Từ năm 2018, người dân xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa, Long An) tự đào ao trên đất lúa nuôi tôm thẻ chân trắng, với 3ha.
Lợi nhuận ban đầu cao gấp nhiều lần so với làm lúa, trung bình 500-700 triệu đồng/vụ/ha nên phong trào đào ao nuôi tôm trên đất lúa lan rộng ra các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, hiện toàn vùng có 93 giếng khoan với 92,74ha nuôi tôm thẻ chân trắng.
Riêng tại huyện Mộc Hóa, theo UBND huyện, hiện diện tích nuôi tôm thẻ do người dân tự phát khoảng 46ha và 67 giếng khoan trái phép.
Việc người dân "xé rào" quy hoạch, tự phát đào ao nuôi tôm tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Qua khảo sát, đa phần các ao nuôi tôm ở đây đều không có hệ thống xử lý nước thải nên thải trực tiếp ra kênh hoặc môi trường sống. Về lâu dài, nguy cơ làm cho nước mặn và chất thải thấm sâu vào đất, nguồn nước nhiều khả năng nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng, nhiễm mặn.
Trước tác hại của nuôi tôm nước lợ trong vùng ngọt hóa, tại buổi hội thảo "Đánh giá việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt và giải pháp quản lý" vừa qua tại Mộc Hóa, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, tỉnh không chủ trương cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất lúa.
Đồng thời, ngành đề nghị các địa phương tập trung kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Đối với những diện tích đã đào ao nuôi, địa phương tiếp tục vận động người dân nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt khác. Thậm chí, buộc trả lại hiện trạng đất trồng lúa đối với các trường hợp đào ao mới, đào ao sau khi đã bị xử lý.
Tính đến nay, ngành chuyên môn đã kiểm tra và xử lý 14 trường hợp vi phạm (10,21ha) với số tiền 144 triệu đồng; 7 trường hợp (12 giếng khoan) với số tiền 23,7 triệu đồng.
Hiện, Điện lực Mộc Hóa đã không giải quyết cấp điện cho các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt trên địa bàn.
Từ ngày xảy ra tình trạng đào ao nuôi tôm trên đất lúa, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan xử lý nghiêm nhằm chấn chỉnh tình trạng này nhưng diện tích nuôi tôm vẫn tăng.
Thực tế cho thấy, rất khó xử lý các hộ đào ao nuôi tôm trên đất lúa.
Theo một lãnh đạo xã Tân Lập, thực tế người dân nuôi tôm đang có siêu lợi nhuận. Trung bình, sau 3 tháng nuôi người dân thu khoảng 37 tấn tôm/ha, lãi trên 2 tỷ đồng, gấp mấy chục lần so với trồng lúa. "Người nuôi tôm chưa có vụ nào lỗ", vị này chia sẻ.
Theo anh Trương Thành Sơn (xã Tân Lập), trồng lúa bây giờ lợi nhuận không cao, chỉ khoảng 20-25 triệu đồng/năm/ha. "Chúng tôi phải chuyển đổi sang nuôi tôm vì mang lại hiệu quả rất cao. Một vụ nuôi tôm bằng nhiều năm làm lúa", anh Sơn thổ lộ.
Với thực tế này, nếu ngành điện lực cắt hoặc không cung cấp điện, nhiều khả năng nông dân nuôi tôm ở Đồng Tháp Mười sẽ sắm máy phát điện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.