Cuối thập niên 1950, Liên Xô chế tạo chiếc tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo đầu tiên mang tên K-19 trong nỗ lực cạnh tranh sức mạnh trong lòng biển với Mỹ. Tuy nhiên, hàng loạt sự cố, trong đó có những tai nạn bí ẩn xảy ra trong quá trình đóng tàu khiến chiếc K-19 bị đặt biệt danh "Hiroshima".
K-19 là chiếc đầu tiên thuộc Đề án 658. Ngay từ khi khởi đóng, con tàu này đã gặp nhiều trục trặc dẫn tới chết người. Hai công nhân đóng tàu thiệt mạng trong một trận hỏa hoạn năm 1958, trong khi 6 người khác chết ngạt bởi khói sinh ra khi nhúng keo dán cao su vào bể nước. Trong quá trình nạp tên lửa, một kỹ sư bị ống phóng đè chết và một người khác thiệt mạng khi rơi giữa hai khoang tàu.
Sau khi K-19 sẵn sàng vươn khơi năm 1959, một buổi lễ được tổ chức để chào mừng thành tựu mới nhất của Liên Xô, cũng là niềm tự hào của hải quân nước này. Ngược với truyền thống hải quân, một nam quân nhân, thay vì nữ giới, được chọn để đập chai rượu vào tàu trong lễ hạ thủy. Tuy nhiên, chai rượu không vỡ và bị nảy khỏi đuôi tàu. Thủy thủ đoàn coi đây là điềm xấu, cho rằng K-19 đã bị nguyền rủa.
Năm 1960, do sai lầm của thủy thủ, lò phản ứng hạt nhân trên tàu gặp sự cố, khiến một thanh điều khiển quá trình phân hạch bị cong. Việc sửa chữa khiến chuyến ra khơi đầu tiên của K-19 bị hoãn, nhiều thành viên thủy thủ đoàn và cả thuyền trưởng bị giáng cấp. Quyền chỉ huy K-19 sau đó được bàn giao cho đại tá hải quân Nikolai Vladimirovich Zateyev, một sĩ quan đầy năng lực mới được thăng cấp.
Sau vài lần chạy thử nghiệm, K-19 đã bộc lộ hạn chế trong quá trình đóng. Lớp cao su phủ ngoài vỏ tàu bị bung ra, buộc phải sửa chữa thêm trong ụ nổi, hay khoang chứa lò phản ứng hạt nhân bị nước tràn vào. Các lỗi đều bắt nguồn từ thiết kế, nhưng K-19 là một tâm điểm trong cuộc chạy đua vũ trang, nên phần lớn chúng đều bị làm ngơ.
Ngày 30/4/1961, K-19 được biên chế với thủy thủ đoàn 139 người, trước khi thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là diễn tập ở Bắc Đại Tây Dương, gần mũi phía nam của đảo Greenland. Tới ngày 4/7/1961, tàu tiếp tục gặp sự cố. Hệ thống làm mát lò phản ứng bị rò rỉ và ngừng hoạt động, khiến nhiệt độ lõi của lò tăng tới ngưỡng nguy hiểm. Hệ thống radio tầm xa cũng bị hỏng, nên thủy thủ không có cách nào để báo cáo tính hình.
Khi đó, K-19 đang hoạt động gần một căn cứ NATO ở Đại Tây Dương. Chỉ huy tàu lo ngại một vụ nổ hạt nhân trên K-19 sẽ khơi mào Thế chiến III. Dù lò phản ứng đã bị ngắt, nhiệt độ trong lò tiếp tục tăng đến 800 độ C, gây nguy cơ phát nổ và cần được làm mát ngay lập tức. Thuyền trưởng Zatayev lệnh cho một nhóm kỹ sư trực tiếp vào khoang chứa lò phản ứng, cắt một van trong lò và nối nó vào đường ống cấp nước.
Dù biết nguy cơ nhiễm xạ, nhóm kỹ sư vẫn tuân lệnh và tiến vào khoang chứa lò phản ứng mà không có đầy đủ trang bị bảo hộ. Sự cố được khắc phục, nhưng nhóm kỹ sư bị nhiễm xạ nghiêm trọng và thiệt mạng sau đó một tháng. Hơi nước chứa chất phóng xạ bị giải phóng khi mở khoang chứa lò phản ứng đã thâm nhập vào hệ thống thông khí và lan ra khắp tàu, gây nguy hiểm cho toàn bộ thủy thủ đoàn.
Thuyền trưởng Zatayev hủy nhiệm vụ, cho K-19 tiến về phía nam với hy vọng gặp tàu ngầm Liên Xô gần đó. Một khu trục hạm Mỹ thu được tín hiệu cầu cứu từ K-19 và bắt đầu bám theo. Phía Mỹ đề nghị hỗ trợ nhưng Zatayev từ chối, do ông không muốn người Mỹ nắm thông tin về tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Liên Xô. Tuy nhiên, tình hình ngày một xấu đi, khiến Zatayev không có nhiều lựa chọn.
May mắn là tàu ngầm diesel-điện S-270 của Liên Xô kịp đến nơi và sơ tán thủy thủ đoàn. Chiếc K-19 sau đó được tàu cứu hộ kéo về cảng nhà và trở lại hoạt động sau vài tháng khắc phục sự cố. Trong vòng hai năm tiếp theo, có thêm 15 thủy thủ trên tàu thiệt mạng, còn vận rủi tiếp tục đeo bám tàu ngầm này đến khi nó bị loại biên năm 1990.
Tháng 11/1969, K-19 va chạm với tàu ngầm USS Gato của Mỹ trên biển Barents và bị hư hại nghiêm trọng. Vài năm sau, một vụ hỏa hoạn trên tàu cướp đi mạng sống của 12 thủy thủ. Vì những tai nạn liên tiếp trong 29 năm hoạt động, K-19 bị coi là chiếc tàu ngầm đen đủi nhất của hải quân Liên Xô.