Dân Việt

Cà Mau: Đáng báo động, ngư dân kêu cứu vì nạn trộm ngư cụ trên biển với thủ đoạn tinh vi

Chúc Ly - Ngọc Quyên 25/05/2021 13:50 GMT+7
Nhiều ngư dân hành nghề bẫy mực bằng vỏ ốc ở huyện U Minh (Cà Mau) kêu cứu vì nạn trộm ngư cụ trên biển. Có người mỗi lần mất hàng ngàn con ốc bẫy mực, tình trạng diễn ra trong thời gian dài, thiệt hại tiền tỷ.

Ngư dân khốn đốn vì nạn trộm ngư cụ trên biển

Theo nhiều ngư dân hành nghề bẫy mực bằng vỏ ốc ở huyện U Minh, Cà Mau, tình trạng trộm ngư cụ, cụ thể là ốc bẫy mực, diễn ra thường xuyên. Số tiền thiệt hại tài sản mà người dân phải chịu từ nạn trộm ngư cụ trên biển lên đến hàng tỷ đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Thanh Bình (ngụ ấp 2, xã Khánh Lâm, huyện U Minh) kể: "Mùng 6 Tết, tôi xuất hành ra biển. Đến sáng mùng 10, tôi bị mất khoảng 2.300 con ốc bẫy mực (loại 22 ngàn đồng/con). Tôi làm nghề này khoảng 11 năm, tôi bị mất trên dưới 1 tỷ đồng tiền ốc (bẫy ốc), 1 năm mất ít nhất cũng 100 triệu đồng".

Cà Mau: Ngư dân kêu cứu vì nạn trộm ngư cụ trên biển với thủ đoạn tinh vi.

Trong khi đó, bà Lê Kim Chung (ngụ ấp 4, xã Khánh Hội), thì bức xúc: "Gia đình tôi có 2 chiếc ghe ốc (hành nghề bẫy mực bằng vỏ ốc). Nếu tính ước chừng số tiến ốc bẫy mực bị mất chắc cỡ 2 tỷ đồng. Mới sau Tết cũng bị mất. Chỉ cần đi ra biển ra là bị mất, ít hay nhiều cũng bị mất. Nếu làm thì phải canh sáng đêm, nhưng canh đằng trước, đằng sau trộm rình lấy, đường nào cũng bị mất".

Cà Mau: Ngư dân kêu cứu vì nạn trộm ngư cụ trên biển với thủ đoạn tinh vi - Ảnh 4.

Rất đông ngư dân ở huyện U Minh, Cà Mau bức xúc kêu vì cứu nạn trộm ngư cụ trên biển.

Chung cảnh ngộ, chị Phạm Thu Giới (ngụ ấp 5, xã Nguyễn Phích) có 3 chiếc ghe hành nghề bẫy mực bằng vỏ ốc, cũng bị trộm. "Khoảng 3 năm nay, gia đình tôi bị mất trộm ốc bẫy mực trị giá trên 500 triệu đồng. Mới đây, gia đình tôi bị mất 3.000 con ốc bẫy mực, trị giá hơn 100 triệu đồng.

Theo chị Giới, không chỉ gia đình chị, mà nhiều người dân ở đây rất bức xúc, mong chính quyền các cấp có giải pháp xử lý nạn trộm ngư cụ trên biển, để người dân yên tâm làm ăn.

Việc thường xuyên bị trộm lấy ngư cụ, khiến ngư dân rất hoang mang. Nhiều người không dám đi ra biển hành nghề. Hoặc nếu có đi làm thì cũng lo sợ, tốn nhiều công sức canh giữ ngư cụ. Thậm chí có người còn phải đi nơi khác làm ăn.

Theo bà con ngư dân, để hoạt động, mỗi chiếc ghe làm nghề ốc bẫy mực phải trang bị hàng chục ngàn con ốc. Mỗi con ốc bẫy mực loại 1 có giá khoảng 40 ngàn đồng. Mất hàng ngàn con ốc tương đương với số tiền trăm triệu đồng. Trong khi đó, những tên trộm trang bị rất tinh vi và quy mô.

Cụ thể, trộm dò tần số liên lạc của chủ ghe để xác định vị trí trộm ốc. Sau đó dùng phương tiện công suất lớn đột nhập cắt dây lấy ốc. Ngư dân phát hiện cũng không thể đuổi theo. Ngoài ra kẻ trộm hoạt động theo kiểu băng nhóm, có tổ chức...

Người khốn khổ vì nạn trộm ngư cụ trên biển tự tìm bằng chứng

Bị mất trộm ốc bẫy mực nhiều lần, trình báo cơ quan chức năng nhưng vẫn tái diễn, chị Lư Thị Kiên (ngụ xã Khánh Hội, huyện U Minh) tự mình tìm kẻ trộm. Sau đó trình báo vụ việc với cơ quan chức năng. 

Clip chị Lư Thị Kiên (ngụ xã Khánh Hội, huyện U Minh) bức xúc nạn trộm ngư cụ trên biển.

Chị Lư Thị Kiên cho biết: "Nhà tôi có 3 chiếc ghe ốc, nhưng tính từ tháng 4-10/2020, thì tôi mất tổng cộng tiền ốc trị giá trên tỷ đồng. Do bị mất trộm quá nhiều lần, tôi sơn lên vỏ ốc làm dấu. Dựa vào đó, tháng 10/2020, tôi tìm được số ốc bị trộm và trình báo với Công an huyện U Minh. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết xong".

Cụ thể, chị Kiên đã mất nhiều thời gian và công sức đóng giả làm người tìm mua ốc để tìm ra kẻ trộm.

"Do lượng ốc mất quá lớn, tôi đóng giả là người mua ốc bẫy mực, tìm đến các đầu mối chuyên thu mua bán ốc. Sau đó thì một người tên T (chuyên thu mua bán ốc bẫy mực) gửi ảnh ốc cho tôi chào hàng. Ông T giới thiệu là ốc ông mua của người khác bán lại với giá 22.000 đồng một con ốc (giá thị trường giao động từ 34.000 — 41.000 đồng/con). Khi nhận được hình ảnh ốc, tôi nhận ra ngay đây là số ốc của tôi mất trộm vì tôi có làm dấu. Tôi tìm cách thỏa thuận với ông T mua số ốc trên", chị Kiên kể.

Cũng theo lời chị Kiên, ban đầu chị hỏi mua 2.000 con để tránh bị lộ cũng như xác định chính xác đó là số ốc bẫy mực của mình bị mất. Sau đó, chị thương lượng mua 5.000 con ốc còn lại và báo công an.

Cà Mau: Ngư dân kêu cứu vì nạn trộm ngư cụ trên biển với thủ đoạn tinh vi - Ảnh 6.

Chị Lư Thị Kiên (ngụ xã Khánh Hội, huyện U Minh) phải tự tìm chứng cứ để tìm kẻ trộm ngư cụ của mình.

Đến ngày 22/10/2020 ông T giao cho chị Kiên 2.000 con ốc. Tiếp đến ngày 24/10/2020, ông T giao 5.000 con ốc, thì bị công an bắt quả tang và lập biên bản.

Sau khi lập biên bản, Công an huyện U Minh đưa 5.000 con ốc về đơn vị tạm giữ, phục vụ điều tra. Số 2.000 con ốc còn lại thì bàn giao cho chị Kiên tạm quản lý chờ công an có biện pháp giải quyết.

Tuy nhiên, khoảng 11h30  ngày 26/10/2020, ông T tự ý đưa phương tiện đến lấy 2.000 con ốc đi. Chị Kiên gọi lực lượng Công an xã Khánh Hội đến thì ông T mới ngừng lại.

"Tôi đã ba lần yêu cầu Công an xã Khánh Hội lập biên bản nhưng đều bị từ chối. Tôi tiếp tục yêu cầu Công an huyện lập biên bản hiện trường vụ ông T tẩu tán tang vật, nhưng vẫn không được", chị Kiên cho hay.

Tiếp nhận vụ việc trình báo của chị Kiên về việc mình bị mất ốc bẫy mực và cho rằng lô ốc ông T bán là ngư cụ của mình bị mất, Công an huyện U Minh vào cuộc điều tra.

Đến ngày 24/2/2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện U Minh ra quyết định không khởi tố vụ án "Trộm cắp tài sản".

Cà Mau: Ngư dân kêu cứu vì nạn trộm ngư cụ trên biển với thủ đoạn tinh vi - Ảnh 7.

Các hình ảnh chị Kiên lưu lại.

Không đồng ý việc không khởi tố vụ án, chị Kiên khiếu nại. Sau đó, Công an huyện U Minh bác khiếu nại với lý do Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện U Minh từ chối định giá tài sản trên.

Cụ thể, do tài sản yêu cầu định giá là "tài sản không giao dịch phổ biến trên thị trường hoạt động mua, bán tài sản được tiến hành hợp pháp và công khai trên thị trường". Nên Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện U Minh không có cơ sở để xác định, định giá tài sản.

Không đồng tình với cách giải quyết trên, chị Kiên tiếp tục khiếu nại vụ việc đến Công an tỉnh Cà Mau.

Đến ngày 12/4/2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện U Minh ra quyết định khởi tố vụ án "Trộm cắp tài sản" với định giá tài sản là 108 triệu đồng. 

Trong khi đó, ngày 22/5, chị Kiên cho biết, cơ quan công an đề nghị chị tham gia lấy mẫu, kiểm đếm tang vật. "Tôi phát hiện các bao tang vật bị mở niêm phong, thay đổi bao bì. Tôi lo sợ số ốc được niêm phong trước đó bị đánh tráo nên chưa đồng ý" - chị Kiên nói.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Được biết, trước đó một tổ công tác của Công an tỉnh Cà Mau đến Công an huyện U Minh làm việc xung quanh khiếu nại của chị Kiên. Tổ công tác cũng thừa nhận tang vật bị mở niêm phong. Nhưng là do quá trình bảo quản, cán bộ để bị hư hỏng bao bì và niêm phong.

Tổ công tác cũng thừa nhận, khi tiến hành niêm phong lại nhưng không mời bà Kiên là sai sót của cán bộ. Việc này, sẽ được xử lý theo quy định; đồng thời chỉ đạo thay đổi điều tra viên.

Đồng thời, tại buổi làm việc của tổ công tác, đại tá Phạm Minh Lũy, Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau chỉ đạo: "Phải nhìn nhận thiếu sót về việc chậm xử lý, quá trình làm việc chưa đến nơi đến chốn, điều tra viên có dấu hiệu chưa chuẩn, còn nhiều sơ sót. Điều tra làm rõ hành vi của ông T có liên quan đến vụ trộm hay là người tiêu thụ đồ gian".

Còn việc ông T tự ý đến lấy 2000 vỏ ốc mà Công an huyện U Minh tạm giao cho chị Kiên. Theo Công an huyện U Minh, thì đơn vị này có trao đổi với VKSND cùng cấp nhưng xét thấy hành vi trên chưa đến mức cấu thành tội phạm.