Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho biết, kiệu là cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, chi phí đầu tư ít mà đem lại giá trị kinh tế khá cao.
Diện tích trồng kiệu hàng năm ở tỉnh Bình Định là khoảng gần 1.200ha, năng suất đạt 196 tạ/ha, tập trung chủ yếu ở huyện Phù Mỹ.
Để nhân rộng, phát triển sản xuất và tiêu thụ kiệu an toàn VietGAP trên địa bàn toàn tỉnh, trong vụ thu đông năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định đã phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh và HTX NN Định Bình xây dựng mô hình "Ứng dụng công nghệ cao sản xuất thâm canh cây kiệu theo hướng VietGAP có sử dụng hệ thống tưới bán tự động".
Mô hình được thực hiện tại vùng đất chuyển đổi trồng mía kém hiệu quả sang trồng cây kiệu và rau màu tại 2 thôn Định Quang và Định Trường thuộc xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh).
Trung tâm Khuyến nông đã chuyển giao kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với việc sử dụng hệ thống tưới bán tự động, chuyển giao quy trình kỹ thuật thâm canh cây kiệu theo VietGAP, từng bước xây dựng vùng chuyên sản xuất kiệu rau chứng nhận VietGAP, tạo liên kết sản xuất, tiêu thụ rau VietGAP.
Nông dân huyện miền núi Vĩnh Thạnh được tiếp cận với các các tiến bộ kỹ thuật trong làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bón phân. Phát hiện và sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc BVTV. Quản lý sâu bệnh hại theo nguyên tắc IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), mở sổ ghi chép nhật ký đồng ruộng, thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại...
Theo ông Đỗ Minh Quang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Bình Định, trước đây việc sử dụng phân bón, nhận biết sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ sâu bệnh của nông dân, nhất là nông dân ở huyện miền núi còn nhiều hạn chế.
Nhưng nhờ nông dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc tham gia mô hình ham học hỏi những kiến thức kỹ thuật mới, áp dụng vào thực tiễn nên mô hình "Ứng dụng công nghệ cao sản xuất thâm canh cây kiệu theo hướng VietGAP có sử dụng hệ thống tưới bán tự động" tại 2 thôn Định Quang và Định Trường thuộc xã Vĩnh Quang, đạt hiệu quả cao.
"Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông thường xuyên kiểm tra nhắc nhở, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên nông dân khắc chế được căn bệnh "nan y" của cây kiệu là bệnh thối gốc", ông Quang nói.
Tổng thu nhập ruộng kiệu trong mô hình đạt hơn 232 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng kiệu ngoài mô hình trên 16,3 triệu đồng/ha.
Lợi nhuận ruộng kiệu trong mô hình đạt hơn 123,2 triệu đồng/ha, tương đương hơn 6,1 đồng/sào, cao hơn ruộng kiệu ngoài mô hình trên 2,1 triệu đồng/ha.
"Xây dựng mô hình thâm canh cây kiệu tại 2 thôn Định Quang và Định Trường thuộc xã Vĩnh Quang là hướng đi phù hợp với tình hình thực tế sản xuất của người dân địa phương.
Mô hình này được nhân rộng sẽ làm gia tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần ổn định sản xuất để hướng tới xây dựng vùng chuyên canh cây kiệu theo VietGAP tại địa phương", ông Đỗ Minh Quang khẳng định.
Ngoài ra, việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về hệ thống tưới bán tự động, sử dụng giống, cách bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật canh tác theo quy trình VietGAP đã cho thấy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức cho bà con đồng bào dân tộc trong sản xuất nông nghiệp.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ bám sát chủ trương và định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các chương trình, đề án trọng điểm của ngành để đề xuất các nội dung khuyến nông phục vụ trực tiếp cho các chương trình, đề án đó. Lập kế hoạch khuyến nông từ 3-5 năm để tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình trọng điểm, phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế và có thị trường tiêu thụ của từng vùng, từng địa phương", ông Quang cho hay.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định cũng lựa chọn, tuyên truyền và trình diễn các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ có tính ưu việt, nổi trội, phù hợp với điều kiện sinh thái, kinh tế, xã hội của từng địa phương, có khả năng nhân rộng trong thực tiễn, không chạy theo phong trào.
Tập trung xây dựng các mô hình gắn với chủ trương, đề án của tỉnh, như: Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình ứng dụng công nghệ cao và mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiệu quả và bền vững và đặc biệt chú tâm đến các địa bàn miền núi.