Ghi nhận của PV Báo Dân Việt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, từ đầu năm tới nay, trung tâm cũng tiếp nhận khoảng 24.000 người lao động (NLĐ) đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy con số tuyệt đối có tăng, nhưng tỷ lệ tăng lại giảm.
Điều đáng ngạc nhiên là con số này giảm tới 11% so với cùng kỳ đầu năm 2020 và giảm 32% so với 5 tháng cuối năm 2020. Sau 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và Luật việc làm, con số này cũng giảm.
Người lao động khai báo hưởng BHTN tại trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội. Thực hiện: Nguyệt Tạ - Thiên Thai
Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho rằng: "Do ảnh hưởng dịch bệnh, người sử dụng lao động cũng có những chính sách, ứng xử phù hợp, không sa thải lao động. Bên cạnh đó, người lao động không còn tâm lý nhảy việc nhiều do lo ngại sẽ khó có khả năng tìm kiếm việc làm mới tốt hơn. Cá biệt có một số lao động thu nhập giảm sâu, không đủ lo cho cuộc sống thì buộc phải nghỉ việc".
Ông Thảo lý giải thêm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp dù sao vẫn là chính sách mới. Số lượng người tham gia mỗi năm một tăng, vì thế số lượng người hưởng sẽ tăng lên theo thời gian. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm nay, tỷ lệ người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp lại giảm so với một số năm gần đây.
Tuy vậy, mỗi ngày trung tâm cũng giải quyết bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp thất nghiệp cho từ 1.000 cho tới 2.000 lao động. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì việc giải quyết chính sách cho lượng lớn lao động như trên đã gây áp lực lớn cho cán bộ, công nhân viên của trung tâm.
Hiện nay trung tâm đã bằng nhiều cách tuyên truyền để lao động khai báo hưởng trợ cấp thất nghiệp online nhưng không phải lao động nào cũng biết. Chỉ có khoảng 60% lao động đăng ký thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp qua hệ thống online. Số còn lại vẫn đến trực tiếp trung tâm. Để giảm áp lực, thực hiện giãn cách, trung tâm đã bố trí một bàn đón tiếp phía ngoài để hướng dẫn lao động tự khai báo hưởng chế độ tại nhà.
"Mặc dù dịch bệnh căng thẳng, nhưng thấu hiểu nỗi khó khăn của người lao động khi mất việc không có thu nhập nên chúng tôi đặt mục tiêu sẽ giải quyết nhanh nhất cho người lao động để họ sớm có tiền lo cho cuộc sống. Bên cạnh đó, trung tâm cũng sắp xếp lại hạ tầng, bố trí cán bộ nhân viên làm việc xen kẽ, kê lại bàn ghế lao động tới ngồi giãn cách... nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch", ông Thảo nói.
Tiếp tục đề xuất hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp
Theo Bộ LĐTBXH, chỉ riêng trong quý I/2021, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó có 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập. 19,9% lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và 19% lao động trong các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã bị ảnh hưởng, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Xuất phát từ tình hình đó, Bộ LĐTBXH đang xin ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ dự thảo về việc hỗ trợ đối với người lao động bị mất việc làm và các doanh nghiệp, đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Mặc dù rất cố gắng để bám trụ, mong có một công việc mưu sinh nhưng nhiều lao động vẫn không thể tiếp tục làm việc vì thu nhập quá thấp, không đủ nuôi sống bản thân và gia đình.
Anh Trần Duy Đức - Lái xe taxi cho hãng G7 (Cổ Nhuế, Hà Nội) là một lao động như vậy. Anh Đức cho biết, do tác động của dịch Covid-19, công việc của anh gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm thu nhập của anh giảm còn 1/3.
Anh Đức tâm sự: "Trước đây mỗi tháng tôi kiếm được 15 -16 triệu đồng từ công việc chạy taxi nhưng từ đầu năm tới nay thu nhập giảm 80%. Tháng 4 vừa rồi chỉ được 3 triệu đồng tiền chạy xe. Tiền lương không đủ tiền sinh hoạt nên đành phải nghỉ việc".
Hiện tại, anh Đức vẫn chưa thể xin được công việc mới. Vợ anh lao động tự do làm việc cho quán cà phê nay cũng tạm ngừng việc và chuyển sang buôn bán rau ngoài chợ, nhưng lúc bán được, lúc không vì công an đuổi.
"Thời gian này tôi tính làm bảo hiểm thất nghiệp, dù tháng chỉ nhận được trợ cấp hơn 2 triệu đồng, đủ tiền trả nhà trọ nhưng như vậy ở nhà trông con đỡ cho vợ để cô ấy đi chợ kiếm thêm thu nhập", anh Đức tâm sự thêm.
Cùng chung hoàn cảnh, anh Nguyễn Văn Thông (39 tuổi, sống Linh Đàm, Hà Nội) làm công nghệ thông tin cũng đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Anh Thông tâm sự: "Mình làm mảng quản trị dự án, không hot như một số mảng chuyên thiết kế viết phần mềm.... Thời gian vừa rồi công việc cũng khó khăn, thu nhập giảm sâu, chỉ còn không đầy 5 triệu đồng/tháng nên mình quyết định nghỉ việc. Nhưng nghỉ được 2-3 tháng rồi vẫn chưa tìm được việc mới nên mình đi làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp", anh Thông chia sẻ.