Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên Nguyễn Hồng Nguyên cho rằng, Hội Nông dân cùng các nhà sản xuất cần thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận để đưa sản phẩm cuối cùng ra đến thị trường. Đồng thời, tổ chức việc tuyên truyền và quảng bá thương hiệu sau khi đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Tiếp tục quan tâm xây dựng quy hoạch phát triển vùng sản xuất rau và tuyên truyền, vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm.
Xã cù lao Thạnh Hội được bao bọc bởi sông Đồng Nai. Đây là vùng trồng rau, củ quả nổi tiếng của tỉnh Bình Dương.
Hiện nay, tổng diện tích trồng rau các loại của xã Thạnh Hội khoảng 46ha. Số rau này chủ yếu là: Bạc hà, hành lá, đậu bắp, bí đỏ hạt đậu, rau cải các loại, mùng tơi, hẹ và dưa leo…
Theo Hội Nông dân xã Thạnh Lợi, những nhà vườn trồng bạc hà và bí đỏ hạt đậu áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tiêu chuẩn VietGAP đạt hiệu quả kinh tế cao.
Lợi nhuận sau khi trừ các chi phí của hai loại này từ 10 - 16 triệu đồng/1.000m2/vụ (6 tháng).
Trải qua 2 năm triển khai thực hiện dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất rau đạt chứng nhận VietGAP tại xã Thạnh Hội, đến nay dự án đã kết thúc và đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể "Rau Thạnh Hội".
Do cận kề TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) nên sản phẩm rau ở cù lao Thạnh Hội chủ yếu cung cấp cho 2 chợ đầu mối lớn ở đây là chợ Tam Hiệp và chợ Biên Hòa.
Từ khi cù lao Thạnh Hội trở thành vùng chuyên canh rau củ quả, đời sống nông dân thêm gắn bó với thửa ruộng, khu vườn của mình hơn. Địa phương cũng thành lập các tổ hợp tác sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm cung cấp rau củ quả sạch ra thị trường.