Đến Hợp tác xã (HTX) sản xuất và dịch vụ rau an toàn Túy Loan những ngày này, cảnh vật nhìn chung đìu hiu và khô khốc vì nắng cháy, không khí sản xuất ảm đạm, thưa vắng nông dân ra thăm đồng.
Từ sau Tết, bà Huỳnh Thị Trực (70 tuổi) xuống giống 2 sào ớt và đến nay bắt đầu vào vụ thu hoạch. Những tưởng đợt này ruộng ớt trĩu trái, được mùa hơn mọi năm sẽ đem lại nguồn thu nhập kha khá, nhưng dịch Covid-19 tái phát đã khiến bà Trực không biết xoay sở làm sao.
"Cũng tại Covid-19 mà năm nay ớt được mùa nhưng lại mất giá, thương lái thu mua nhỏ giọt, chợ thì họp 3 ngày 1 lần nên càng khó tiêu thụ. Vào đầu vụ những năm trước, ớt có giá lắm, bán từ 20.000-30.000 đồng/kg, có ngày bán nhiều được 40kg ớt. Hai năm trở lại đây vì dịch bệnh nên ớt chỉ có giá 5.000 đồng/kg, rẻ như cho nhưng bán không được, không ai mua thì thu hoạch làm gì?...", bà Trực than thở.
Giống ớt bà con nông dân đang trồng là ớt ngà, trồng được quanh năm, chống chịu hạn rất tốt và cho năng suất cao.
Cây ớt dễ trồng, yêu cầu dinh dưỡng cao nên người trồng phải thường xuyên chăm bón, theo dõi. Cũng vì thế, khi ớt rớt giá chỉ còn 5.000 đồng/kg thì người nông dân bị lỗ vốn, ớt xanh khi đã chín mà không được thu hái sẽ khiến cây ớt bị chết, không thể tiếp tục ra hoa, kết trái.
Bên cạnh việc sản xuất rau sạch và trồng ớt, bà Trực còn trồng thêm 1,5 sào bí đao. Mọi năm vào mùa nắng nóng, bí đao bán khá chạy với giá 10.000 đồng/kg.
Hiện nay, bí rớt giá còn 4.000 đồng/kg và bán rất chậm. Nhìn những giàn bí đao nặng trĩu trái, chi chít lớn nhỏ, có những trái đã già nhưng nông dân không thu hoạch.
Ông Đặng Công Lai (72 tuổi) bộc bạch, giàn bí đao của ông mùa này xanh tốt, ra trái nhiều và nặng sụp cả giàn. Ấy thế mà vì Covid-19 nên hoạt động mua bán bị ảnh hưởng, nhu cầu tiêu thụ giảm, nhà hàng, khách sạn đóng cửa. Bí đao dù ngon, sạch, rẻ nhưng chín già cả giàn cũng không ai mua. Một ngày nhiều lắm bán được 20.000 đồng.
Trước tình hình thất thu mùa bí và ớt, HTX Túy Loan đã cố gắng kêu gọi, vận động và hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người nông dân.
Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX Túy Loan chia sẻ: "Vì ảnh hưởng chung của dịch bệnh, nên nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, gặp khó về đầu ra, đầu mối siêu thị thì lấy hàng số lượng ít, các trường học tạm nghỉ, đi chợ phải giãn cách. Hiện nay, HTX chỉ xuất bán khoảng 30kg rau, củ, quả mỗi ngày.
Chúng tôi đã và đang kêu gọi các tổ chức, ban ngành đoàn thể tiếp tục chung tay ủng hộ nông sản sạch của bà con. Từ đó giảm bớt phần nào sự thiệt hại, giúp người nông dân có thể gỡ gạc lại vốn liếng".
Đồng cảnh ngộ, cánh đồng ớt tại thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã nhiều ngày điêu đứng vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Mỗi năm vào vụ thu hoạch ớt, nông dân phấn khởi vì thương lái đến thu mua tại ruộng, doanh nghiệp mua ớt xuất khẩu, giá ớt cao từ 30.000-40.000 đồng/kg. Thế nhưng hiện nay, đây là năm thứ 2 nông dân trồng ớt ở Bồ Bản lao đao khi ớt mất giá vì dịch Covid-19.
Bà Phạm Thị Năm (70 tuổi) tâm sự: "Năm nay tôi chỉ trồng 1 sào ớt, thời tiết thuận lợi nên cây nặng trĩu trái, tươi tốt, hi vọng đợt này bán kiếm được kha khá. Bất ngờ dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào đầu vụ thu hoạch ớt, các đầu mối tiêu thụ mất hút, ớt rớt giá thê thảm, 4.000-5.000 đồng/kg chỉ vớt vác tiền công chăm sóc".
Ớt cay nồng, chuẩn sạch là vậy nhưng nhu cầu tiêu thụ không nhiều, giá bán rẻ mạt nhưng không ai mua. Vì thế, ớt chín đỏ cả cây nhưng nông dân không thu hái, dẫn đến cây ớt chết dần. Theo chia sẻ của bà con, khi chưa có dịch thì ít nhất ớt cũng bán được 15.000 đồng/kg, như vậy người dân mới có lợi nhuận.
Cạnh bên là ruộng ớt của bà Trần Thị Hiên (60 tuổi), những cây ớt cho trái sum suê, hút mắt. Bà Hiên cho hay, năm nay ớt được mùa nhưng lại mất giá, không tiêu thụ được. Nếu ớt chín mà không hái thì cây chết hoặc bị ngã, gãy cành vì trái ớt nặng trĩu, nhưng hái rồi thì không bán được.
Mấy ngày nay, nhờ có HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Hòa Phong 1 và Hội Nông dân xã Hòa Phong hỗ trợ tiêu thụ ớt Bồ Bản với giá 10.000 đồng/kg, nên nông dân có động lực để thu hái, hi vọng gỡ gạc được vốn liếng đã bỏ ra.
Được biết, HTX từng triển khai tập huấn cho bà con trồng ớt ở Bồ Bản cách chế biến ớt tươi thành những sản phẩm như ớt bột, ớt khô, ớt dầm, tương ớt. Nhưng vì đầu ra không ổn định, người tiêu dùng chưa ưa chuộng, nên sản phẩm chế biến mang thương hiệu ớt Bồ Bản chưa được phổ biến, mang tính bấp bênh.
Ông Nguyễn Sĩ - Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Hòa Phong 1 cho biết, cánh đồng ớt xanh Bồ Bản được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô sản xuất nhỏ nên thị trường không ổn định, chủ yếu được tiêu thụ thông qua các thương lái, chợ dân sinh, hàng quán trên địa bàn.
Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình mua bán của nông dân, HTX đã phối hợp với Hội Nông dân xã Hòa Phong, các cá nhân, tập thể đoàn hội để tiêu thụ giúp bà con, động viên họ tiếp tục chăm sóc, thu hoạch ớt.