Trở về huyện nông thôn mới kiểu mẫu Đơn Dương, phóng viên báo Dân Việt đã ghé thăm Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM Gõh Churu (thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) của các mẹ người dân tộc thiểu số Churu.
Đây là tổ hợp tác rau hữu cơ được đánh giá có cách làm hay, tiến bộ tại địa phương. Đặc biệt, mô hình thể hiện tư duy mới mẻ, vì sức khỏe cộng đồng của những mẹ người dân tộc thiểu số Churu.
Video: Các mẹ người dân tộc Churu tại thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương làm rau hữu cơ.
Người đầu tiên thực hiện mô hình canh tác rau hữu cơ tại thôn Ma Đanh là chị Ma Đậm (35 tuổi).
Chị Đậm cho hay, mình từ nhỏ sinh ra và lớn lên ở địa phương, đi làm thuê tại các vườn trồng rau nên chị hiểu cách làm lợi dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật của các nhà vườn. Hơn nữa, khi đi làm về chị Đậm thường bị đau đầu do hít phải thuốc bảo vệ thực vật.
Chính vì thế, năm 2016, tại khu vườn 1.000m2 của gia đình, chị đã trồng các loại rau theo hướng hữu cơ. Sau đó, được sự hỗ trợ của tổ chức Caritas Đà Lạt, chị Đậm đã cùng với các phụ nữ khác trong thôn lập ra Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM Gõh Churu.
Được đưa đến khu vườn trồng rau hữu cơ rộng chỉ khoảng 500m2 của chị Ma Vân (35 tuổi, thôn Ma Đanh), phóng viên cũng ngỡ ngàng bởi khu vườn rau vẫn xanh tốt các loại rau từ cà rốt, đậu que, dưa leo, cải bắp dù chẳng dùng phân hay thuốc trừ sâu.
Chị Ma Vân cho biết: "Trước đây, với diện tích đất này của gia đình tôi chỉ trồng được ngô nếp, rau lang để ăn hàng ngày. Nhưng khi được chị Ma Đậm hướng dẫn trồng rau hữu cơ thì tôi thấy hiệu quả hơn rất nhiều. Thay vì chỉ sử dụng trong gia đình thì tôi còn bán được rau ra ngoài với thu nhập trung bình từ 3-5 triệu đồng mỗi tháng...".
"Tôi cũng giống như các chị em khác, đi làm thuê nên mình biết được tác hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Vì thế, mọi người đều canh tác theo hướng hữu cơ, làm sao để đưa ra những sản phẩm tốt nhất, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng", chị Ma Vân chia sẻ.
Trò chuyện với phóng viên, hầu hết các tổ viên đều ý thức được cách làm của mình vừa có lợi cho bản thân, vừa đảm bảo được sức khỏe cho khách hàng. Chính vì làm việc từ tâm nên các sản phẩm của tổ hợp tác từ khi mới ra đời đã được đón nhận và ổn định cho đến nay.
Đón phóng viên tại khu vực sơ chế và đóng gói rau, củ quả của tổ hợp tác chỉ rộng chừng vài chục mét vuông, chị Ma Điểm (phụ trách kinh doanh, truyền thông của tổ hợp tác) cho hay: "Mặc dù dịch Covid-19 hiện nay đang diễn biến phức tạp nhưng chúng tôi vẫn xuất bán hàng tấn rau mỗi tháng...".
Theo chị Ma Điểm, với giá bán trung bình 35 ngàn đồng/kg, rau của các chị em vẫn được tiêu thụ ổn định với lượng khách hàng thân quen. Vì vậy, các chị em trong tổ hợp tác vừa có thu nhập giao động từ 3-5 triệu đồng hàng tháng lại vừa có rau sạch để sử dụng hàng ngày...
Cũng là người phụ trách kinh doanh của tổ hợp tác, chị Ma Phương chia sẻ, mục đích ban đầu và xuyên suốt từ khi thành lập tổ đến nay là vì sức khỏe của mọi người.
Mọi người trong tổ đều là người dân tộc Churu, làm thuê tại các nhà vườn nên hiểu rất rõ tác hại của thuốc bảo vệ thực vật. Không những thế, các sản phẩm trong vườn cũng chính là thức ăn hàng ngày nên người trồng phải "bảo vệ chính mình".
Nhổ những cây cà rốt trong vườn chị Ma Vân chia sẻ, tất cả cây trồng trong vườn đều được trồng theo hướng hữu cơ. Các tổ viên chỉ sử dụng phân heo, phân bò trộn với vỏ cà phê, thân cây chuối và rơm rạ để ủ từ 2-3 tháng. Khi phân ủ này hoai mục thì dùng bón lót để trồng rau.
"Những thành viên trong tổ hợp tác chỉ sử dụng thời gian rảnh rỗi buổi sáng và chiều tối để chăm sóc vườn cây của mình. Thời gian còn lại chúng tôi vẫn đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Khi cây trong vườn có sâu, chúng tôi cũng chỉ dùng tay bắt, chẳng sử dụng các loại thuốc gì khác. Có sâu cũng kệ, cái nào đẹp thì bán, xấu thì để sử dụng làm thức ăn", chị Vân tự hào nói.
Sau khi rau củ được đưa về điểm sơ chế sẽ tiếp tục được lựa chọn, phân loại rồi đóng gói trong các gói và thùng giấy. Cách làm này cũng giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng bao bì, rác thải nhựa. Các sản phẩm sẽ được các thành viên thu hoạch vào sáng thứ 5 và chủ nhật hàng tuần để đưa đưa ra thị trường theo đơn hàng.
Các thành viên trong tổ hợp tác rau hữu cơ IEM Gõh Churu đều hy vọng trong năm 2021 sẽ có thêm "đồng đội" và tăng thêm diện tích trồng rau hữu cơ. Bởi hơn ai hết, các mẹ người Churu đều hiểu được nông nghiệp hữu cơ đang được xem là xu hướng và có lợi thế để phát triển trong thời gian tới.