Mới đây, 9 Hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau đã tổ chức buổi họp về chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong Chương trình tiêm chủng phòng chống dịch COVID- 19".
Tại cuộc họp, các đại diện hiệp hội đã nêu ý kiến và đề xuất về việc chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp vào những nỗ lực triển khai mua và tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19 cùng với Chính phủ.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, hiện tại, đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên, cả nước vẫn phải duy trì phát triển kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp cần chủ động trong việc thực hiện "mục tiêu kép" do Chính phủ đề ra.
"Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng Covid – 19 và mới đây là thành lập quỹ vaccine. Theo tính toán của Bộ Y tế, Việt Nam sẽ mua trên 50 triệu liều vaccine Covid – 19, dự kiến tiêm cho 75 triệu người. Tổng kinh phí ước 25.200 tỷ đồng, trong đó, kinh phí mua vaccine khoảng 21.000 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương dự trù khoảng 16.000 tỷ đồng, địa phương và các nguồn khác khoảng 9.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, nhu cầu vaccine tăng cao sẽ không thể chỉ dựa vào nguồn kinh phí là ngân sách nhà nước. Do vậy, rất cần sự chung tay của các tầng lớp khác, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp", ông Phòng nói.
Nhận định về vấn đề trên, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho rằng, hiện tại, nguồn cung vaccine mới là vấn đề, kinh phí không phải là thách thức số 1. Theo đó, USABC đề xuất có cơ chế để các thành viên của hội đồng tác động, đàm phán về việc tiếp cận nguồn vaccine.
"Các doanh nghiệp dược sản xuất vaccine Covid – 19 của Mỹ, Châu Âu sẽ tác động công ty mẹ để ưu tiên cung cấp vaccine cho Việt Nam. Nếu có thể ưu đãi về giá thì rất tốt, nhưng không sẽ phải chấp nhận mua với giá cao", đại diện USABC cho hay.
Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cũng đưa ra đề xuất, Chính phủ có cơ chế để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng vaccine nhằm chủ động về nguồn cung.
"Vấn đề lớn nhất của Việt Nam là việc tiếp cận vaccine chứ không phải là kinh phí. Mặc dù đã có cam kết là 100 triệu liều, tuy nhiên, nhiều nhà cung cấp vẫn còn phải đàm phán về thời gian giao. Do đó, chúng ta còn chưa rõ nguồn vaccine này bao giờ về đến Việt Nam.
Chúng tôi, đề xuất cho doanh nghiệp tư nhân tự tìm kiếm nguồn cung vaccine. Trong đó, Bộ Y tế sẽ đứng vai trò là cơ quan chức năng có nhiệm vụ kiểm nghiệm, cấp phép", đại diện VITAS nêu ý kiến.
Theo đó, đa phần các doanh nghiệp, hiệp hội đều bày tỏ lo lắng về vấn đề nguồn cung vaccine Covid – 19. Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đơn vị này bày tỏ nguyện vọng tự bỏ tiền ra mua vaccine phòng Covid-19 tiêm cho nhân viên.
Số liệu thống kê của EuroCham cho thấy, 2/3 lãnh đạo doanh nghiệp (70%) cho biết, công ty của họ phải đối mặt với nhiều trở ngại đối với các quy định hiện tại. Trong khi đó, 79% cho rằng quy định thời gian cách ly 3 tuần sẽ dẫn đến việc có ít chuyên gia đến Việt Nam làm việc hơn.
"Việc đóng cửa biên giới, cách ly, giãn cách xã hội không phải là một biện pháp lâu dài, nó làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi biên giới của Việt Nam bị đóng, các quốc gia khác đã và đang triển khai tiêm chủng và dần mở cửa lại với thế giới. Vì vậy, hiện nay có một nguy cơ thực sự là Việt Nam có thể bị tụt hậu nếu không triển khai chương trình tiêm chủng đại trà với tốc độ nhanh và quy mô lớn", đại diện EuroCham nhấn mạnh.