Hơn 20 ngày nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, thành phố Hà Nội yêu cầu nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, cửa hàng cắt tóc, gội đầu… tạm dừng hoạt động cũng là khoảng thời gian anh Nguyễn Viết Quang (24 tuổi), quản lý quán bia trên đường Vũ Phạm Hàm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cùng hơn 20 nhân viên rơi vào cảnh thất nghiệp.
Hôm qua (10/6), khi nghe tin thành phố Hà Nội đang xem xét có lộ trình nới lỏng một số hoạt động thiết yếu, anh Quang cảm thấy vui và mong mỏi chờ đợi ngày đó sẽ đến sớm.
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Quang cho biết, thời gian vừa qua, nhân viên quán cũng như những nhân viên dịch vụ, cơ sở ăn uống đều không có thu nhập, công việc không ổn định khi hàng quán đóng cửa. Đây cũng là mùa dịch thứ 4 làm ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh doanh…
"Suốt những ngày vừa qua chúng tôi luôn theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội. Chính phủ và thành phố rất quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh, truy vết ca bệnh. Tại thủ đô ngoài những ca dương tính mới được phát hiện tại ổ dịch ở huyện Đông Anh thì các quận huyện khác dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt.
Chúng tôi rất mong mỏi nhà hàng, quán ăn được mở lại để mọi người có công ăn việc làm", anh Quang trải lòng.
Theo anh Quang, thời điểm khi không có dịch bệnh, quán vào những ngày hè luôn tấp nập. Có ngày cao điểm đón 200-300 khách vì người Hà Nội rất ưa chuộng bia hơi. Tuy nhiên, kể từ khi có dịch Covid-19 đến giờ, khách giảm xuống đáng kể. Nhà hàng ảnh hưởng rất nhiều, không có thu nhập. Khoảng 20-30 nhân viên nhà hàng phải nghỉ không lương.
"Những nhân viên khu vực phải giãn cách không về quê được, quán đều hỗ trợ ăn uống, ngủ nghỉ. Dịch bệnh như thế này chủ đầu tư cũng rất đau đầu vì doanh thu không có. Chúng tôi làm việc tại đây chủ đầu tư rất dễ tính, quan tâm đến nhân viên, hỗ trợ chúng tôi nhà trọ...", anh Quang cho hay.
Anh Quang cho biết, quán chấp hành quy định, chủ trương phòng chống dịch Covid-19. "Tôi hy vọng người dân có ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh. Cùng với đó, mặt hàng thiết yếu sẽ mở cửa sớm nhất có thể để chúng tôi bắt đầu công việc, lo cho cuộc sống, gia đình", anh Quang nói thêm.
Dịch bệnh hàng quán đóng cửa khiến thu nhập của ông Đinh Công Xuân (65 tuổi) làm bảo vệ quán bia trên đường Trần Thái Tông giảm từ 7 triệu đồng xuống 3,5 triệu đồng/tháng. Theo ông Xuân, mức thu nhập này tạm đủ cho ông trang trải cuộc sống tại thủ đô.
Ông Xuân kể, ông làm bảo vệ đến nay đã 7 năm. Khoảng 20 nhân viên của quán phải nghỉ việc, 20 người còn lại "lay lắt" chờ việc. Có người tranh thủ đi làm phụ hồ, xây dựng kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, gia đình.
"Người dân chúng tôi rất tin tưởng vào những chủ trương của Chính phủ, thành phố Hà Nội. Việc đóng hàng quán cũng là việc cấp thiết để ngăn chặn, tránh dịch bệnh bùng phát, diễn biến phức tạp.
Hôm qua nghe tin Hà Nội đang xem xét lộ trình nới lỏng một số hoạt động thiết yếu tôi thấy đây là tín hiệu vui. Tôi hy vọng thành phố sớm nới lỏng trong một số hoạt động như kinh doanh, ăn uống để chúng tôi có việc làm trở lại. Bên cạnh đó, khi được mở cửa trở lại chúng tôi luôn chấp hành thực hiện giãn cách, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh", ông Xuân chia sẻ.
Tương tự, tại các quán cắt tóc ở khu chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), nhiều ngày nay nhân viên đã về quê, có người ở lại trông nom cửa hàng. Anh Nguyễn Văn Linh (một nhân viên cắt tóc) cho biết, do ảnh hưởng của dịch nên toàn bộ nhân viên đều phải nghỉ việc không lương.
"Những ngày này, nhân viên cũng chia sẻ với chủ cửa hàng vì phải chi trả số tiền lớn thuê mặt bằng. Nhiều người về quê. Người thì đi làm thêm công việc khác. Nhiều khách thi thoảng nhắn tin cho chúng tôi mong đến ngày mở cửa trở lại để được gội đầu, cắt tóc. Chúng tôi cũng mong cửa hàng sớm được mở cửa trở lại phục vụ nhu cầu người dân", anh Linh chia sẻ.
Ngày 10/6, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng BCĐ phòng chống dịch bệnh Covid-19 Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận, huyện, xã phường.
Tại cuộc họp, ông Chu Ngọc Anh đánh giá: 2 nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ, sự kiện chính trị quan trọng, duy trì và phát triển sản xuất thực hiện mục tiêu kép đã và đang được thực hiện tốt với các giải pháp "đúng", "trúng" và hiệu quả.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: "Liên tục những ngày qua, Trung ương, Thủ tướng, Thành ủy, Bí thư Thành ủy đã có chỉ đạo, tất cả các đơn vị cần quán triệt với tinh thần kiên quyết không để dịch bệnh lây lan. Từ đó có xem xét có lộ trình nới lỏng một số hoạt động thiết yếu, hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội..."