Đâu là trận thua tồi tệ nhất trong lịch sử Hải quân Nga?

Thứ hai, ngày 31/05/2021 16:33 PM (GMT+7)
Đội tàu chiến của Nga đi nửa vòng Trái Đất chỉ để nhận lấy thất bại ê chề gần đảo Tshushima của Nhật Bản.
Bình luận 0

Đầu thế kỷ 20, Nhật Bản thách thức vị thế thống trị của Nga ở Viễn Đông. Từng rơi vào khó khăn vì tự phong tỏa, nhưng sau đó đã được hiện đại hóa và tái vũ trang, Vùng đất Mặt trời mọc công khai tuyên bố lợi ích địa chính trị ở Triều Tiên và Đông Bắc Trung Quốc, vùng đất truyền thống nằm trong lợi ích của nước láng giềng phía Bắc.

Chiến tranh Nga-Nhật giai đoạn 1904-1905 đã khiến cả thế giới bất ngờ. Không ai có thể tưởng tượng được rằng trong quá trình đó, quân đội sa hoàng không giành được một chiến thắng nào, và trong trận Tsushima, hạm đội của Nga phải hứng lấy thất bại khủng khiếp nhất lịch sử Hải quân nước này.

Trận thua tồi tệ nhất trong lịch sử Hải quân Nga - Ảnh 1.

Trận chiến Tsushima, dẫn đến sự kết thúc của cuộc chiến tranh với Nhật, là một thảm họa đối với Nga. Ảnh: RBTH

Chuyến hành trình dài

Ngày 5/10/1904, Đội tàu chiến Thái Bình Dương 2, được thành lập ở Biển Baltic, rời cảng Libava (nay là Liepaja ở Latvia). Những con tàu đã di chuyển nửa vòng Trái Đất, tới Hoàng Hải, yểm trợ cho Đội tàu chiến Thái Bình Dương 1 đang phải chịu sức ép lớn từ Hải quân Đế quốc Nhật.

Hành trình định mệnh có một sự khởi đầu không mấy tốt đẹp. Rạng sáng ngày 22/10, khi ở gần bờ biển nước Anh, những con tàu của Nga đã nã pháo vào tàu đánh cá địa phương vì nhầm tưởng là lực lượng phá hoại của Nhật Bản. Kết quả là, một số thủy thủ người Anh thiệt mạng và phải nhờ các nỗ lực “điên cuồng” của các nhà ngoại giao Nga, vấn đề mới được giải quyết một cách êm thấm.

Phải mất tới 7 tháng, Đội tàu chiến Thái Bình Dương 2 mới tới được Viễn Đông. Lúc này, Đội tàu chiến Thái Bình Dương 3 của Chuẩn Đô đốc Nebogatov, bắt kịp Đội tàu 2 nhờ đi tắt qua Kênh đào Suez thay vì đi vòng qua châu Phi.

Ngày 27/5/1905, 11 thiết giáp hạm, 9 tàu tuần dương, 9 tàu khu trục cùng các tàu vận tải và tàu phụ trợ dưới quyền của Phó Đô đốc Zinovy Rozhestvensky, đi vào eo biển Triều Tiên, gần đảo Tsushima - nơi kẻ thù đã đợi sẵn ở đó.

Đội tàu Nga đại bại

Hạm đội phối hợp của Nhật Bản không chỉ có lợi thế về số lượng so với Nga (xét về tàu tuần dương và tàu khu trục), mà còn đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho kịch bản đối đầu với Đội tàu chiến của Nga. Đô đốc Togo Heihachiro của Nhật được quyết định đánh tan quân đối phương bằng một cuộc công kích.

Nhật Bản phát hiện ra đội tàu của Phó Đô đốc Rozhestvensky khi chúng vẫn còn ở khá xa, trong khi các chỉ huy phía Nga không những không thể tiến hành hoạt động trinh sát phù hợp, mà còn thất bại trong việc xây dựng kế hoạch hành động rõ ràng trong trường hợp phải đối đầu với kẻ địch, ngoại trừ việc tìm đường về Vladivostok.

Hải đội của Nga di chuyển theo hàng dọc, tàu này cách tàu kia một khoảng cách nhất định, khiến tầm bắn của họ bị thu hẹp đáng kể. Ngoài những con tàu mới nhất, trong đoàn còn có nhiều tàu lỗi thời, nên cả đoàn chỉ có thể di chuyển với tốc độ trung bình 9 hải lý/giờ.

Đô đốc Togo ra lệnh tấn công đội tàu Nga đang di chuyển một cách chậm chạp và vụng về bằng các đội tàu cơ động nhỏ gồm 4-6 tàu có tốc độ di chuyển lên đến 16 hải lý/giờ.

Khi trận chiến mới bắt đầu, chiến hạm Prince Suvorov mà Phó Đô đốc Rozhestvensky ở trên đó, bị đánh trúng đạn khá nặng.

“Tôi nhìn xung quanh. Mọi thứ đều bị tàn phá. Các cabin của thủy thủ đều bốc cháy, những mảnh vỡ trên boong tàu bốc cháy, thi thể khắp nơi… Trạm tín hiệu và máy đo khoảng cách, các trạm quan sát đạn pháo - mọi thứ đều bị cuốn trôi hoặc bị phá hủy... Tàu Alexander và tàu Borodino ở phía sau cũng đang bốc khói”.”, Vladimir Semyonov, một sỹ quan thuộc bộ tham mưu nhớ lại.

Phó Đô đốc Rozhestvensky bị thương và được sơ tán sang một con tàu khác, đội tàu bị mất chỉ huy trong một lúc, và điều này cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới thảm họa. Chuẩn đô đốc Nebogatav, người thay thế ông, đã không thể đoàn kết tất cả lực lượng dưới quyền chỉ huy của mình và trên thực tế, ông chỉ tiếp tục chỉ huy đội của mình.

Người Nhật, vốn đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho trận chiến này, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn, được trang bị tốt hơn và cơ lợi thế về số lượng, đã nắm thế chủ động ngay từ đầu và duy trì được tới cùng. Trong đêm, phía Nhật đã tìm cách phân tán được đội tàu của Nga để có thể dễ dàng phá hủy và chiếm từng tàu một.

“Dù những con tàu tốt nhất của chúng tôi lần lượt bị đánh bại, bị đạn pháo của kẻ thù xuyên thủng, bị lật úp, nhưng vẫn không rời khỏi đội hình chiến đấu, kẻ thù trên thực tế không thể bị đánh bại”, Vladimir Kostenko, một kỹ sư trên thiết giáp hạm Oryol, nhớ lại.

Hạm đội phối hợp của Nhật chỉ mất 3 tàu khu trục trong trận chiến Tsushima. Hơn nữa, một trong số chúng không bị trúng hỏa lực của Nga mà bị chìm do va chạm với một tàu khác của Nhật.

Thảm họa

Những tổn thất mà đội tàu chiến của Nga phải gánh chịu lớn hơn nhiều so với của Nhật Bản. 21 tàu bị đối phương phá hủy hoặc bị chính thủy thủ đoàn cho nổ tùng sau khi hư hỏng nặng: 6 thiết giáp hạm, 2 tàu tuần duyên, 4 tàu tuần dương, 5 tàu khu trục, 1 tàu tuần dương phụ trợ và 3 tàu vận tải. Thiệt hại về người lên tới 5.045 thủy thủ, trong đó có 209 sĩ quan.

4 thiết giáp hạm, 1 tàu khu trục và 2 tàu bệnh viện còn lại đã phải giương cờ trắng. Tổng cộng, 7.282 người bị quân Nhật bắt giữ, bao gồm cả 2 chỉ huy  Rozhestvensky và Nebogatov.

7 con tàu tìm cách tới được Manila và Thượng Hải nhưng bị bắt giữ sau đó. Chỉ có tàu tuần dương Almaz và 2 tàu khi trục Bravy, Grozny tới được Vladivostok, nhưng cũng chỉ còn lại 870 sỹ quan và thủy thủ trong số 16.000 người của Đội tàu chiến trước khi trận chiến xảy ra.

Trận chiến Tsushima, dẫn đến sự kết thúc của cuộc chiến tranh với Nhật, là một thảm họa đối với Nga. Mất gần như toàn bộ lực lượng chính của hạm đội, Nga chỉ còn là một cường quốc Hải quân nhỏ. Uy tín quân sự quốc tế của nước này đã bị giáng một đòn mạnh. Trong khi đó, sự bất mãn của công chúng trong nước đối với chính quyền gia tăng nhanh chóng và điều này cuối cùng đã dẫn đến cuộc Cách mạng Nga lần thứ nhất 1905-1907.

Đế chế Nga hoàn toàn mất thế thống trị ở Viễn Đông vào tay Nhật và Nhật Bản đã có cơ hội thực hiện sự bành trướng quy mô lớn ở Triều Tiên và Trung Quốc. Phải đến năm 1945, Liên Xô mới có thể trả thù nỗi ê chề của trận chiến Tsushima.

Hoàng Phạm (Theo VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem