Khám phá chùa Địa Tạng Phi Lai ở Hà Nam: "Rừng là Phật, còn rừng là còn chúng sinh"
Khám phá chùa Địa Tạng Phi Lai ở Hà Nam (bài 2): "Rừng là Phật, còn rừng là còn chúng sinh"
Minh Ngọc
Thứ hai, ngày 07/06/2021 07:00 AM (GMT+7)
Hiện nay, chùa Địa Tạng Phi Lai, ở thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) thường xuyên có trên 20 bạn học sinh, sinh viên đến để giúp đỡ công việc của nhà chùa. Bên cạnh đó, còn được sư trụ trì giảng dạy về đạo lý nhà Phật, giúp các em không chỉ trưởng thành hơn mà còn biết yêu mến đạo Phật.
CLIP: Các bạn trẻ chia sẻ cảm nhận về chùa Địa Tạng Phi Lai ở tỉnh Hà Nam.
"Rừng là Phật, còn rừng là còn chúng sinh"
Đó là những chia sẻ của sư Trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai Đại đức Thích Minh Quang trong buổi trò chuyện cùng PV Báo điện tử Dân Việt.
Một ngày đầu tháng 6, cái nắng như rang của đồng bằng Bắc bộ không làm tôi nản lòng trên hành trình tìm về ngôi chùa cổ hơn 1.000 năm tuổi có tên Địa Tạng Phi Lai.
Trên con đường dẫn vào chùa là hình ảnh của một làng quê Bắc bộ vẫn còn giữ được những nét xưa cũ, với những con người thôn quê, hồn hậu, chất phác. Hiện đang là thời điểm thu hoạch lúa xuân, mùi của rơm rạ, lúa mới tạo nên nét đặc trưng mà ai đã từng ở nông thôn thì đều không thể quên.
Đi qua cánh đồng lúa của thôn, chùa Địa Tạng Phi Lai đã hiện dần trước mắt, chùa tựa lưng vào núi mà người làng Ninh Trung vẫn truyền tai nhau rằng: "Hai bên là tả Thanh Long - hữu Bạch Hổ".
8 giờ sáng, cái nắng chang chang rọi xuống sân chùa, trụ trì Đại Đức Minh cùng hơn 20 bạn học sinh, sinh viên đang tưới cây, tỉa lá, quét dọn sân chùa. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, đội chiếc nón lá, rồi thầy bước tới mời tôi vào phòng trà.
Rót chén trà mời khách, thầy Minh cho biết, cứ mỗi dịp nghỉ hè thì nhà chùa lại có vài chục em học sinh, sinh viên đến đây để phụ giúp nhà chùa.
Tháng 12/2015 thầy Minh về làm trụ trì của chùa và đổi tên thành Địa Tạng Phi Lai. Chùa nằm tựa lưng vào núi, trên núi với rừng thông đẹp như tranh vẽ luôn là điểm được phật tử, du khách tìm đến mỗi khi đến chùa.
Với quan niệm sống gần gũi với thiên nhiên, từ đầu năm tới nay, thầy Minh đã vận động người dân thôn Ninh Trung cùng các bạn học sinh, sinh viên trồng được hơn 10.000 cây thông. Thầy Minh cho rằng: "Rừng là Phật, còn rừng là còn chúng sinh".
Để gắn bó hơn giữa nhà chùa với người dân làng Ninh Trung, cứ vào ngày mùng 5 tháng giêng (ngày Tết trồng cây), thầy Minh lại bớt tiền lì xì của mình để cây giống như: mít, vú sữa, khế... về tặng cho người dân trong làng.
Cũng bởi sự gắn bó giữa nhà chùa với người dân làng Ninh Trung, bởi thế, hôm tôi đến chùa, cứ một lúc lại thấy người già, người trẻ trong thôn đến để quét dọn, tưới cây, lau chùi bàn ghế giúp nhà chùa.
Sư thầy Thích Đức Tâm bảo: "Cứ mỗi buổi sáng lại có 1 bà cụ gần 70 tuổi ra chùa để quét lá trên các bậc thềm. Mặc dù tuổi đã cao nhưng sức khỏe vẫn rất dẻo dai, cụ quét hết cả mấy trăm bậc đá dẫn lên núi".
Theo chân thầy Thích Đức Tâm, tôi được đến thăm nhà thuốc của chùa ở trên núi. Theo thầy Tâm, nhà chùa đang trồng thảo dược và một số cây thuốc. Để bào chế, bảo quản thuốc, chùa đã dựng một căn nhà trên núi để sau này nếu có người bệnh sẽ đưa lên đây để bốc thuốc, chữa bệnh. Người chữa bệnh sẽ là một sư thầy của nhà chùa.
Cũng theo thầy Tâm, để phục vụ bữa ăn cho các tăng ni phật tử, học sinh, sinh viên, chùa còn tự tăng gia 1 nhà trồng nấm, rau xanh, đậu phụ tự ép, tránh phụ thuộc vào bên ngoài.
Tư tưởng xuyên suốt của đạo Phật là hướng con người quay trở về với giá trị nguyên sinh, bản thể thanh tịnh tiềm tàng của bản thân. Đó là hướng giáo dục đưa nhân sinh quay trở về với Phật tính vốn sẵn trong mỗi con người chúng ta.
Nhà sư Đại đức Thích Minh Quang - Trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai
Ngôi chùa cũng là trường học
Chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt, Đạiđức Thích Minh Quang cho biết, mỗi năm thầy giảng dậy về đạo Phật qua hình thức là các khóa tu cho khoảng 10.000 em.
Theo thầy Quang, mục tiêu của các khóa tu không phải đào tạo các em thành những nhà sư, mà qua đó mong muốn các em tạo ra một sân chơi an toàn, vui và có ý nghĩa sau mỗi ngày học tập áp lực, đồng thời lồng ghép vào việc sửa đổi những hành vi, lời nói, ý nghĩ, giúp các em không chỉ trưởng thành hơn mà còn biết yêu mến đạo Phật.
Bạn Nguyễn Minh Trang, đến từ huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Ngôi chùa thực sự là một trường học lớn giúp em và các bạn trẻ có điều kiện được học điều hay, lẽ phải. Đây cũng là môi trường để các em kết nối những thiện duyên, biết sống hòa nhập với nhau, hướng đến lối sống tích cực, lành mạnh và có trách nhiệm".
Biết đến thầy Minh qua một khóa tu, Trang được bạn bè giới thiệu về ngôi chùa Địa Tạng Phi Lai cô gái trẻ sinh năm 1997 này đã xin đến đây để có thể giúp nhà chùa cũng như bản thân được học những đạo lý tốt đẹp của nhà Phật.
Trang cho hay, lần đầu tiên đặt chân đến chùa Địa Tạng Phi Lai cô đã rất ấn tượng với một ngôi chùa yên bình, cảm thấy cuộc sống vội vã, xô bồ bên ngoài dường như biến mất. "Tâm trí thoải mái, mọi thứ lo toan bên ngoài gần như không hiện hữu ở ngôi chùa này" - Trang nói và cũng cho biết, bố mẹ cô rất vui mừng khi biết cô con gái của họ đang làm một việc rất tốt cho bản thân.
Tương tự như Trang, cô sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Hà Nội Bùi Trúc Ngân biết đến chùa Địa Tạng Phi Lai qua một khóa tu. Trò chuyện với tôi, Ngân không nhớ đã bao nhiêu lần cô sinh viên này đến với chùa.
Điều mà cô luôn nhớ, mong mỏi, đó là, có thời gian cô lại tìm về ngôi chùa này, tại đây, cho cô cảm giác yên bình, mọi thứ đều diễn ra chậm lại để nhìn nhận lại cuộc sống, công việc, bản thân được hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ.
"Mẹ em là người cũng thường xuyên đi lễ chùa, mẹ thì rất ủng hộ việc làm của em. Nhưng bố thì không ủng hộ lắm. Nhưng, đến thời điểm hiện tại em đang dần thuyết phục được bố mình" - Ngân tâm sự.
Sau buổi sáng giúp nhà chùa, các bạn học sinh, sinh viên sẽ cùng nhau vào bếp nấu những món ăn chay cho bữa trưa. Chẳng ai phải bảo ai, tự mỗi người một việc. Người rán đậu, người nhặt rau, rửa bát...
Điều đặc biệt, trước khi vào dùng cơm, tất cả mọi người sẽ đọc kinh theo sư trụ trì. Bữa cơm chay hôm nay có đậu rán, dưa muối và khoai tây kho với bí xanh. Theo quy định, sau khi tụng kinh xong mọi người sẽ dùng cơm và trong khi ăn sẽ không được nói chuyện với nhau.
Đại đức Thích Minh Quang cũng chia sẻ, vào thứ 6 của mỗi tuần, các bạn học sinh, sinh viên sẽ được "tự do", hoạt động và làm việc theo sở thích. Trong 3 bữa ăn, sáng - trưa - tối cũng tùy sở thích của mỗi người, ai ăn món gì sẽ tự vào bếp nấu.
Chị Nguyễn Thị Hương Giang, ở TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình cho biết, khi nào trong tâm cảm thấy có "duyên" cả gia đình 4 người của chị sẽ tìm về chùa Địa Tạng Phi Lai để khấn phật cũng như cảm nhận sự yên bình tại nơi đây. Sau khi được bố mẹ đưa đến đây, 2 cô con gái Đinh Thu Thanh Vũ (lớp 4) và Đinh Nguyên Lâm (lớp 6) cũng đều rất thích thú với khung cảnh ở chùa.
Đinh Thu Thanh Vũ chia sẻ: "Cháu rất thích đến ngôi chùa này, tại đây các sư rất tận tình, khung cảnh ở chùa rất đẹp, gần gũi với thiên nhiên. Sau này cháu rất muốn được tiếp tục tới đây cùng với gia đình".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.