Việt Nam bước vào đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 phức tạp và nguy hiểm hơn rất nhiều những đợt dịch trước đó. Đáng lo ngại, khi "cuộc chiến" chống lại dịch bệnh Covid-19 đang bước vào giai đoạn mới với nhiều cam go và thử thách thì trên địa bàn Hà Nội, nhiều bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) phải thực hiện phong toả; cách ly y tế để phòng, chống dịch.
Và trong những ngày cách ly, bên cạnh guồng quay vất vả của công việc, các y, bác sĩ còn phải đối mặt với những quãng thời gian thật khó khăn và nặng nề. Ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung trong một tuần vừa qua, cán bộ công nhân viên của Bệnh viện phải liên tục đón nhận những tin buồn ập đến cùng một lúc.
Đó là thông tin một nữ điều dưỡng bị chính bệnh nhân mình đang chăm sóc hành hung. Hay một đám cưới phải huỷ, hạnh phúc lứa đôi tạm hoãn vì dịch. Đáng buồn nhất là câu chuyện liên tiếp hai người mẹ của nhân viên y tế làm việc trong Bệnh viện mất, họ vừa phải làm việc, vừa phải cách ly nên không thể về nhìn mặt người mẹ già lần cuối…chỉ có thể ngậm ngùi, nén nỗi đau vái vọng từ xa.
Trong đó, có trường hợp mẹ của một nữ nhân viên y tế trong Bệnh viện bị ung thư đã qua đời sau 6 năm điều trị. Hai vợ chồng nhân viên y tế này đều đang phải "gồng mình" chống dịch tại Bệnh viện không về lo đám tang cho bà được.
Nghĩ đến tình cảnh đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông giúp để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu bơ vơ ra sao… chị lại ứa nước mắt, nhiều đêm nuốt nghẹn nỗi đau, chỉ mong một ngày dịch hết để về thắp nén hương cho người mẹ quá cố và vỗ về hai đứa con nhỏ.
Và lần thứ hai trong tuần, trong buổi giao ban cơ quan các y tá, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung lại dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ người đã mất là người thân của nhân viên y tế công tác trong Bệnh viện.
Lần này là mẹ chồng của nữ cán bộ phụ trách truyền thông của Bệnh viện. Người dù không tham gia thực hiện công tác chuyên môn khám, điều trị bệnh nhân, nhưng vẫn luôn hết lòng lăn xả trong bệnh viện suốt từ ngày dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đến nay để hỗ trợ, cung cấp thông tin cho báo chí, cũng như hỗ trợ đồng nghiệp trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Khi biết tin mẹ chồng mất, cũng là lúc gia đình chị chia 3 ngả: Con chị còn nhỏ phải gửi người thân chăm sóc; chỉ có chồng may mắn về quê chịu tang trước khi có quyết định cách ly phòng dịch của địa phương; còn chị, vẫn làm việc trong khu cách ly.
Những ngày cách ly tại viện cũng sắp kết thúc nhưng với chị, nhưng ngày về quê thắp hương vái mẹ vẫn còn rất xa...
Cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có hồi kết, và sẽ vẫn còn những câu chuyện đau lòng mà có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới thấm, mới hiểu.
Song, sau những thời khắc ấy, cán bộ, công nhân viên trong bệnh viện lại biến đau thương thành hành động lao vào cuộc chiến với tâm thế của "người lính" kiên cường, tỉnh táo chiến đấu với kẻ thù vô hình mang tên Covid-19, đem lại sự sống, sự bình an cho nhân dân.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc – một trong số các bác sĩ đang điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Covid-19 tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung chia sẻ, ròng rã hơn một năm qua, hết đợt dịch này đến đợt dịch khác, anh cùng các đồng nghiệp kiên trì bám bệnh viện, túc trực bên người bệnh với mong muốn duy nhất giúp họ chiến thắng dịch bệnh, trở về với cuộc sống bình thường.
Trong vô số những ký ức của những ngày tháng đã qua, anh coi đêm 15/5 là một đêm đáng nhớ với chính mình, khi anh cùng các đồng nghiệp thức trắng để cấp cứu cho 5 bệnh nhân Covid-19 nặng mới vào, trong số đó có một bệnh nhân có diễn biến nguy kịch.
"Đó là một đêm có nhiều "kỷ lục" đáng buồn. Kỷ lục về số lượng bệnh nhân nặng nhập viện, chưa bao giờ Khoa tiếp nhận lượng bệnh nhân nhiều đến thế. Kỷ lục về số lượng nhân viên y tế cả vòng trong lẫn vòng ngoài được huy động tối đa lúc gần 0h đêm để theo dõi sát sao 18 bệnh nhân nặng, rồi tất tả ngược xuôi chạy ECMO cho 1 ca Covid-19 nguy kịch…", Bác sĩ Phúc chia sẻ.
Nói về đợt dịch thứ 4 này, bác sĩ trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tâm sự, đợt dịch nào anh em cũng vất vả, nhưng lần này đúng là quá nhiều trường hợp nặng phải cấp cứu lại vào giữa đêm khuya, bệnh nhân đa số kèm theo nhiều bệnh nền nên phải can thiệp nhiều thủ thuật.
Chính vì thế, số lượng điều dưỡng, bác sĩ được điều động tăng gấp 3 lần so với đợt dịch trước. "Nếu hỏi chúng tôi có mệt không. Đúng là mệt, nhưng không vì thế mà chùn bước, nản chí. Anh em chúng tôi luôn sẵn sàng. Bệnh viện cũng đã có các kịch bản đối phó tình huống cấp bách xảy ra với đầy đủ trang thiết bị, vật tư cần thiết đảm bảo cho công tác cứu chữa được nhanh nhất…", bác sĩ Phúc giãi bày tâm sự.
Có lẽ, trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 khốc liệt, những "chiến binh" áo trắng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung vẫn lặng lẽ, bền bỉ chiến đấu trong dịch bệnh, dù là đêm hay ngày cấp cứu, cứu chữa, "hồi sinh" cho các bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân Covid-19 nặng thoát cửa tử.
Không những vậy, từ tâm dịch, các chiến binh Bệnh viện còn mổ lấy con thành công cho nhiều sản phụ mắc Covid-19. Đơn cử, trong vòng 1 tuần, các bác sĩ trong Bệnh viện đã thực hiện thành công hai ca mổ cấp cứu, trong đó, có sản phụ suốt 11 năm hiếm muộn bị nhiễm Covid-19.
Được biết, sản phụ hiếm muộn sau nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm mới có tin vui. Không may, chị bị nhiễm Covid-19 khi đang bầu 35 tuần. Những tuần gần cuối thai kỳ, sản phụ diễn biến xấu, phổi tổn thương nặng, tình trạng suy hô hấp tăng dẫn tới suy thai...
Các bác sĩ của Bệnh viện lập tức chỉ định mổ cấp cứu để giữ an toàn cho cả mẹ và con... Sau ca mổ, một bé gái kiên cường ra đời giữa tâm dịch, nặng 2,6kg. Song, niềm vui "ngắn chẳng tày gang" khi người mẹ chuyển hôn mê, phải đưa về Khoa Hồi sức tích cực, thở máy…
Lúc này, không có mẹ kề bên, những giọt sữa đầu đời của bé lại đến chính từ nữ điều dưỡng Khoa Nhi, người cũng đang để lại con nhỏ chỉ mới chưa đầy 7 tháng tuổi ở nhà đi thực hiện nhiệm vụ chống dịch.
Cũng kể từ đây, những ngày mẹ của bé chưa thể ẵm, bồng, các nhân viên y tế trong bệnh viện lại trở thành "vú nuôi" chăm sóc em cẩn thận. Nghe tiếng bé khóc mà lòng nữ y tá nao nao, nước mặt trực trào… Hạnh phúc đến từ những điều thật giản đơn mà lại rất đỗi lớn lao. Cảm giác giữa "tâm dịch", hạnh phúc vẫn nở hoa, sự sống và tình yêu thương vẫn cứ nối dài...