Dân Việt

TP.HCM giãn cách xã hội: Shipper đi chợ, siêu thị cho khách không kịp

Hồng Phúc 03/06/2021 14:58 GMT+7
Không chỉ đơn giao nhận thức ăn tăng vọt, vài ngày qua, các tài xế xe công nghệ tại TP.HCM tất bật làm thêm nhiệm vụ đi chợ hộ giữa lúc TP đang thực hiện giãn cách xã hội.

Shipper đi chợ hộ không kịp

Anh Minh Quân (quận Phú Nhuận), một tài xế xe ôm công nghệ cho biết kể từ khi TP.HCM có "lệnh" giãn cách xã hội, số lượng khách di chuyển có phần ít hơn, do người dân hạn chế ra đường. Ngược lại, đơn giao nhận thức ăn và đi chợ hộ tăng gấp 2-3 lần.

"Giao thức ăn thì có thời điểm như đúng bữa trưa, chiều tối. Còn đi chợ hộ, mấy hôm nay, tôi nhận đơn liên tục cả ngày, nhiều khi đi không kịp luôn. Dịch vụ đi chợ hộ có cũng lâu rồi nhưng trước đây ít người đặt, bây giờ dịch quá, người ta không đến nơi đông người nên đặt nhiều lắm", anh Quân nói.

Shipper đi chợ, siêu thị không kịp khi TP.HCM giãn cách xã hội - Ảnh 1.

Shipper chờ lấy hàng giao cho khách trong lúc TP.HCM giãn cách xã hội. Ảnh: Hồng Phúc.

Nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ thực phẩm, hàng thiết yếu tại TP.HCM đã kết nối với các ứng dụng gọi xe công nghệ, để đưa hàng hóa đến tận nhà người tiêu dùng mà không cần trực tiếp đến mua sắm. Covid-19 phức tạp, TP.HCM khuyến khích người dân hạn chế ra đường và đến nơi đông người nên các ứng dụng gọi xe công nghệ đang ghi nhận số lượng đơn hàng đi chợ hộ tăng nhanh.

Trao đổi với Dân Việt, đại diện Grab cho biết dịch vụ đi chợ hộ GrabMart của công ty đang khả quan. Số lượng đơn hàng GrabMart tăng trưởng tốt những ngày qua. 

Theo vị này, hình thức đi chợ hộ được tích hợp trong ứng dụng rất tiện lợi. Sau khi khách hàng chọn cửa hàng, siêu thị cần mua sắm và chọn món hàng cần mua, đơn sẽ "chạy thẳng" về cửa hàng. Người bán sẽ chuẩn bị hàng hóa theo danh sách khách đã đặt, tài xế chỉ việc đến lấy và mang đi giao. 

"Đơn ở chợ cũng vậy, tiểu thương nhận đơn sẽ chuẩn bị hàng, tài xế chỉ cần tới lấy và mang đi", đại diện Grab thông tin.

Nhiều ứng dụng xe công nghệ như Be, Now, Baemin cũng ghi nhận số lượng đơn hàng đi chợ hộ tăng trưởng đột biến trong lúc tình hình dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Phía siêu thị Aeon cho biết số đơn hàng đi chợ hộ, mua hàng qua ứng dụng Grab, Now tăng. Giá trị trung bình từng giỏ hàng cũng tăng mạnh. Có ngày, số lượng đơn thông qua ứng dụng cung cấp dịch vụ đi chợ hộ tăng gấp đôi so với những ngày trước. 

Để đáp ứng nhu cầu, các điểm bán hàng của Aeon đều bố trí khu vực cho shipper thực hiện giãn cách trong lúc chờ lấy hàng đem giao.

Kiểm soát phòng Covid-19 khi "đi chợ hộ"

Không chỉ kết nối qua ứng dụng và các shipper là lực lượng giao hàng, các siêu thị, hệ thống bán lẻ như Co.opmart, Big C, Aeon, Bách Hóa Xanh… còn có lực lượng giao hàng riêng, trực tiếp nhận đơn qua điện thoại, qua website và giao hàng tận nhà, miễn phí ship cho khách.

Shipper đi chợ, siêu thị không kịp khi TP.HCM giãn cách xã hội - Ảnh 3.

Hàng hoá tại siêu thị đang chờ các shipper đến nhận. Ảnh: Hồng Phúc.

"Tôi đã quen mua rau củ quả, thịt cá online. Thực ra trước đây cũng còn hơi ngần ngại, nghĩ rằng phải tận mắt chứng kiến, tận tay lựa thực phẩm nhưng sau nhiều lần đặt, thấy chất lượng thực phẩm, thịt cá ở siêu thị đồng đều. Siêu thị cũng hay có mã giảm giá, mua đơn nào cũng trên 200.000 đồng được miễn phí giao luôn", chị Ngọc Ngà (nhân viên văn phòng, quận Bình Thạnh), nói.

Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM, tình hình mua sắm của người dân đã ổn định trở lại, không còn hiện tượng gom hàng, tích trữ. Thay vào đó, người dân đang chuyển sang mua sắm trực tuyến và sử dụng hình thức đặt hàng, nhận tại nhà.

Hiện nhu cầu mua sắm online của người dân tăng rất cao, Sở Công Thương yêu cầu các nhà cung cấp cần tăng cường giám sát, liên tục kiểm tra và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các kho hàng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng cho biết trong lúc TP.HCM giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng như các sản phẩm khác sẽ lựa chọn hình thức kinh danh trực tuyến, dưới sự hỗ trợ của các công ty vận chuyển giao hàng và các tài xế nhiều hơn. 

Do đó, HCDC khuyến cáo tài xế, các công ty vận chuyển giao hàng, người mua sắm cần lưu ý giao nhận hàng và thanh toán không tiếp xúc, luôn mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không chạm tay vào mặt. Đặc biệt, các tài xế không được đi làm khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở… đồng thời phải đi khám bệnh ngay và khai báo trung thực tại cơ sở y tế.