Việc Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định đã tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các hãng hàng không.
Bện cạnh việc bỏ trần giá vé máy bay, do lượng hành khách qua các sân bay sụt giảm mức kỷ lục, khiến cho các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways tung ra ưu đãi giá vé máy bay chạm đáy trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.
Mặc dù, các hãng tung ra ưu đãi giá vé máy bay siêu rẻ, nhưng hành khách phải chịu thêm hàng loạt các chi phí đi kèm với vé máy bay đó, do đó, hành khách sẽ mất thêm một khoản tiền không nhỏ để sử dụng vé máy bay giá rẻ.
Cụ thể, từ ngày 01/6, Vietnam Airlines "tung" ra ưu đãi chưa từng có, với vé máy bay đồng giá 26.000 đồng trên toàn mạng bay nội địa. Đối với hành khách mua vé hạng Thương gia trên các đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM từ ngày 03/6 - 30/6 sẽ nhận được mã giảm 25% khi mua trên website, ứng dụng di động; hoặc nhận voucher trị giá 1.000.000 đồng khi mua tại phòng vé, đại lý. Hành khách có thể sử dụng voucher này để mua vé máy bay, hành lý hoặc các dịch vụ bổ trợ khác của Vietnam Airlines.
Hành khách nhìn thấy giá vé máy bay 26.000 đồng tưởng siêu rẻ, nhưng sự thật lại không đúng như vậy, bởi nếu mua vé máy bay này, hành khách sẽ phải bỏ thêm một khoản khá lớn kèm theo để được lên máy bay (tương đương 599.000 đồng bao gồm thuế phí).
Tương tự, với giá vé máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways được niêm yết là 6.000 đồng trên website chính thức của hãng Bamboo Airways với chặng Hà Nội – TP HCM, nhưng khi người dùng đặt mua, hành khách phải trả tới 633.000 đồng với (Bao gồm thuế, phí và phụ phí).
Các loại thuế, phí và phụ phí mà các hãng sẽ thu kèm theo với giá vé máy bay siêu rẻ là gì, số tiền này sẽ về tay ai? vẫn đang là câu hỏi được nhiều hành khách đang đi tìm lời giải.
Theo đó, mỗi vé máy bay của các hãng hàng không cơ bản sẽ gồm tiền vé, thuế, tiền an ninh sân bay. Tùy vào mỗi hãng, các khoản phí có tên gọi khác nhau. Vietnam Airlines gọi là phí soi chiếu an ninh hành khách và hành lý, phí dịch vụ hành khách. Trong khi đó Bamboo Airways gọi là "phí thu hộ", còn Vietjet Air là phí sân bay và phí an ninh sân bay.
Theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam như sau:
Giá dịch vụ phục vụ hành khách và giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý là khoản thu từ hành khách cùng với giá dịch vụ vận chuyển hàng không, do các hãng hàng không thu hộ và chuyển lại cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách, dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý trên cơ sở danh sách hành khách của các chuyến bay.
Thông tư 53 có nêu đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ trên là đơn vị được cấp phép cung cấp dịch vụ hàng không (khai thác nhà ga hành khách) cung cấp dịch vụ hành khách.
Mức giá này quy định đối với hành khách đi chuyến bay nội địa tại sân bay nhóm A (khai thác 24/24 giờ) đã có VAT là 100.000 đồng, nhóm C (sân bay Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá) là 60.000 đồng và các sân bay còn lại của nhóm B là 80.000 đồng.
Riêng dịch vụ đảm bảo an ninh hành khách, hành lý có giá 20.000 đồng áp dụng cho tất cả các sân bay.
Cũng trong thông tư này, hành khách thanh toán khoản phí trên cho hãng bay khi mua vé, hãng thu hộ đơn vị cung cấp dịch vụ. Số tiền thanh toán của hãng bay cho bên sân bay trên cơ sở sân bay lập danh sách hành khách của các chuyến bay và gửi về cho các hãng hàng không thanh toán. Các hãng bay được hưởng hoa hồng 1,5%.
Vậy nên, trong mỗi vé máy bay siêu rẻ của các hãng hàng không tung ra, bao nhiêu là thật, bao nhiêu là "chiêu" để người mua tưởng rẻ mà không rẻ?