyễn Minh Mẫn cùng các đồng đội trong tổ công tác tại "điểm nóng" Bắc Ninh. Ảnh: NVCC
Các đội sẽ được chia về các địa điểm lấy mẫu, cùng với lực lượng y tế địa phương tiến hành khử khuẩn, hướng dẫn người dân khai báo y tế. Khi xong việc, mọi người thu dọn về nghỉ ngơi và nhận kế hoạch, nhiệm vụ của ngày hôm sau.
"Khó khăn lớn nhất có lẽ là thời tiết quá nóng. Đặc điểm của bộ đồ bảo hộ là rất kín để bảo vệ mình khi phòng chống dịch, vì vậy cũng không có cách nào làm mát cơ thể. Gió không lọt vào, mồ hôi không thoát được ra, khát cũng không thể uống nước. Đến khi cởi ra ai cũng vắt được từ quần áo cả cân mồ hôi", Minh Mẫn chia sẻ.
Bộ đồ bảo hộ kín mít đã "vắt kiệt" mồ hôi của Minh Mẫn và các bạn. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, với những chàng sinh viên Quân y, chẳng ai xem đó là vất vả vì họ đã coi đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của bác sĩ, chiến sĩ bộ đội của đất nước, của nhân dân.
"Thi cử có thể lùi được chứ việc chống dịch thì lúc nào cũng phải sẵn sàng"
Hiện tại đang là thời điểm ôn thi cuối kỳ gấp rút của các sinh viên Quân y. Tuy nhiên, ngay khi có thông báo điều động của nhà trường, Cao Văn Giang, học viên Lớp DH50B, Hệ 4, Học Viện Quân y không ngần ngại gác lại việc học tập.
Mặc dù chỉ còn hơn một năm nữa là ra trường, việc học và thi cử đều không thể chậm trễ, nhưng Giang tự tin rằng trên cương vị vừa là một bác sĩ tương lai, lại vừa là một quân nhân thì mọi chuyện dễ dàng hơn với sinh viên này. Thi cử có thể lùi lại, việc chống dịch lúc nào cũng phải sẵn sàng.
Cao Văn Giang tạm gác lại việc ôn thi để lên đường vào "tâm dịch". Ảnh: NVCC.
"May mắn là năm ngoái chúng mình đã được tập huấn kỹ lưỡng rồi, ngay khi có quyết định, Học viện cũng đã triển khai ôn tập cấp tốc lại một lần nữa. Vì vậy mà mình không cảm thấy lo sợ hay gian nan gì cả. Lúc nào cũng chỉ chực chờ có quyết định là lên đường ngay thôi", Giang vui vẻ nói.
14h chiều có quyết định, 19h tối, đoàn của Giang bắt đầu lên xe khởi hành tới Bắc Giang. Tất cả đều khẩn trương tới mức Giang còn chưa kịp gọi điện thông báo cho gia đình.
Ngay sáng ngày hôm sau, Giang cùng đoàn sinh viên của Học viện Quân y nhanh chóng được phân chia công việc. Lực lượng tham gia được chia thành nhiều tổ và mỗi tổ đều có các bác sĩ ở bệnh viện dã chiến trực tiếp chỉ đạo.
Giang tâm sự, gian nan nhất là có một ngày phải vào sâu trong rừng lấy mẫu xét nghiệm cho các chiến sĩ ở Bắc Giang. Còn lại, đoàn chủ yếu lấy mẫu ở khu công nghiệp và các xã thuộc huyện Yên Dũng.
Các chàng sinh viên Quân y trong bộ đồ bảo hộ. Ảnh: NVCC.
"Những ngày đầu, điều mình cảm thấy khó khăn nhất chính là thích nghi với bộ đồ bảo hộ vì chúng mình phải mặc khoảng 6-7 tiếng trong một ngày, cộng thêm thời tiết nắng nóng. Không tránh khỏi trường hợp có bạn rất mệt mỏi, mồ hôi đầm đìa, thậm chí có bạn đã bị ngất vì kiệt sức", chàng sinh viên chia sẻ.
Mặc dù vậy, sau tất cả, đối với Giang cũng như tất cả sinh viên tình nguyện khác, điều quan trọng nhất lúc này là làm sao để có thể cống hiến, góp công sức đẩy lùi dịch Covid-19.
Chàng sinh viên Quân y bày tỏ: "Chúng mình chẳng ai lo lắng gì cả, mọi người ngược lại còn rất hào hứng. Nhân dân đã nuôi mình, giờ là lúc mình có cơ hội để cống hiến cho dân".