Những ngày sau khi bệnh nhân B.C.P (25 tuổi, trú tại ngõ 165 Cầu Giấy) được xác định là ca nhiễm Covid-19 thứ 39 (bệnh nhân 39) tại Việt Nam, nhịp sống của người dân xung quanh con ngõ dài khoảng 400m dường như chậm lại.
Cảnh các quán ăn, quán tạp hóa hàng ngày nhộn nhịp không còn nữa, thay vào đó là những vỉa hè thông thoáng, những ngôi nhà “đóng cửa cài then”. Cả ngõ chỉ còn 1 quán cơm bình dân mở cho khách vãng lai với tấm biển “chỉ bán suất mang về”, lác đác 1-2 sạp rau bày bán sát vỉa hè phục vụ đời sống bà con trong ngõ, thậm chí đến “quầy thuốc” cũng trưng tấm biển “mua thuốc vui lòng gọi số điện thoại….”.
Con ngõ ảm đạm là thế, nhưng ở cuối ngõ, thi thoảng xe cộ vẫn qua lại, ai ai cũng ngoái nhìn vào bên trong hàng rào có tấm biển “KHU VỰC CÁCH LY”… lại chất chứa biết bao tình người.
Các hoạt động tụ tập đông người trên địa bàn phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) đều được hạn chế. (ảnh: Thành An)
Hàng quán ở ngõ 165 Cầu Giấy tạm dừng hoạt động trong những ngày vừa qua, khiến con ngõ ảm đạm khác thường.
“Chúng tôi không thiếu thứ gì”
“Anh khỏe không, tình trạng sức khỏe ổn hả. Không nhớ nhà mà chỉ nhớ vợ thôi à... Ừ. Nhớ thì gọi điện cho vợ tâm sự rồi mấy nữa là được về nhà với chị rồi nhé” - đoạn hội thoại hỏi thăm sức khỏe của chị Cao Thị Phương – nhân viên y tế phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) với một người dân đang được đưa đi cách ly Covid-19 ở ngay cạnh tấm biển “KHU VỰC CÁCH LY” vừa kết thúc, chị nhanh chóng trùm mũ bảo hộ đi vào khu vực bên trong khu cách ly, giọng lanh lảnh: “Anh Dư ơi… chị Thơm đâu rồi… lại khai cho em nhé. Hôm nay vui thế, hát cả karaoke nữa cơ à, ăn gì chưa... Không thấy ho, sốt là tốt rồi nhé”.
Người dân trong khu cách ly ở ngõ 165 Cầu Giấy được kiểm tra thân nhiệt mỗi ngày 2 lần và kê khai sức khỏe vào tờ giấy được phát sau đó đưa lại cho nhân viên y tế phường.
Một lúc sau quay ra, nữ cán bộ y tế phường Dịch Vọng sát khuẩn tay, chân, thay khẩu trang và bảo: “Nay bà con vui vẻ lắm, không lo lắng nữa rồi”. Theo lời chị Phương, hiện tại toàn bộ khu vực cách ly đã được sát khuẩn 4 lần; cứ mỗi ngày 2 lần vào sáng và chiều cán bộ y tế phường đến đo nhiệt độ thân nhiệt và nhận-phát tờ khai sức khỏe của người dân.
"Người nào có nhiệt độ khoảng 37,1oC trở lên sẽ được kiểm tra y tế và di chuyển đến các khu khám chữa bệnh đạt yêu cầu trong việc kiểm tra, chữa Covid-19” – chị Phương nói và chia sẻ, tại khu vực cách ly mà chị đang theo dõi là khu trọ của nhiều tầng lớp trong xã hội, dù chỉ có 1 số nhà nhưng lại có khoảng 7-9 hộ gia đình với khoảng 15-18 người đang được cách ly.
“Hàng ngày, ngoài nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cung cấp các thiết bị y tế cần thiết thì lực lượng công an, ủy ban phường sẽ cung ứng những nhu yếu phẩm cho người bị cách ly” – chị thông tin thêm.
Chị Cao Thị Phương – nhân viên y tế phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) sát khuẩn chân, tay sau khi đi kiểm tra thân nhiệt người dân trong khu cách ly.
Vừa nhận gói bánh mì còn nóng hổi từ tay chiến sỹ công an, bà B.T T. (56 tuổi, người dân đang thực hiện cách ly) vui vẻ gửi lời cảm ơn. "Các cháu chu đáo quá, bà không biết phải nói cảm ơn như nào cho hết..." – giọng bà xúc động nói.
Bà T. bảo, khi nhận tin khu ở của mình có người nhiễm dịch bệnh Covid-19, bà vội vàng xin nghỉ việc ở chỗ làm để phòng dịch bệnh và thực hiện cách ly. Hiện tại sức khỏe của bà bình thường. Ngày đầu thực phẩm trong nhà đều thiếu, nhưng bắt đầu từ ngày 12/3, bà nhận được nhiều sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. “Giờ trong này không thiếu thứ gì cả, mọi thứ đều được cung cấp đầy đủ. Hàng ngày tôi vẫn ăn uống, ngủ nghỉ điều độ. Cuộc sống cảm thấy rất ổn, không có vấn đề gì" – bà T. phấn khởi nói.
Theo bà T., dịch bệnh đến không báo trước, nên ban đầu cũng có chút lo lắng nhưng mọi người cùng nhau có ý thức, phải cùng chung tay chống lại dịch bệnh. "Bệnh dịch thì chấp nhận, ở đây hàng ngày có người mang thức ăn đến tận nhà: Thịt, cá, rau đều được cơ quan chức năng mua ở siêu thị, rất ngon.
Chúng tôi không thiếu thứ gì, có thiếu đã có các anh công an, dân phòng lo…, thì hỏi có gì mà khổ? Các chú công an, y tá, bác sĩ bệnh viện ngày đêm phải thay phiên nhau ngồi canh gác ngoài cổng rồi chăm sóc người bệnh, vậy mới khổ chứ…" – bà T. nói thêm.
Người dân sinh hoạt trong khu vực cách ly .
Xen vào câu chuyện, ông L.Q.D (62 tuổi, quê Yên Bái, đang tạm trú tại khu vực đang bị cách ly) cho hay, trước Tết khoảng 2 tháng ông từ quê xuống khu vực phường Dịch Vọng để coi nhà cho người thân. Nhận tin về nơi mình đang ở có người dương tính với Covid-19, ông D. cùng con gái tự nguyện cách ly cùng mọi người.
“Ngày đầu bị cách ly, tôi cũng thấy cuồng chân, cuồng tay. Tuy nhiên, vì sức khỏe của bản thân và những người xung quanh tôi phải chấp hành nghiêm chỉnh việc cách ly” – ông nói và bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng “Đảng và Nhà nước cùng các cấp chính quyền đã làm rất tốt khâu phòng, chữa bệnh, đã có 16 ca bệnh trước đó được chữa khỏi, tôi cũng tin tưởng những ca bệnh mới cũng sẽ nhanh chóng được chữa khỏi. Hiện tôi rất mong mọi người đều có ý thức chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và không việc gì phải lo lắng, sợ hãi”.
Ông D. cũng cho biết, những ngày thực hiện cách ly, hai bố con ông cũng như những người đang thực hiện cách ly luôn nhận được sự quan tâm tận tình từ các cấp chính quyền từ tổ dân phố đến phường và quận cũng như thành phố. “Được sự quan tâm chu đáo, chúng tôi cũng cảm thấy vơi đi nỗi niềm lo lắng vì dịch bệnh để yên tâm, an lòng thực hiện quy định cách ly 21 ngày tại đây” – ông chốt lại.
Canh từng giấc ngủ, lo từng bữa cơm
Quá trưa, ăn vội bát mì tôm trước khi giao lại ca trực buổi chiều cho đồng đội, Thiếu úy Dương Hồng Sơn - công tác tại Công an phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nghe tiếng người dân từ trong khu cách ly gọi với ra: "Cháu ơi, các bác trong này hiện đang thiếu khẩu trang y tế...", nhận được lời đề nghị của người dân, anh vội đáp: "Hiện chúng cháu đang tìm mua, sẽ phát cho bác và mọi người...".
Người dân trong khu cách ly nhận thức ăn từ "đội hậu cần" phường Dịch Vọng tiếp tế trong thời gian cách ly 21 ngày.
Ông Nguyễn Quang Thảo – Tổ bảo vệ dân phố số 8, phường Dịch Vọng – người trực tại khu vực cách ly cho biết, với nhiệm vụ không để cho người trong khu cách ly đi ra, người ngoài đi vào trong, cán bộ chiến sỹ trực gác còn phục vụ các điều kiện khác của người dân trong khả năng.
Đề đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân, chính quyền phường Dịch Vọng đã có kế hoạch cụ thể, trong đó cung cấp đầy đủ bữa ăn, nước uống đảm bảo sức khỏe cho người dân.
“Vào mỗi sáng sớm, người dân muốn ăn gì sẽ ghi ra giấy và đưa cho lực lượng chức năng đi mua rồi đưa vào cho người dân, các bữa còn lại người dân tự nấu hoặc cần ăn gì cán bộ, chiến sĩ trực chốt sẽ phục vụ… đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho người dân” – ông nói.
Lực lượng chức năng phường Dịch Vọng được phân công làm nhiệm vụ ngày đêm tại khu cách ly.
Theo ông Thảo, tại đây luôn luôn có 3 lực lượng công an – bảo vệ dân phố (dân phòng) - dân quân tự vệ, trực chốt 24h/24h. Anh Phan Ngọc Tiến – dân quân tự vệ tổ 29, phường Dịch Vọng đảm nhận nhiệm vụ tại đây chia sẻ về công việc: “Quá trình trực tại chốt, các lực lượng được cung ứng đầy đủ những thứ cần thiết nên không cảm thấy vất vả hay thiếu thốn. Người dân cũng chấp hành rất nghiêm chỉnh không có ai ra – ai vào”.
… 21h20, khi ánh điện còn sáng của ngôi nhà cuối cùng trong khu cách ly tắt đi, trò chuyện với PV Dân Việt, ông Hoàng Quang Vĩnh – thành viên Tổ bảo vệ dân phố số 8, phường Dịch Vọng (vừa nhận thay ca cho ông Thảo trước đó) chia sẻ: Ông là một trong những cán bộ bảo vệ tổ dân phố đầu tiên có mặt tại khu vực cách ly hiện nay.
“Tôi trực từ đêm 11 đến hết sáng ngày 12, sau khi phân công lực lượng khác trực thay tôi về và đến tối nay (13/3) đến phiên trực lại ra” – ông Vĩnh nói. Theo ông, lực lượng bảo vệ tổ dân phố số 8 của ông có 4 người “anh em thay nhau trực, mỗi người trực 4 tiếng; nếu anh em bận đi đón con, nấu cơm hay đi vệ sinh thì gọi cho nhau trực hộ…”.
Khi mọi người trong khu cách ly đã đi ngủ, lực lượng chức năng trực chốt bên ngoài khu cách ly vẫn phải làm nhiệm vụ.
Tranh thủ thời gian trong đêm tối, các lực lượng ngồi trò chuyện và xem tin tức trên những chiếc điện thoại.
Ông Vĩnh ngày thường mở một quán cắt tóc nhỏ để làm việc, đây là công việc chính của ông nhiều năm nay ở ngõ 37/2 Dịch Vọng, cách khu vực cách ly khoảng 200m. Ông kể: Đêm ấy (11/3) khi vừa ăn cơm cùng gia đình xong thì nhận được tin báo có ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn, tức tốc ông mặc sắc phục và lên đường. Sau khi đến, cơ quan chức năng bắt đầu tiến hành các công việc phun khử khuẩn, ổn định tâm lý người dân, tuyên truyền thêm về quy định cách ly cũng như các biện pháp phòng tránh.
“Ban đầu người dân cũng lo lắng vì thông tin cũng bất ngờ, nhưng đã được tuyên truyền từ trước cũng như được các cán bộ phân tích nên người dân chấp hành rất nghiêm chỉnh, đến nay họ rất thoải mái và lạc quan” – ông nói.
Trong đêm, Trung úy Nguyễn Trung Hiếu - là một trong 3 người trực trong tối 14/3, đang tranh thủ nhắn tin với bạn gái qua zalo. “Phường chủ yếu chọn những đồng chí chưa có vợ thôi anh ơi” – Hiếu nói vui và cho biết, anh cũng là một trong những người có mặt từ hôm đầu (tối 11/3) nên nắm rất chắc tình hình và cuộc sống của người dân những ngày đầu thực hiện cách ly.
Trung úy Nguyễn Trung Hiếu - công an phường Dịch Vọng tuyên truyền, giải thích cho một người dân có mong muốn vào trong khu cách ly để thăm "bạn".
Trong đội của Hiếu có 6 người được phân công thay nhau gác trực tại khu vực cách ly, cứ 4 tiếng lại đổi ca một lần. Nhiệm vụ chính là đảm bảo an ninh trật tự, không để người dân bên ngoài vào khu cách ly và ngoài bên trong ra ngoài, bên cạnh đó những cán bộ, chiến sỹ gác trực còn sẵn sàng hỗ trợ người dân mỗi khi họ nhờ cậy việc gì đó như mua hộ gói mì tôm, bát phở. “Các hộ dân đều thực hiện rất nghiêm chỉnh, không ai bỏ ra ngoài hoặc người ngoài không có nhiệm vụ vào trong” – giọng Hiếu quả quyết.
Cùng gác với lực lượng công an và dân phòng là lực lượng dân quân tự vệ. Như vậy mỗi tổ trực luôn đảm bảo 3 người của 3 lực lượng. “Đây là công việc chung, không chỉ riêng mình. Hiện giờ chúng tôi chỉ mong các trường hợp dương tính được điều trị khỏi, còn những ca âm tính không phát bệnh, các trường hợp đang chờ xét nghiệm sẽ không ai dương tính. Vậy là thành công và là mong muốn lớn nhất, chứ không cảm thấy đây là gánh nặng hay vất vả” – anh Nguyễn Quang Chiến – dân quan tự vệ phường Dịch Vọng nói và nhìn nhận còn nhiều lực lượng còn vất vả hơn như y, bác sĩ, lãnh đạo cấp trên ngày đêm suy nghĩ công tác chống dịch...
23h, ông Vĩnh, anh Chiến, Trung úy Hiếu bắt đầu ghi và ký vào sổ “giao ca” rồi ra về.
Con ngõ nhỏ vắng lặng, ánh đèn đường hắt trên khuôn mặt những cán bộ phường Dịch Vọng. Từ chiếc điện đoại của ông Vĩnh ngân vang câu hát: "Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau. Chân ta bước lòng ung dung tự hào...". Bên góc tường, một đồng chí Công an phường trực chiến, gác bình yên cho người dân. Đây cũng là lực lượng còn lại và đảm nhiệm nhiệm vụ gác 24/24h tại khu vực cách ly.
Chung tay ủng hộ người dân
Ngày 15/3, đích thân Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Nguyễn Việt Trung xách từng túi đựng rau, thịt, cá đưa cho từng hộ dân qua hàng rào cách ly Covid-19 tại cuối ngõ 165 Cầu Giấy.
Vị Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng cho biết, sau khi bệnh nhân B.C.P (25 tuổi, trú tại ngõ 165 Cầu Giấy) được xác định là ca nhiễm Covid-19 thứ 39 (bệnh nhân 39) tại Việt Nam, UBND phường Dịch Vọng đã điều tra dịch tễ và lên các phương án phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn. Hiện cơ quan chức năng đang cách ly y tế hai hộ gia đình với 5 nhân khẩu ở ngõ 165 Cầu Giấy. Ngoài ra, 7 hộ gia đình (20 nhân khẩu) sống xung quanh được theo dõi y tế.
Ngay trong đêm 11/3, Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội tiến hành phun khử trùng khu vực cách ly và hướng dẫn người dân trong ngõ 165 Cầu Giấy (phường Dịch Vọng) các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.
Đồng thời, UBND phường Dịch Vọng đã thành lập 5 đội phản ứng nhanh, đội hậu cần chuyên cung cấp nhu yếu phẩm cho các hộ dân hàng ngày như khẩu trang y tế, nước sát khuẩn. Cung cấp thực phẩm, sáng bánh mì, xôi, thịt, cá, sữa, trứng, rau, quả...
Ông Trung cho hay, theo quy định của UBND TP.Hà Nội, các trường hợp cách ly Covid-19 sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng/ngày, song đối với các hộ dân thuộc diện cách ly y tế tại ngõ 165 đường Cầu Giấy, UBND phường đã vận động các nhà hảo tâm, các cơ sở kinh doanh chung tay hỗ trợ người dân trong khu vực cách ly y tế. Nhờ đó, các nhu yếu phẩm khi được chuyển đến tận tay người dân luôn đảm bảo về chất lượng, số lượng… mỗi hộ được cung cấp nhu yếu phẩm với mức 180.000 đến 250.000 đồng/ngày.
Ngày 15/3, phường Dịch Vọng đã cung cấp 22 xuất ăn sáng theo nhu cầu; Chiều và tối cung cấp 10 túi thức ăn để tự chế biến gồm; 0,5kg cá, 0,5kg thịt nạc, 1 cải cải thảo, 1 mớ rau mồng tơi, 1 túi bánh sandwich. Đồng thời, siêu thị V.M tài trợ thêm rau xanh cho các hộ gia đình.
Trước đó, ngày 14/3, các lực lượng chức năng đã hỗ trợ 23 suất ăn sáng; 11 túi thức ăn để tự chế biến (túi ăn gồm: 0,5kg cà chua, 0,5kg thịt gà, 0,5kg thịt chân giò, rau muống 1 mớ, 05kg đỗ)… theo nhu cầu các hộ gia đình.
Ngày 13/3, các lực lượng chức năng đã hỗ trợ 23 suất ăn sáng, 11 túi thức ăn để tự chế biến ăn chiều và tối trị giá 250.000 đồng bao gồm: 1kg khoai tây, 1 bắp cải, 1 túi rau cải ngọt, 1 khay trứng, 1 khay cá 0,5kg, 1 khay thịt 0,5kg.
Ngày 12/3, đã hỗ trợ 40 suất ăn sáng (xôi, bánh mỳ), 41 hộp suất ăn chiều, tối (50.000đ/suất ăn), nước uống, mỳ tôm, rau, củ quả và một số nhu yếu phẩm khác, nước sát khuẩn tay nhanh, khẩu trang y tế.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.