Thái Bình: Đến khổ, cá to nằm đầy ao, trông ngóng mãi mà bóng dáng thương lái vẫn "biệt tăm"

Thứ năm, ngày 08/04/2021 06:11 AM (GMT+7)
Giá thành thấp, bị ép giá, khó tiêu thụ, chi phí sản xuất tăng... là những khó khăn mà người nuôi cá, nuôi trồng thủy sản trong tỉnh Thái Bình đang phải chịu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bình luận 0

Giá thành thấp, bị ép giá, khó tiêu thụ, chi phí sản xuất tăng... là những khó khăn mà người nuôi trồng thủy sản (NTTS) trong tỉnh Thái Bình đang phải chịu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thái Bình: Đến khổ, cá to nằm đầy ao, trông ngóng mãi mà bóng dáng thương lái vẫn "biệt tăm" - Ảnh 1.

Giá bán hạ, khó tiêu thụ, người nuôi cá ở Thái Bình phát sinh chi phí thức ăn chăn nuôi mỗi ngày.

Nuôi cá lồng trên sông vốn là nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều người dân trong tỉnh những năm qua, thế nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là giá thành hạ và khó tiêu thụ. 

Gắn bó với nghề nuôi cá lồng gần 10 năm nay nhưng chưa khi nào gia đình ông Nguyễn Đình Chiểu ở xã Vũ Đoài (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ) lại rơi vào cảnh “thiệt đơn thiệt kép” như hiện nay. 

Ông Chiểu cho biết: Gia đình tôi thường xuyên nuôi 30 lồng cá với các giống cá đặc sản như cá lăng, cá trắm, cá diêu hồng. Vào thời điểm thị trường ổn định, tôi đầu tư mỗi lồng nuôi từ lúc thả giống đến lúc thu hoạch có thể đạt 17 tấn cá thương phẩm với trọng lượng trung bình từ 2 - 5kg/con. 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ ăn uống bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ thủy sản nên tôi giảm số lượng nuôi, mỗi lồng cá duy trì từ 7 - 10 tấn nhưng thương lái chỉ thu mua cầm chừng và trả giá thấp.

Nếu như trước đây thương lái thu mua toàn bộ cá thương phẩm với giá từ 60.000 - 65.000 đồng/kg thì nay chỉ thu mua chọn lọc cá có trọng lượng từ 3kg trở lên với giá 40.000 - 45.000 đồng/kg. Trong khi để nuôi được 1kg cá thương phẩm phải đầu tư chi phí từ 50.000 - 57.000 đồng mua con giống, thức ăn, thuốc, nhân công lao động, chưa kể thiệt hại do dịch bệnh, bão lũ, hao hụt do đánh bắt và giá cám tăng. 

Như vậy mỗi kg cá bán đi tôi bị lỗ từ 10.000 - 12.000 đồng. Không chỉ khó tiêu thụ, giá thành hạ mà từ đầu năm đến nay gia đình còn bị thiệt hại hơn 10 tấn cá do nguồn nước thay đổi khiến cá bị chết. Ngoài ra, tôi còn 5 mẫu ao khu vực nội đồng nuôi giống cá trê ta chuẩn bị đến kỳ xuất bán nhưng chưa có nơi tiêu thụ.

Trước đây, gia đình anh Đoàn Trọng Nghĩa ở xóm 9, xã Bình Minh (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) chưa bao giờ phải lo lắng đầu ra cho sản phẩm bởi thương lái đến tận nơi thu mua toàn bộ cá thương phẩm.

Nhưng từ khi dịch Covid-19 xảy ra, trang trại của anh cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Anh Nghĩa cho biết: Diện tích nuôi cá của gia đình tôi rộng hơn 2ha với các giống cá trắm, chép, rô phi. Hàng năm vào thời điểm này, toàn bộ số cá nuôi đã được tiêu thụ hết và gia đình đang cải tạo ao để chuẩn bị nuôi vụ mới. 

Tuy nhiên, từ trước tết Nguyên đán Tân Sửu, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm mạnh khiến giá cá thương phẩm hạ xuống thấp. Mặc dù giá cá trắm giảm từ 50.000 - 55.000 đồng/kg xuống 42.000 đồng/kg, cá chép giảm từ 45.000 đồng/kg xuống 39.000 đồng/kg, cá rô phi giảm từ 32.000 - 37.000 đồng/kg xuống 29.000 đồng/kg nhưng vẫn khó tiêu thụ. 

Hiện gia đình còn tồn hơn 10 tấn cá thương phẩm đã đến kỳ xuất bán nhưng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ khiến mỗi ngày phát sinh hơn 3 triệu đồng chi phí thức ăn chăn nuôi.

Qua nắm bắt hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân trong tỉnh Thái Bình, toàn bộ diện tích nuôi cá nước lợ, nước ngọt đều gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, giá thành đồng loạt giảm, trong đó nhiều đối tượng nuôi đặc sản như cá vược, cá song, cá lăng cũng chịu chung tình cảnh “rớt giá” mà vẫn tiêu thụ cầm chừng. 

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Thái Bình), cùng thời điểm này so với mọi năm đã có 70 - 80% diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước ngọt được tiêu thụ, tuy nhiên năm nay mới chỉ đạt 30 - 40% diện tích khiến sản lượng cá nuôi tồn nhiều. Với tình hình tiêu thụ như hiện nay, người nuôi cá sẽ bị lỗ vốn bởi tốn thêm nhiều chi phí để nuôi cầm chừng, thiếu vốn xoay vòng đầu tư sản xuất và phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh.

Ngân Huyền (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem