Dân Việt

Khi “bão” dịch quét qua làng (Kỳ 1): Những ngày trong tâm “bão”

Gia Tưởng 04/06/2021 10:00 GMT+7
"Cơn bão" Covid-19 quét qua gây ra những thiệt hại về kinh tế không thể đo đếm được...

LTS: Gần chục năm trở lại đây, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đã thay da đổi thịt. Nền kinh tế từ thuần nông đã chuyển sang dịch vụ và nông nghiệp. Tổng thu ngân sách huyện năm 2020 đã lên tới trên 1.000 tỷ đồng. Hàng hoá ra vào trong huyện mỗi ngày đều tấp nập… Ấy vậy mà, đùng một cái "cơn bão" Covid-19 quét qua gây ra những thiệt hại về kinh tế không thể đo đếm được.

Ngày thường cứ nghe VOV điểm tin nóng về tình hình giao thông trên Quốc lộ 17 nối giữa Gia Bình, Thuận Thành (Bắc Ninh) qua Gia Lâm (Hà Nội) ra Quốc lộ 5, nhiều người ngán ngẩm lắm! Chục năm trở lại đây, Quốc lộ 17 bỗng tấp nập khác thường với hàng ngàn xe container qua lại mỗi ngày để vận chuyển hàng hóa. Nhưng dịch Covid - 19 quét qua đã làm mọi thứ thay đổi, như chưa từng có sự nhộn nhịp trước đó.

Con đường huyết mạch bị… đóng băng

Trước đây, đã không ít lần, người dân của cả Gia Lâm lẫn Thuận Thành đều phải lên tiếng "kêu cứu" vì lưu lượng xe cộ đi trên con đường này quá lớn. Việc quá tải đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra. Sự phát triển kinh tế của Thuận Thành đã biến Quốc lộ 17 từ một con đường liên tỉnh tối tăm, nhỏ bé thành một huyết mạch giao thông kinh tế của vùng Nam sông Đuống.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở: Rau, thịt, cá gạo, mà người dân 3 huyện Lương Tài, Gia Bình, Thuận Thành ra các chợ đầu mối của Hà Nội. Với lợi thế là "hàng xóm" của Thủ đô, người Bắc Ninh cũng lấy đó làm nghề chính, khiến kinh tế của nhiều hộ gia đình thay đổi.

Ngoài ra, trên con đường ấy, nhiều con em của Thuận Thành làm công chức, viên chức tại Thủ đô cũng chọn cách sáng đi tối về. Không kể đến hàng loạt những ngôi chùa nằm cạnh Quốc lộ 17 cũng góp phần vào sự đông đúc mỗi dịp các lễ hội vùng Kinh Bắc được khai mở. Nào là hội Keo, hội Dâu, hội Khám, hội Trầm,... Trong đó, thì lễ hội chùa Dâu là một trong những lễ hội lớn nhất của Bắc Ninh được diễn ra khắp tổng Khương Tự thuộc 3 xã Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn với 12 làng tham gia vào ngày 8/4 âm lịch hàng năm. Tức là thời điểm này, nếu không có gì thay đổi thì Lễ hội đã diễn ra tưng bừng khắp chốn.

Đối với người dân Thuận Thành, đây là nghi thức văn hóa, tâm linh và là món ăn tinh thần không thể thiếu được. Chính vì vậy, đại dịch thực sự gây ra một lỗ hổng lớn trong đời sống văn hóa của người Thuận Thành.

Trên đường đi về tâm dịch Thuận Thành từ Quốc lộ 5 rẽ trái vào địa phận phố Sủi (Gia Lâm), cả đoạn đường gần chục km, tôi chỉ gặp thưa thưa mấy chiếc xe cá nhân đi ngược chiều. Gần 30 năm qua đi về trên con đường ấy, tôi chưa một lần bắt gặp sự vắng lặng này.

Vừa lái xe tôi vừa tự nhủ: "Dịch mà, đường vắng cũng phải thôi". Nhưng cái vắng vẻ lạ thường khiến nỗi bất an cứ xâm lấn mọi suy nghĩ của tôi. Không thể hiểu được dịch bệnh kinh khủng như thế nào mà có thể làm "đóng băng" cả một con đường tấp nập như vậy?

Đường vắng nên chúng tôi cũng chạm đất Thuận Thành rất sớm. Từ ngày 9/5/2021, một chốt chống dịch đã được dựng lên ở địa phận xã Xuân Lâm. Sau khi xem giấy công tác của tôi, đồng chí cảnh sát trong bộ đồ cơ động, hướng dẫn tôi vào khai báo y tế. Anh nhân viên y tế tên Tuấn hướng dẫn tờ khai, đo nhiệt độ cẩn thận rồi chia sẻ: "Giờ này mà vào Thuận Thành thì chỉ có những người đi làm nhiệm vụ thôi".

Khi “bão” dịch quét qua làng (kỳ 1): Những ngày trong tâm “bão” - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng vận chuyển gạch để chắn ngang lối vào làng. Ảnh: G.T

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở: Rau, thịt, cá gạo, mà người dân 3 huyện Lương Tài, Gia Bình, Thuận Thành mang ra các chợ đầu mối của Hà Nội. Với lợi thế là "hàng xóm" của Thủ đô, người Bắc Ninh cũng lấy đó làm nghề đã làm thay đổi kinh tế của nhiều hộ gia đình.

Thấy tôi ái ngại khi nhìn thấy khuôn mặt đỏ rực và đầm đìa mồ hôi của mình, Tuấn cười cho biết: "Em vừa đứng ở ngoài trời đo nhiệt độ cho người dân. Nắng nóng quá mới chạy được vào đây uống tạm ngụm nước. Trực ở chốt 24/24 suốt những ngày qua nên chẳng ai khỏe được anh ạ!".

Xe tôi đi qua trạm hướng đến thôn Công Hà, xã Hà Mãn. Đây là thôn bám 2 bên đường của Quốc lộ 17. Thấy các ngõ đều được bịt bằng những kiêu gạch cao đến ngực người. Dọc đường, các hộ gia đình bị chăng dây phong tỏa yêu cầu không mở cửa. Đúng là sự căng thẳng, nghiêm trọng và tuân thủ công tác phòng, chống dịch ở huyện này không thể đùa được.

"Nội bất xuất, ngoại bất nhập"

Với phương châm "nhà cách ly nhà", "xóm cách ly xóm" để cắt đứt nguồn lây, hiện nay, các xã đều đã khóa đường vào địa phận của mình, các thôn cũng rào đường vào thôn. Nhiều người dân tự nguyện ngày đêm canh chốt để bảo vệ chính xóm, làng mình.

Anh Dương Văn Cử (sinh năm 1974) người thôn Phương Quan, xã Trí Quả đứng ở chốt chặn của thôn mình tâm sự: "Phải kê gạch kín vào đây, mấy hôm trước thực hiện Chỉ thị 15 còn "thở" được chút. Ngày bùng nổ thêm 2 ổ dịch mới ở Nguyệt Đức và Đại Đồng Thành, toàn huyện nâng lên Chỉ thị 16 rồi. Nếu không có việc gì cần thiết cấp bách thì ở yên trong nhà nên cứ phải giữa chặt mọi ngả đường".

Khi “bão” dịch quét qua làng (kỳ 1): Những ngày trong tâm “bão” - Ảnh 3.

Anh Biện Duy Thành (sinh năm 1978) người thôn Công Hà, xã Hà Mãn cũng ngồi trực chốt nhiều ngày qua chia sẻ thêm: "Ở đây là tuyệt đối không cho người xóm khác đi vào, dù bất cứ lý do gì, còn bà con trong xóm chỉ được đi chợ theo phiếu đã phát. Mỗi gia đình 3 ngày được đi chợ 1 lần, ngay cả những người ngồi trực chốt cũng phải tuân thủ khoảng cách 2m với nhau. Kể cả người thân, người quen cũng không thể dễ dãi mà bỏ qua những quy định được. Tất cả vì sự an toàn của cộng đồng nên mọi người hết sức thông cảm".

Chủ tịch huyện Thuận Thành, ông Nguyễn Xuân Đương không ngại ngần cho biết, mặc dù đã làm rất kỹ, tuyên truyền rất nghiêm về công tác giãn cách xã hội nhưng vẫn còn một vài trường hợp không tuân thủ và buộc phải phạt nặng. Cụ thể, toàn huyện đã phạt hơn 100 trường hợp với số tiền là 240 triệu đồng và khởi tố một trường hợp vi phạm quy định chống dịch. 

"Tất cả phải làm thật nghiêm để có thể khống chế dịch một cách sớm nhất, trả lại sự bình yên cho cuộc sống của bà con Thuận Thành"- ông Đương nói.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"

(Còn nữa)