Theo một số đơn vị cung ứng và đại lý thức ăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, trong 6 tháng qua, tất cả các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đều thực hiện từ 5 đến 9 lần điều chính giá bán.
Đơn cử như: Công ty Cargill có 9 lần tăng, Công ty Usfeed 8 lần tăng giá, Công ty CP có 7 lần tăng giá... Mức tăng dao động từ 200-400 đồng/kg tùy loại.
Trung bình, mỗi bao cám 25 kg tăng từ 45.000-70.000 đồng. Giá nguyên liệu đầu vào tăng được cho là lý do khiến giá thức ăn tăng cao.
Việc giá các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đã khiến người chăn nuôi gặp khó.
Theo tính toán của anh Lê Đoàn Văn Tiến, vừa là hộ chăn nuôi heo với quy mô 300 con vừa là đại lý thức ăn gia súc ở xã Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận), các nông hộ hoặc trang trại chăn nuôi nhỏ không chủ động được con giống thì giá thành chăn nuôi heo xấp xỉ 63.000 đồng/kg.
Với giá heo hơi đang ở mức 68.000 đồng/kg như hiện nay tính ra người chăn nuôi vẫn có lãi. Tuy nhiên, nếu mức hao hụt cao hơn 5% và giá heo tiếp tục giảm theo đà hiện nay thì nguy cơ huề vốn hoặc thua lỗ.
Còn các công ty chăn nuôi lớn như CP, CJ nhờ có chuỗi cung ứng khép kín từ con giống đến thức ăn, giảm được giá thành sản xuất nên vẫn có lãi.
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc giá cám tăng cao đó là các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ. Anh Hoàng Anh, một hộ chăn nuôi gà ở thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) cho biết: Anh có trang trại nuôi gà với công suất 1.000 con ổn định từ nhiều năm qua.
Thời gian qua, giá cám tăng từ 25-30% trong khi giá gà xuất bán tại chuồng không ổn định, có lúc giảm còn 30.000-35.000 đồng/kg khiến anh đau đầu.
Anh đã thử tính sử dụng thêm các thức ăn truyền thống như thóc, bắp, cám gạo để duy trì chăn nuôi nhưng các loại thức ăn này còn tăng mạnh hơn ở mức 35-40% so với nửa năm trước nên tạm thời đành bỏ chuồng.
Trong khi đó, anh Trần Ngọc Hoàng ở thôn Ninh Quý 3, xã Phước Sơn (Ninh Phước), hộ chăn nuôi quy mô 65.000 con lại quyết định giảm đàn. Từ 20.000 con mỗi lứa, hiện nay, anh chỉ tái đàn 8.500 con.
Anh Hoàng nhẩm tính, nếu giá cám dừng ở mức tăng 30% như hiện nay, thì 8.500 con gà từ khi nuôi đến xuất chuồng chi phí thức ăn tăng thêm đã là hơn 100 triệu đồng. Như vậy, lời lãi không được bao nhiêu, chưa nói đến phát sinh dịch bệnh thì người chăn nuôi coi như trắng tay.
Trước tình hình giá bán thức ăn không ngừng tăng, các đơn vị cung ứng lưu ý khách hàng chủ động, có kế hoạch đặt hàng sớm để được hưởng mức giá thấp. Còn một số đại lý thức ăn gia súc như của anh Lê Đoàn Văn Tiến thì đồng hành cùng người chăn nuôi dưới hình thức hỗ trợ đầu tư với mức lãi suất tương đương lãi suất cho vay của một số ngân hàng thương mại.
Hoặc một số khác như đại lý thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y Phú Hải của anh Ngô Văn Hải, ở phường Kinh Dinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) thì cho khách hàng gối đầu theo đơn. Tuy nhiên, việc hỗ trợ đầu tư hay nợ gối đầu cũng được các đại lý cân nhắc rất kỹ tùy mức độ thân quen, uy tín và cả tiềm lực kinh tế.
Đứng trước khó khăn, anh Hoàng Anh cũng như nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận kỳ vọng, định hướng phát triển chăn nuôi theo chuỗi khép kín giá trị từ cung ứng đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm, giảm các chi phí trung gian mà ngành Nông nghiệp tỉnh nhà hướng đến sẽ sớm được triển khai thực hiện trong thời gian tới. Bởi, đây được xem là giải pháp căn cơ giúp người chăn nuôi hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực, đảm bảo phát triển ổn định, lâu dài.