Dân Việt

“Vựa lúa” Đồng Tháp Mười “lên đồng” với cây trồng, vật nuôi mới (Bài 1): Nỗi lo con tôm "ôm" cây lúa

Trần Đáng 10/06/2021 06:10 GMT+7
Từ lâu, Đồng Tháp Mười được xem là “vựa lúa” của cả nước. Thế nhưng, thời vàng son ấy đã qua, khi cây lúa giá cả bấp bênh, nhiều vụ thua lỗ. Thời gian gần đây, bà con nông dân “vựa lúa” Đồng Tháp Mười đang “lên đồng” với cây trồng, vật nuôi mới bởi cho lợi nhuận gấp nhiều lần cây lúa.

Nỗi lo con tôm "ôm" cây lúa ở vùng Đồng Tháp Mười 

Nuôi tôm trên đất lúa là mô hình kinh tế phát triển bền vững ở các tỉnh ven biển miền Tây Nam bộ. Tại khu vực Đồng Tháp Mười, con tôm vẫn "ôm" cây lúa, nhưng đi kèm với nguồn thu nhập "khủng" là những hệ lụy khó lường hết...

Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa (Long An) Nguyễn Văn Minh vừa cho biết, huyện đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 44 trường hợp nông dân đào ao nuôi tôm trên đất lúa trái phép. Tổng số tiền xử phạt là 474 triệu đồng.

“Vựa lúa” Đồng Tháp Mười (Long An) “lên đồng” với cây trồng, vật nuôi mới: Nỗi lo con tôm “ôm” cây lúa  - Ảnh 1.

Ao nuôi tôm trên đất lúa mọc lên chi chít ở xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa, Long An).

"Vết dầu loang" nuôi tôm trên đất lúa

Thời điểm này, tại nhiều khu vực ở Đồng Tháp Mười nông dân đang dọn đất chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè – thu.

Tuy nhiên, tại khu vực ấp 2 (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, Long An) nhiều dụng cụ sục khí trong ao tôm đang xoay tít tung tóe bọt nước để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Xem ra, quyết định xử phạt hàng trăm triệu đồng đối với 44 trường hợp vi phạm nuôi tôm trên đất lúa của huyện Mộc Hóa mới đây gần như không đủ sức răn đe.

Tại khu vực ấp 2, hàng loạt ao tôm nối tiếp nhau trên đất lúa được nông dân đầu tư khá bài bản.

Khu vực này nằm ven sông Vàm Cỏ Tây nên quanh năm nước ngọt. Nhưng bên trong đê bao ngăn lũ là những ao tôm nước mặn nối tiếp.

Theo UBND huyện Mộc Hóa, tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 68 hộ nông dân tự ý chuyển đổi từ đất sản xuất lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích hơn 115ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm nhiều nhất tập trung tại xã Tân Lập.

Theo nhiều nông dân nuôi tôm tại khu này, khởi điểm nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất lúa từ ông Lê Trường Sơn.

Với 1ha nuôi tôm thẻ chân trắng, vụ thu hoạch tôm nào ông Sơn cũng có doanh thu hàng trăm triệu đồng. Lợi nhuận nuôi tôm cao gấp hàng chục lần trồng lúa.

Nghe ông Sơn nuôi tôm lời tiền tỷ, anh Nguyễn Văn Lùn (ấp 2) cũng về nhà đào ao nuôi tôm. Mặc dù, trước khi khởi nghiệp nuôi tôm anh Lùn thiếu vốn, thiếu kỹ thuật.

"Thấy ông Sơn nuôi tôm có hiệu quả kinh tế cao, nên tôi cũng làm theo ổng. Cũng may hơn 2 năm nuôi tôm tôi chưa thua vụ nào. Tôi thấy hiệu quả nuôi tôm tốt hơn nhiều lần trồng lúa", anh Lùn thổ lộ.

Do nuôi tôm tự phát, nên cơ sở hạ tầng nông dân phải tự đầu tư. Theo anh Lùn, đầu tư cho 1.000m2 ao tôm, nông dân phải tốn khoảng 100 triệu đồng. Mức đầu tư này, thậm chí mới đủ cho đào ao, mua sắm dụng cụ, chưa kể mua con giống.

Trong khi ở khu vực nước ngọt này muốn cho con tôm sống, nông dân phải tạo ra nguồn nước mặn.

Muốn có nước mặn, người nuôi phải khoan giếng đến tầng mặn sâu 30 - 40m. Nước mặn 4 - 9‰ (phần nghìn) sau khi hút lên sẽ được đưa vào ao lắng xử lý rồi mới đưa vào ao nuôi tôm.

Hoặc nếu nước khoan không đủ độ mặn, nông dân sẽ dùng muối để nâng độ mặn lên 20 tấn/1.000m2 để nuôi tôm.

Theo nhiều lão nông ở Đồng Tháp Mười, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn khó có thể dừng lại.

Nông dân trồng lúa khó có thể xuống giống khi nhìn sang bên ao tôm thu lợi nhuận tiền tỷ.

“Vựa lúa” Đồng Tháp Mười (Long An) “lên đồng” với cây trồng, vật nuôi mới: Nỗi lo con tôm “ôm” cây lúa  - Ảnh 2.

Một ao nuôi tôm ở xã Tân Lập đang vệ sinh chuẩn bị thả giống.

Thực tế cho thấy, từ phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng xuất phát ở ấp 2 (xã Tân Lập), giờ như vết dầu loang. Xã Tân Lập có 7 ấp thì gần như 7 ấp có tình trạng đào ao nuôi tôm.

Và thời gian qua, "vết dầu loang" nuôi tôm này tiếp tục lan ra các xã, các huyện lân cận.

Tại các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và Tx.Kiến Tường hiện có 122 hộ dân nuôi tôm nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt với diện tích 215ha.

Diện tích nuôi tôm trên đất lúa sẽ còn tăng

Để chấn chỉnh, xử lý và có giải pháp trong thời gian tới, mới đây, Sở NNPTNT tỉnh Long An đã rà soát, thống kê tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, qua nắm thông tin từ người dân, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng có lợi nhuận khá. Một số nông dân nuôi có lợi nhuận rất cao, nhất là ở huyện Mộc Hóa.

Bình quân lợi nhuận cho 1ha/vụ nuôi tôm (3 tháng) doanh thu khoảng 750 triệu đồng.

Mỗi năm nông dân nuôi khoảng 3 vụ/ha, doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Trừ chi phí đầu tư đào ao, trang thiết bị ban đầu, nông dân sẽ thu lãi khoảng hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

Đối với các hộ nuôi tại các huyện còn lại cũng đều có lợi nhuận nhưng thấp hơn vùng nuôi tại Mộc Hóa do mật độ nuôi, năng suất, sản lượng thấp hơn. Chính vì lợi nhuận cao như thế nên theo dự đoán, diện tích nuôi tôm thẻ trong thời gian tới khả năng tiếp tục tăng.

“Vựa lúa” Đồng Tháp Mười (Long An) “lên đồng” với cây trồng, vật nuôi mới: Nỗi lo con tôm “ôm” cây lúa  - Ảnh 3.

Ao nuôi tôm trên đất lúa vẫn mọc lên ở Đồng Tháp Mười.

Dù vậy, theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh, việc đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi ở vùng nước ngọt là không phù hợp về đặc điểm sinh học, sự phát triển tự nhiên hài hòa của vùng.

Việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt sẽ tác động tiêu cực đến mạch nước ngầm do khai thác quá mức, gây thiếu nước vào mùa khô, sụt lún đất đai.

Ngoài ra, trong quá trình nuôi tôm việc xả thải, thẩm thấu nước nhiễm mặn từ các ao nuôi ra môi trường bên ngoài gây nhiễm mặn cho vùng nước ngọt, ảnh hưởng đến sản xuất lúa và các cây trồng khác.

Bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát dịch bệnh và khó kiểm soát dẫn đến rủi ro thiệt hại lớn cho nông dân.