Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống tuyệt đối không phục vụ tại chỗ, chỉ phục vụ hình thức bán hàng mang về. Cơ sở kinh doanh vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
UBND TP.HCM yêu cầu các quận, huyện và TP.Thủ Đức tăng cường kiểm soát, kiểm tra trực tiếp các loại hình kinh doanh dịch vụ mà thành phố đã yêu cầu tạm ngưng hoạt động.
"Thực hiện hình thức phạt nguội trên cơ sở hình ảnh thu thập được qua hệ thống camera giám sát trên địa bàn và các nguồn thông tin khác, áp dụng hình thức rút giấy phép kinh doanh với các cơ sở cố tình vi phạm quy định về phòng, chống dịch" – Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nêu rõ.
Ngoài ra, dừng hoạt động các phòng khám thẩm mỹ, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, các địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện, các hoạt động tại phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng, các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao ngoài trời tập trung trên 10 người.
Các cơ sở kinh doanh lưu trú theo mô hình homestay, airbnb ngưng tiếp nhận khách mới đến đăng ký lưu trú.
Thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 28/5 cho đến khi có thông báo mới.
Bên cạnh đó, UBND TP yêu cầu Sở Y tế hướng dẫn, kiểm tra tổ chức phân luồng, khám bệnh tại các bệnh viện, phòng khám, việc mua bán thuốc tại các nhà thuốc trong thành phố để đảm bảo an toàn chống dịch, phát hiện sớm ca nghi nhiễm.
Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm đảm bảo quy định phòng chống dịch, giãn cách trên các loại hình vận tải, chủ động theo dõi tình hình, quyết định tạm ngưng hoạt động các tuyến vận tải hành khách đường bộ cho phù hợp với thực tế.
Đối với xe taxi và xe ôtô dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ vẫn được duy trì hoạt động nhưng hành khách phải khai báo y tế, đeo khẩu trang, xe không mở điều hòa, mở cửa kính xe trong quá trình phục vụ hành khách.