Dân Việt

Tìm lối ra cho nông sản mùa dịch Covid-19 (bài 4): Linh hoạt các kịch bản tiêu thụ

Khánh Nguyên 29/05/2021 08:21 GMT+7
Chủ động kết nối với các thị trường, kiên quyết bảo vệ vùng vải thiều an toàn trước dịch Covid-19, tỉnh Bắc Giang đang áp dụng linh hoạt các kịch bản tiêu thụ vải dù những khó khăn do tác động của dịch bệnh là không hề nhỏ.

Vải sớm Tân Yên lên đường sang Nhật Bản

Ngày 26/5/2021, tại huyện Tân Yên, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ xuất hành lô vải chín sớm huyện Tân Yên sang thị trường Nhật Bản. 

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu và Công ty CP XNK Thực phẩm Toàn Cầu sẽ xuất khẩu lô vải sớm Tân Yên đầu tiên sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không, với số lượng khoảng 20 tấn.

20 tấn vải thiều này được xử lý sơ chế tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Bắc Giang).

Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định, năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các vùng trồng vải thiều an toàn trước dịch Covid-19, đặc biệt là trên địa bàn huyện Tân Yên và huyện Lục Ngạn. 

Quản lý nghiêm ngặt các mã số vùng trồng vải thiều, bố trí cán bộ chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các tổ liên kết, hợp tác xã, nhà vườn trồng vải thiều về quản lý mã số vùng trồng vải thiều an toàn, quy trình chăm sóc, các biện pháp phòng dịch bệnh…

Tìm lối ra cho nông sản mùa dịch Covid-19 (bài 4): Linh hoạt các kịch bản tiêu thụ - Ảnh 1.

Lễ xuất hành đưa vải sớm Tân Yên (Bắc Giang) xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: P.V

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 180.000 tấn vải, 18.000 tấn rau, 8.800 tấn dứa, 1 triệu con lợn, 19 triệu con gia cầm đang vào thời điểm thu hoạch.

"Tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các điều kiện đặc biệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe, an ninh trật tự cho các doanh nghiệp, thương nhân, lái xe vào tỉnh Bắc Giang thu mua, tiêu thụ vải thiều. 

Chuyến vải thiều sớm đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là một minh chứng khẳng định sự quyết tâm, nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Giang trong quá trình sản xuất, tiêu thụ vải thiều" - ông Phan Thế Tuấn nói.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, huyện Tân Yên tập trung cao bảo đảm cho các vùng vải thiều "Sạch - Không bị tác động của dịch Covid-19", đó là: Đưa cách ly tất cả các đối tượng F1 ra ngoài vùng vải thiều của huyện. Tuyên truyền, vận động người dân trong vùng vải thiều không đi ra khỏi địa bàn, tập trung cho sản xuất, tiêu thụ vải thiều. 

Lập các tổ chốt kiểm soát người, phương tiện vào vùng vải thiều tập trung, bảo đảm quy định phòng dịch Covid -19.

 Kiểm tra y tế các mã vùng trồng, chủ vườn trồng vải thiều, các cơ sở đóng gói, sơ chế, lái xe và phương tiện vận chuyển, người lao động tham gia thu hái, đóng gói, vận chuyển vải thiều, bảo đảm an toàn, không bị ảnh hưởng Covid-19...

Linh hoạt các kịch bản tiêu thụ

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 180.000 tấn vải, 18.000 tấn rau, 8.800 tấn dứa, 1 triệu con lợn, 19 triệu con gia cầm đang vào thời điểm thu hoạch. Riêng với vải thiều, tỉnh Bắc Giang bắt đầu thu hoạch vải sớm từ 20/5 – 10/6 với khoảng 45.000 tấn, vải chính vụ từ 10/6 đến cuối tháng 7 với khoảng 135.000 tấn.

"Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều, chúng tôi đã làm việc kết nối với các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chủ động đưa lên sàn thương mại điện tử hình thành chuỗi cung ứng, đảm bảo hậu cần như vận chuyển, kho lạnh, đóng gói bảo quản để đưa sản phẩm vải thiều tốt nhất đến tay người tiêu dùng"- ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết.

Bên cạnh xây dựng kịch bản ứng phó theo tình hình của dịch Covid-19, ngay từ đầu tháng 5, tỉnh Bắc Giang đã thành lập các tổ chốt, trạm tại các tuyến đường, cửa ngõ ra vào vùng vải tập trung của các vùng trồng vải như Tân Yên, Lục Ngạn để kiểm soát, đảm đảm an toàn vùng sản xuất vải thiều, không có trường hợp F1 ở khu vực các vùng vải tập trung.

"Đồng thời, các đơn vị phối hợp để lập hồ sơ và giấy xác nhân lô hàng vùng sản xuất an toàn dịch Covid-19 với các nội dung liên quan đến chủ lô hàng, ngày xét nghiệm và kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2; xuất xứ lô hàng, khối lượng lô hàng, cơ sở đóng gói... và cả thông tin về lái xe vận chuyển kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2... Việc thiết lập vùng nông sản an toàn sẽ tạo tâm lý yên tâm cho khách hàng" - ông Trần Quang Tấn cho biết.

Để đảm bảo việc tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã thành lập một đội xung kích, hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu tỉnh Lào Cai, tỉnh Lạng Sơn. 

Nhiệm vụ của đội xung kích này là thường trực có mặt tại cửa khẩu tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Lạng Sơn để nắm bắt và xử lý tại chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc qua các cửa khẩu.

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương Bắc Giang), thời điểm này việc thông quan nông sản đang diễn ra thuận lợi. 

Tại các cửa khẩu, lực lượng hải quan Trung Quốc tăng giờ làm việc, ưu tiên cho vải thiều thông quan đầu tiên, nhằm giúp Bắc Giang tiêu thụ thuận lợi. 

Vì vậy, Bắc Giang sẽ sử dụng linh hoạt các kịch bản để tiêu thụ vải thiều. 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ