Dân Việt

Hơn 4.000 trẻ em thuộc diện F0 và F1 sẽ được hỗ trợ tiền ăn

Thùy Anh 30/05/2021 09:31 GMT+7
Trẻ em thuộc diện cách ly y tế tập trung do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ tiền ăn. Mức hỗ trợ là 80.000 đồng/ngày mỗi cháu trong 21 ngày. Thời điểm áp dụng từ 27/4 đến 31/12.

Ngoài ra, cũng trong tuần qua, Bộ LĐTBXH đề xuất các nhóm giải pháp hỗ trợ lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hỗ trợ 80.000 đồng/ngày cho mỗi trẻ phải cách ly dịch Covid-19

Bộ trưởng LĐTBXH  Đào Ngọc Dung cho biết, cơ quan này và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã quyết định hỗ trợ tiền ăn cho tất cả trẻ em từ 0 đến 16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tập trung và phải cách ly y tế tập trung, theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Mức hỗ trợ 80.000 đồng/ngày/cháu trong 21 ngày, áp dụng từ thời điểm 27/4 đến 31/12. Nguồn hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Mức hỗ trợ trẻ em phải cách ly tập trung vì dịch Covid -19 là 80.000 đồng/1 cháu/1 ngày. Hỗ trợ trong vòng 21 ngày.

Mức hỗ trợ trẻ em phải cách ly tập trung vì dịch Covid-19 là 80.000 đồng/cháu/ngày, hỗ trợ trong vòng 21 ngày. Ảnh: I.T

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện cả nước có 4.083 trường hợp F0 và F1 cách ly là trẻ em. Số liệu này có thể sẽ tăng lên khi số lượng người cách ly tại khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tăng.

Đồng thời, Bộ LĐTBXH, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ hỗ trợ cho 3 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Điện Biên mỗi tỉnh 1,2 tỷ đồng để phòng, chống dịch, trong đó có trường hợp trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Quý I/2021, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới 9,1 triệu người lao động

Bày tỏ đồng tình với báo cáo công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư ở nước ta đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, việc làm.

Cụ thể, chỉ riêng trong năm tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã có hai đợt bùng phát dịch Covid-19. Đợt dịch thứ nhất bùng phát ở Hải Dương, Quảng Ninh ngay trước Tết Nguyên đán và kéo dài khoảng một tháng. Đợt dịch thứ hai từ ngày 27/4, cũng là đợt dịch Covid-19 lần thứ tư kể từ đầu năm 2020, là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Tính đến sáng 28/5, Việt Nam đã có 6.396 ca nhiễm bệnh, 3.492 ca đang điều trị, số lượng ca F1, F2 cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý 1 năm nay, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Trong đó, 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập. Cụ thể, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Về tình hình cụ thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dịch bệnh tác động mạnh vào những ngành, nghề, khu vực, nhóm lao động chủ yếu, số lượng người có việc làm phi chính thức gia tăng do nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động thời gian dài.

Do yêu cầu phòng dịch của nhiều địa phương, cơ hội tìm kiếm được việc làm trong khu vực chính thức gặp khó khăn nên người lao động buộc phải chấp nhận làm các công việc kém ổn định, thu nhập không cao. Có 19,9% lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và 19% lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng.

Lao động tại Hà Nội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Ảnh: N.T

Lao động tại Hà Nội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Ảnh: N.T

Lao động ở khu vực thành thị cũng chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 khi phải tiến hành các biện pháp phòng dịch tại nhà máy, công xưởng. Bên cạnh đó, giao thương hàng hóa mạnh mẽ chịu tác động nhiều hơn (Khu vực nông thôn đến 5%, thành thị 15,6%, nông thôn 10,4%). Trong ba khu vực, lao động khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản chịu ít tác động tiêu cực của dịch nhất (7,5%), tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (16,5%), khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (20,4%).

Một số ngành bị ảnh hưởng mạnh như nghệ thuật, vui chơi giải trí thu nhập của lao động bị giảm 5,2%, vận tải - kho bãi thu nhập của lao động giảm 2,7%, dịch vụ lưu trú, ăn uống doanh thu giảm 3%, du lịch lữ hành doanh thu giảm 60,1%. Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng, hiện có 40.000 lao động đã hoàn tất các thủ tục, nhưng chưa thể xuất cảnh.

Trước tình thế đó, Bộ LĐTBXH đã tiếp tục dự thảo nội dung đề xuất hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp.

Bộ LĐTBXH đề xuất giải pháp hỗ trợ lao động và DN

Theo đó, Bộ LĐTBXH đề xuất Nhà nước dùng một phần ngân sách hỗ trợ trả lương ngừng việc, đóng BHXH cho NLĐ phải ngừng việc do DN. Ví dụ như cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự ở tất cả các cấp... bị tạm dừng hoạt động hoặc giảm hoạt động, để phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19.

Bộ LĐTBXH cũng đề nghị hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho NLĐ bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ như NLĐ đang phải thuê nhà, NLĐ đang thuê nhà có nuôi con dưới 6 tuổi bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương tại các DN, cơ sở giáo dục dân lập tự đảm bảo chi thường xuyên ngừng hoạt động do yêu cầu của chính quyền để phòng dịch Covid-19.

Thực hiện chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ; hỗ trợ dòng tiền cho các DN, vừa để đảm bảo việc làm cho NLĐ.

Bộ LĐTBXH đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét hưởng với doanh nghiệp phải cắt giảm 20% số lao động tham gia BHXH hiện có trong doanh nghiệp.

Bộ LĐTBXH cũng đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ một phần kinh phí và vận động nguồn đóng góp của các cơ quan, DN, địa phương để triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho NLĐ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp nhằm bảo đảm an toàn cho nguồn nhân lực sản xuất.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ