Năm ngoái, một cuộc đụng độ trực diện giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ dọc biên giới Trung-Ấn đang tranh chấp đã giết chết 20 binh sĩ Ấn Độ và ít nhất 4 binh sĩ Trung Quốc, Business Insider cho biết.
Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc tế và quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Rand Corporation nhận định, trọng tâm của cuộc canh tranh quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ dù chủ yếu diễn ra trên mặt đất, được phản ánh bởi vụ đụng độ đẫm máu trên dãy Himalaya năm ngoái, nhưng một khu vực khác có nguy cơ trở thành "điểm nóng" xung đột giữa 2 cường quốc châu Á đó là Ấn Độ Dương.
Ấn Độ Dương có một số tuyến đường thương mại quan trọng nhất thế giới chạy qua, vì thế giá trị của khu vực biển này khó có thể bị đánh giá thấp. Điều này đã được phía Trung Quốc xác nhận, theo ông Timothy.
"Với tầm quan trọng của Ấn Độ Dương đối với Trung Quốc, rõ ràng Bắc Kinh đang nâng cao ưu tiên đối với các nhu cầu an ninh dành cho con đường tơ lụa trên biển.
"Điều đó có nghĩa là Ấn Độ phải sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra liên quan đến Trung Quốc", ông Timothy nói.
Tuy nhiên, vị thế của Ấn Độ trên vùng biển quê hương của họ được cho là vẫn chưa vững mạnh. Hải quân Trung Quốc được cho là về cơ bản có quy mô lớn hơn và tinh nhuệ hơn Hải quân Ấn Độ.
Khi sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang bước vào một giai đoạn mới, cường quốc Nam Á đang cố gắng bắt kịp nước láng giềng và chuẩn bị cho cuộc đối đầu tiềm năng.
Hải quân Ấn Độ hiện có 10 tàu khu trục, 13 khinh hạm, 17 tàu ngầm và một tàu sân bay.
Một số tàu chiến của Ấn Độ, như tàu khu trục lớp Kolkata và tàu khu trục lớp Shivalik được đưa vào biên chế trong thập kỷ qua và có khả năng tàng hình.
Một số tàu của Ấn Độ có hệ thống phóng thẳng đứng hiện đại và được trang bị tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không của Nga và Israel. Hải quân Ấn Độ cũng có tên lửa siêu thanh BrahMos, một thiết kế chung giữa Ấn Độ và Nga và là một trong những tên lửa nhanh nhất thế giới. Hai trong số các tàu ngầm của Ấn Độ chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Ấn Độ dự kiến sẽ đưa vào vận hành một tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSBN) Arihant thứ 2 và một tàu sân bay thứ 2 (cũng được thiết kế và chế tạo trong nước) trong năm nay.
Ông Timothy cho biết, nếu làm phép so sánh, thì Ấn Độ "vẫn còn kém Trung Quốc một khoảng cách đáng kể trong việc phát triển tàu chiến. Người Trung Quốc chắc chắn đã phát triển một số nền tảng rất ấn tượng, và người Ấn Độ đang thực sự cố gắng bắt kịp đối thủ".
Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2020, các tàu của Trung Quốc "chủ yếu được trang bị các dàn máy đa năng hiện đại với các loại vũ khí và cảm biến chống hạm, đối không và chống ngầm" .
Để giải quyết tình trạng mất cân bằng, Hải quân Ấn Độ có kế hoạch mua một số tàu mới và tiên tiến hơn, đặc biệt là các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và diesel điện.
Hai chiếc SSBN lớp Arihant nữa đang được sản xuất và dự kiến sẽ gia nhập hạm đội của Hải quân Ấn Độ vào năm 2025. Ba chiếc SSBN lớn hơn từ lớp thay thế mới cũng đang được lên kế hoạch chế tạo.
Hải quân Ấn Độ cũng đang chế tạo 6 chiếc tàu ngầm tấn công (SSN) lớp Alpha Project-75 và thay SSN INS Chakra thuê của Nga (sắp phải trả lại) bằng cách thuê một chiếc SSN lớp Akula khác vào năm 2025.
Sáu tàu ngầm tấn công diesel-điện mới có thể bắt đầu được đưa vào biên chế Ấn Độ vào năm 2030.
Một tàu sân bay thứ 3, INS Vishal, được lên kế hoạch thay thế tàu sân bay INS Vikramaditya đã cũ của Ấn Độ. Tàu sân bay mới của Ấn Độ có thể được chế tạo dựa trên tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của Vương quốc Anh.
Bảy khinh hạm tàng hình lớp Nilgiri hoàn toàn mới cũng đang được đóng và bốn khinh hạm lớp Đô đốc Grigorovich, hai chiếc do Nga chế tạo và hai chiếc do Ấn Độ tự chế tạo cũng dự kiến sẽ gia nhập Hải quân Ấn Độ trước cuối thập kỷ này.