Khi các lực lượng nước ngoài rút quân theo thời hạn thông báo của Tổng thống Joe Biden là ngày 11/9, các chuyên gia và nhà ngoại giao đã suy đoán rằng vai trò tương lai của Washington trong khu vực có thể sẽ nằm ở các căn cứ tại những nước lân cận, đặc biệt là Pakistan.
"Nếu ai làm vậy, thì trách nhiệm cho tất cả những bất hạnh và khó khăn sẽ thuộc về người đó", nhóm nổi dậy Taliban cho biết trong một tuyên bố.
Các quan chức Mỹ đã chia sẻ rằng họ đang khám phá các lựa chọn căn cứ tiềm năng ở những quốc gia gần Afghanistan, như Tajikistan và Uzbekistan, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận với bất kỳ quốc gia nào.
Trong những ngày gần đây, đã có nhiều cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao của Pakistan và Mỹ, bao gồm cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh Quốc gia của Biden, Jake Sullivan và người đồng cấp Pakistan.
Pakistan có chung đường biên giới với Afghanistan chạy dọc theo các khu vực tranh chấp nặng nề ở phía nam và phía đông Afghanistan, nơi có sự hiện diện đông đảo của Taliban.
Một phát ngôn viên của văn phòng đối ngoại Pakistan hôm 24/5 cho biết bất kỳ suy đoán nào về việc Mỹ sử dụng các căn cứ ở Pakistan là "vô căn cứ và vô trách nhiệm". Đại sứ quán Mỹ tại Islamabad không đưa ra bình luận gì.
Giao tranh giữa Taliban và lực lượng Afghanistan đã leo thang mạnh mẽ ở Afghanistan kể từ khi Washington công bố quyết định của mình, một khung thời gian chậm hơn so với dự kiến trong thỏa thuận mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký với quân nổi dậy vào tháng 5 năm ngoái.
Nhiều nhà phân tích đã cảnh báo rằng đất nước có thể sẽ rơi vào cuộc nội chiến khi các nỗ lực nhằm đảm bảo một thỏa thuận hòa bình thông qua các cuộc đàm phán ở Doha phần lớn đều bị đình trệ.
Hai nguồn tin của Taliban cho biết một số thành viên trong văn phòng chính trị của nhóm này hiện đang ở thủ đô Islamabad của Pakistan để đàm phán, bao gồm cả việc có nên tham gia một hội nghị sắp diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ mà họ đã tẩy chay trước đó hay không.
Pakistan trước đây từng bị chỉ trích vì có quan hệ với Taliban, nhưng trong những năm gần đây, chính phủ nước này đã được Washington ca ngợi vì giúp đưa nhóm này đến bàn đàm phán.