Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại hơn 100 trạm thu phí trên cả nước để phục vụ các phương tiện.
Giai đoạn 1 (BOO1) thực hiện tại 44 trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, do Công ty TNHH VETC cung cấp dịch vụ. Dự án đã hoàn thành với 40 trạm thu phí thực hiện ETC (riêng 4 đường cao tốc của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam được Thủ tướng chấp thuận thực hiện ETC khi bố trí được nguồn vốn).
Dự án giai đoạn 2 (BOO2) thực hiện ở 33 trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đơn vị cung cấp dịch vụ ETC giai đoạn 2 là Công ty CP giao thông số Việt Nam - VDTC.
Chỉ cần có tài khoản giao thông, khách hàng nạp tiền và sử dụng cho tất cả các trạm thu phí ETC trên cả nước. Đây được xem là giải pháp quan trọng giúp người dân lưu thông thuận tiện hơn, minh bạch hóa các dự án giao thông.
Tuy nhiên, việc thực hiện thu phí không dừng vẫn còn một số lỗi, bất cập khiến cho nhiều tài xế, chủ phương tiện không "mặn mà" dán thẻ thu phí ETC. Nguyên nhân, được các cơ quan chức năng chỉ ra là do tài xế quen dùng với tiền mặt và chưa làm quen được với ứng dụng thu phí này, đặc biệt cách nạp tiền vào tài khoản thu phí không dừng còn nhiều hạn chế.
Vậy để nạp được tiền vào tài khoản thu phí tự động không dừng, tài xế, chủ phương tiện sẽ nạp bằng cách nào? Đây vẫn đang là câu hỏi được đặt ra với nhiều người.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, để nạp tiền vào tài khoản thu phí tự động không dừng, đảm bảo không bị thiếu hụt tiền trong tại khoản, tài xế, chủ phương tiền có thể nộp tiền mặt tại quầy của VETC, và tại các ngân hàng.
Trong trường hợp khách hàng dùng điện thoại thông minh thì tải app của VETC, dùng app này để chuyển tiền vào tài khoản giao thông thu phí không dừng. Trường hợp không tải app của VETC, có thể dùng app của ngân hàng dùng internet banking để nạp tiền vào tài khoản.
Nếu khách hàng dùng app của VETC thì trên app này đã quản lý được các giao dịch, bao nhiêu lần đi qua trạm, trong tài khoản còn bao nhiêu tiền. Mỗi lần chủ phương tiện qua trạm app sẽ báo số tiền đã trừ, số tiền còn trong tài khoản.
Đối với dịch vụ thông báo biến động số tiền trong tài khoản giao thông, nếu khách hàng muốn dùng dịch vụ kiểm tra số dư tài khoản, phải đăng ký dịch vụ SMS qua app và trả phí cho nhà mạng, VETC không thu loại phí này.
Cũng theo đại diện Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) cho biết, đơn vị sở hữu thẻ thu phí tự động không dừng ePass cho biết, VDTC triển khai dán thẻ ePass miễn phí tại các hệ thống siêu thị ViettelStore và hệ thống bưu cục ViettelPost hoặc chủ phương tiện đăng ký online, dán thẻ tại nhà. Chủ phương tiện nạp tiền vào tài khoản giao thông ePass thông qua ví điện tử Momo, ViettelPay, tài khoản thanh toán của hơn 40 ngân hàng hoặc thẻ thanh toán quốc tế.
Thanh toán trực tiếp khi qua trạm mà không cần nạp tiền trước vào tài khoản giao thông thông qua liên kết trực tiếp với ViettelPay. Chủ phương tiện dán thẻ truy cập app chủ phương tiện ePass bằng user và mật khẩu đã được cấp. Sau đó ấn vào nút hiển thị số dư tài khoản để kiểm tra số dư hiện có.
Bộ GTVT đang cùng các nhà đầu tư tổng hợp làm sao thuận lợi nhất cho người dân đi lại. Hiện nay, Viettel đã xây dựng ví điện tử ViettelPay kết nối với 40 ngân hàng có thẻ tín dụng kết nối với ứng dụng này có thể sử dụng để thanh toán thu phí tự động không dừng. Vietel sẽ kết nối thẻ thu phí không dừng với ViettelPay để tạo thuận lợi cho tài xế thanh toán phí khi đi qua trạm.
Hiện, BOO1 cũng đã có ví điện tử tương tự như BOO2, nhưng số lượng mới chỉ có 5, 6 ngân hàng kết nối, do đó, chúng tôi cũng yêu cầu BOO2 kết nối với BOO2 để liên kết dùng chung 1 ví điện tử để thanh toán thu phí tự động không dừng.