Dán thẻ thu phí không dừng: Vì sao tài xế còn tâm lý e ngại?

Thế Anh Thứ năm, ngày 20/05/2021 16:21 PM (GMT+7)
Việc ứng dụng công nghệ điện tử vào quản lý hệ thống thu phí đường bộ là giải pháp để giải quyết bài toán thu phí không dừng, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tài xế chưa "mặn mà" dán thẻ ETC.
Bình luận 0

Thu phí không dừng: Hiệu quả, vì sao tài xế không "mặn mà"?

Trong vòng 10 năm qua, hệ thống Thu phí điện tử đã được ứng dựng tại nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, CHLB Đức, Pháp đã đem lại hiệu quả về mặt tiện ích, công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải được thực hiện trên nền tảng Hệ thống giao thông thông minh.

Ở Việt Nam, trong giai đoạn 2018 - 2020 chúng ta bắt đầu nghe, nói và trải nghiệm một ứng dụng công nghệ điện tử vào hệ thống giao thông đường bộ, đó là hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng (ETC).

Đến nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại hơn 100 trạm thu phí trên cả nước để phục vụ các phương tiện.

Tài xế không mặn mà với thu phí không dừng, lỗi từ nhà cung cấp - Ảnh 1.

Dự án thu phí không dừng được kỳ vọng giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Dự án thu phí tự động không dừng bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (BOO1) thực hiện tại 44 trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, do Công ty TNHH VETC cung cấp dịch vụ. Dự án đã hoàn thành với hơn 40 trạm thu phí thực hiện ETC.

Dự án giai đoạn 2 (BOO2) thực hiện ở 33 trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đơn vị cung cấp dịch vụ ETC giai đoạn 2 là Công ty CP giao thông số Việt Nam - VDTC. Ngoài ra, các trạm thu phí do các địa phương quản lý cũng đã thực hiện lắp đặt xong thu phí tự động không dừng.

Thu phí tự động không dừng được ứng dụng tại tất cả các trạm thu phí trên cả nước với mục đích tháo gỡ những điểm nghẽn và phiền nhiễu trên đường lưu thông của phương tiện toàn quốc, giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển, liên thông thẻ thanh toán với các ngân hàng, ví điện tử, nâng cao minh bạch trong quản lý thu phí BOT.

Chỉ cần có tài khoản giao thông, khách hàng nạp tiền và sử dụng cho tất cả các trạm thu phí ETC trên cả nước. Đây được xem là giải pháp quan trọng giúp người dân lưu thông thuận tiện hơn, minh bạch hóa các dự án giao thông.

Tuy nhiên trên thực tế, hiệu quả dịch vụ ETC chưa như kỳ vọng, bởi nhiều nguyên nhân từ việc vận hành hệ thống vẫn còn phát sinh lỗi và các chủ phương tiện chưa "mặn mà" dán thẻ thu phí không dừng ETC.

Thống kê của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC vào cuối năm 2020, trong tổng số hơn 3,5 triệu ô tô đang lưu hành trên cả nước mới có khoảng một triệu phương tiện dán thẻ thu phí không dừng ETC, nhưng chưa đến một nửa số phương tiện dán thẻ có nạp tiền sử dụng dịch vụ thường xuyên.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, cả nước đã ghi nhận tới gần 137.300 xe dán thẻ ETC mới, đẩy lượng xe ôtô dán thẻ trên cả nước đạt 1.021.500 xe.

Tài xế không mặn mà với thu phí không dừng, lỗi từ nhà cung cấp - Ảnh 2.

Thu phí không dừng vẫn còn một số lỗi.

Thu phí không dừng vẫn phát sinh nhiều lỗi 

Theo tìm hiểu, một số lỗi phát sinh như xe dán thẻ VDTC thu sai mệnh giá (theo thống kê có khoảng 100 xe: Xe loại 5 nhưng dán thẻ mức giá là xe loại 1), nguyên nhân gây lỗi là do nhân viên phát hành thẻ kích hoạt sai loại phương tiện.

Cùng với đó, các phương tiện dán thẻ VDTC kết nối ViettelPay thường bị lỗi khi qua các trạm của Công ty trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động (VECT) quản lý do không thể kiểm tra được số dư trong tài khoản giao thông dẫn đến barie không mở.

Các lỗi phát sinh trong thu phí không dừng ETC được một số chủ phương tiện nêu rõ: Trong tài khoản thu phí tự động không dừng còn tiền nhưng khi qua trạm BOT hệ thống ứng dụng thu phí không nhận diện được dẫn đến chủ xe phải dừng lại thanh toán tiền mặt.

Một số xe dán thẻ thu phí tự động không dừng đi qua trạm thu phí trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Hải Phòng, Bắc Giang - Lạng Sơn gặp tình trạng không giao dịch được thanh toán thu phí không dừng.

Các lỗi xảy ra như xe qua trạm thu phí đầu vào, nhưng đầu ra lại không giao dịch được do không có dữ liệu, không thấy trên hệ thống... Chủ xe thì bức xúc vì có tiền trong tài khoản mà phải lùi xe sang làn thu phí thủ công hoặc phải trả tiền mặt.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng xe không qua trạm nhưng bị trừ tiền. Nguyên nhân lỗi được xác định do dự án nhà cung cấp dịch vụ sử dụng thêm giải pháp đọc biển số, tuy nhiên do xác suất đọc biển hoặc nhân viên nhập biển có sai sót nhầm biển số dẫn đến xe không qua trạm vẫn bị trừ tiền.

Đây có phải là do các đơn vị lắp đặt và vận hành thu phí tự động gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động (VECT) và Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) chưa kết nối liên thông.

Tài xế không mặn mà với thu phí không dừng, lỗi từ nhà cung cấp - Ảnh 3.

Trạm thu phí Liêm Tuyền đã lắp đặt hệ thống thu phí không dừng.

Lỗi từ nhà cung cấp

Được biết, Vụ Đối tác công tư (Vụ PPP - Bộ Giao thông Vận tải) đã tiến hành kiểm tra các hoạt động thu phí không dừng tại các trạm thu phí có lưu lượng lớn như trạm Quốc lộ 1 Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình...

Kết quả của đoàn kiểm tra cho thấy, hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí này vẫn còn nhiều tồn tại và vướng mắc về quá trình quản lý, vận hành. Trong đó, xác định được các lỗi đọc thẻ (xe dán thẻ đủ điều kiện nhưng barie không mở), đặc biệt gặp nhiều tại các trạm do nhà đầu tư BOT lắp đặt thiết bị Front-end (đầu-cuối) kết nối với Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC).

Lý giải về nguyên nhân dẫn tới các lỗi thu phí không dừng, lãnh đạo Vụ PPP chỉ ra nguyên nhân do phía VDTC còn tồn tại các lỗi trong quá trình dán thẻ cho khách hàng (đưa thẻ cho khách hàng tự dán, dán ở các vị trí không đảm bảo về mặt kỹ thuật, không kiểm tra chất lượng đọc thẻ sau khi dán,...).

Để khắc phục những lỗi nêu trên, Vụ Đối tác công tư đã yêu cầu VDTC rà soát, điều chỉnh lại quy trình dán thẻ cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình dán thẻ dịch vụ; cử cán bộ thường trực tại các trạm thu phí xử lý, thay thế các thẻ dán bị lỗi cho khách.

Thông tin tới báo chí, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đã yêu cầu VDTC chấn chỉnh lại việc dán thẻ và bố trí nhân viên thường trực tại các trạm, thẻ nào bị lỗi dán lại ngay cho chủ phương tiện.

Đồng thời, Tổng cục giao 2 nhà cung cấp dịch vụ trên xây dựng quy chế phối hợp, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng trong đó quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia vào công tác vận hành hệ thống, cũng như xác định rõ quy trình xử lý các vấn đề khi phát sinh lỗi trong quá trình vận hành.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem