Bộ phim "Hướng dương ngược nắng" đã khép lại ở tập 70. Nhiều người ví cái kết của phim như một "buổi chầu" của chương trình Táo Quân. Đọng lại trong buổi chầu ấy là những lời gửi gắm và tâm tình của ông Cao Phan với con dâu và các cháu gái.
Thực tế, việc xây dựng nên cái kết có hậu khi để cho các cặp đôi ông Quân (NSƯT Phạm Cường) – bà Cúc (NSND Thu Hà), Hoàng (Việt Anh) – Minh (Thu Trang), Trí (Đình Tú) – Ngọc (Quỳnh Kool), Châu (Hồng Diễm) – Kiên (Hồng Đăng)… về bên nhau sau khi đã trải qua nhiều sóng gió không làm khán giả thất vọng. Đây cũng là một trong những thông điệp nhân văn mà nhiều phim Việt vẫn thường hướng tới.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, kết phim hơi bị gượng gạo và sắp xếp các tình tiết hơi khiên cưỡng. Cụ thể, theo diễn biến phim là Kiên mất hết ký ức nhưng sau đó nhờ sự giúp đỡ của Hoàng, Minh, Trí và Ngọc... mà một drama (vở kịch) đã tạo ra khiến Châu phải thuận lòng bỏ qua mọi thứ đến với Kiên. Chi tiết này, theo nhiều người là bị khiên cưỡng bởi mọi thứ diễn ra quá đơn giản. Và bản thân Châu là một người thông minh, cá tính... sẽ không khó để nhận ra đó là một "kịch bản" đã được sắp xếp trước.
"Vì sao tất cả đều phải thành đôi? Cái kết này đối với tôi chưa thuyết phục. Trong tập cuối, các tình tiết để Châu và Kiên kết nối lại quá gấp gáp và gượng ép. Màn Châu bị hỏng giày không hợp lý. Đáng lẽ nên là một cái kết mở cho cặp này", một khán giả bày tỏ.
Bên cạnh đó, nhiều khán giả cũng chê cảnh Phúc với Hạnh có cái gì đó như là một sự lắp ghép vụng về. Cả cách họ thoại với nhau cũng rất miễn cưỡng, hơi "kịch"... không phù hợp mối quan hệ của họ ở những tập trước.
Ngoài ra, nhiều người cũng có chung cảm nhận rằng, phim sẽ trọn vẹn hơn nếu được chứng kiến của nụ hôn Châu – Kiên sau một chặng hành trình dài yêu thương đầy biến động. Đặc biệt, sau hơn 10 năm cặp đôi song "Hồng" trở thành bạn diễn ăn khách trên sóng truyền hình thì nụ hôn đó sẽ góp phần làm cho câu chuyện tình yêu của phim đặc sắc hơn.
Biên kịch Nguyễn Thủy - đại diện cho nhóm biên kịch và biên tập chia sẻ rằng, trong quá trình phát sóng, bộ phim đã tạo ra những cuộc tranh cãi không ngừng nghỉ thì kết phim có tranh cãi cũng là điều dễ hiểu. Đó là cái kết không làm hài lòng tất cả, nhưng là điều tốt nhất mà nhóm nội dung cũng như ê-kíp sản xuất phim có thể làm với nhân vật của mình.
"Tôi vẫn nhớ, lần đầu tiên tôi làm một bộ phim có hai cái kết là "Ngày ấy mình đã yêu". Đó cũng là lần đầu tiên, một bộ phim phát sóng cái kết theo ý kiến khán giả. Cuối cùng, cái kết được hơn 70% khán giả ủng hộ và có gần 30% khán giả cảm thấy không hài lòng. Ở thời điểm đó, mình đã hiểu sâu sắc một điều rằng, vĩnh viễn đừng bao giờ mong đợi điều ta làm có thể thỏa mãn tất cả. Chúng ta, nếu may mắn, sẽ chỉ thỏa mãn số đông là cùng.
Kết thúc của "Hướng dương ngược nắng", có lẽ cũng thế. Chúng tôi đã làm theo những tiêu chí nghề nghiệp để có một kết thúc hợp lí nhất và chính chúng tôi ít hối tiếc nhất. Nhưng đặc biệt hơn, kết thúc của bộ phim này vẫn để ngỏ một vài câu hỏi. Mà phần trả lời, khán giả có quyền có những đáp án theo quan điểm của riêng mình", biên kịch Nguyễn Thuỷ nói.
Theo biên kịch Nguyễn Thủy, trong "Hướng dương ngược nắng", thứ mà cô thích khai thác nhất là tình thân chứ không phải tình yêu. Và ngay từ đầu, khi xây dựng câu chuyện phim, cô cùng các biên kịch đồng nghiệp đều thống nhất, không xây dựng những nhân vật chỉ có đúng, chỉ có tốt.
"Chúng tôi đã chọn đường dễ, bởi lẽ, chỉ những nhân vật còn thiếu sót mới khiến cho chúng tôi dễ có không gian để phát triển và thay đổi. Và vì thế, những nhân vật của "Hướng dương ngược nắng" chẳng ai có thể vỗ ngực rằng mình không sai. Họ có thể đã đúng với mình, nhưng sai với người khác. Họ có thể đã đúng với người khác nhưng lại sai với chính bản thân và những yêu thương quanh mình.
Nhưng ngay cả trong những tưởng tượng phong phú nhất, tôi cũng chưa từng nghĩ, cách xây dựng nhân vật của chúng tôi lại nhận được những phản ứng trái chiều đến vậy.
Khán giả của phim nồng nhiệt, đa dạng và chia rẽ. Họ chia phe, chia tuyến, khi yêu rất yêu, khi ghét rất ghét, khi đòi hỏi rất đòi hỏi. Và điều tôi thích thú nhất ở dự án này, chính là, lần đầu tiên có một lực lượng "đồng sáng tác" kịch bản thú vị đến vậy. Các bạn đã nhập cuộc, sống cùng câu chuyện, phán đoán, phát triển về nhân vật khiến chúng tôi nhiều khi bất ngờ, thậm chí là khâm phục.
"Hướng dương ngược nắng" là một hành trình không ngừng đảo chiều của "thuận và nghịch", là những tranh cãi không ngừng của "sai và đúng". Và ai đứng ở góc độ nào, cũng có lí lẽ của riêng mình, từ nhân vật cho tới khán giả.
Còn trên phương diện sáng tác, tôi đã luôn nhất quán ở điều này. Tôi tin vào sự đa dạng của cuộc sống, tin vào sự "bất toàn", tin rằng con người không ai hoàn hảo. Nhưng, điều mình tin hơn cả, là tính hướng thiện của con người.
Và vì thế, trước lúc "bãi triều" của một bộ phim phát sóng ròng rã nửa năm, tôi đã để cụ Cao Phan dặn dò con cháu: "Dưới vòm trời này, bốn phương tám hướng, đi chốn nào cũng được. Nhưng hãy nhớ, hướng thiện vĩnh viễn là hướng xuất hành cát lợi cho bất kỳ ai…". Và đó, cũng là điều, mà mình luôn nhắc nhở bản thân mình.
Nữ biên kịch này cũng cho biết, "Hướng dương ngược nắng" là dự án dài hơi. Và trong suốt hành trình đó, bộ phim đã mang đến nhiều thử thách cho chính cô và các đồng nghiệp. Đã có lúc cô cùng các biên kịch hoang mang, thấy đuối sức và "sập nguồn". Nhưng, phút giây "về đích" cũng đã gieo vào cô những điều xúc động. Nó là thứ cảm xúc đẹp của nghề nghiệp, với luyến lưu, với tiếc nuối, với hồi hộp cùng cả những "giá như" vẫn còn ngơ ngẩn trong lòng.