Trong nước, chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC được niêm ở mức 56,7 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 57,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra, giảm 200.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày 11/6. So với đầu tuần ngày 8/6, giá vàng thấp hơn 200 - 300 nghìn đồng/lượng.
Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu: 1 USD = 23.050 VND, giá vàng thế giới tương đương 52,14 triệu đồng/lượng, thấp hơn 5,16 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra ở cùng thời điểm.
Như vậy, trong tuần qua, dù giá vàng thế giới giao ngay đã giảm 20,4 USD/ounce và đóng cửa tuần ở mức 1.877,8 USD/ounce. So với cuối tuần trước, giá đóng cửa tuần này cũng thấp hơn 14,2 USD. Tuy nhiên, biến động của giá vàng SJC vẫn nằm trong ngưỡng có thể chấp nhận được.
Liên quan đến danh mục đầu tư là kim loại quý này, trong phần chia sẻ trên kênh Tài chính & Kinh doanh, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cho rằng, ở góc độ của vàng, có thể biến động giá không cao. Tuy nhiên, vàng - đặc biệt vàng trong nước là công cụ phòng thủ tuyệt vời cho các nhà đầu tư.
Theo ông Tuấn, nguyên tắc cơ bản của đầu tư là mua giá thấp và bán lúc giá cao. Do vậy, đầu tiên phải hiểu biến động của giá, thứ hai phải hiểu các lớp tài sản để quản trị rủi ro của danh mục bằng cách phân bổ vào các tài sản khác nhau.
Khi nhà đầu tư hiểu về biến động thị trường, hiểu sự biến động lệch pha giữa các lớp tài sản, thì sẽ nhận ra trong một số thời điểm sẽ có một lớp tài sản tăng giá và một lớp tài sản giảm giá.
Đối với vàng trong nước, quan sát diễn biến của thị trường trong thời gian qua có thể thấy, giá vàng thế giới xuống mức 1.700 USD/ounce thì giá vàng trong nước chỉ quanh quẩn mức 55 triệu đồng/lượng. Trường hợp giá vàng thế giới vượt lên 1.900 USD/ounce thì giá vàng trong nước ngay lập tức lên 57 triệu đồng/lượng.
Lý do bởi cung cầu vàng SJC của Việt Nam hiện tại đang bị lệch về phía cầu. Hiểu đơn giản là bất kỳ một biến động giá nào ở thế giới khi mà tăng 5-10 USD/ounce, thì biến động vàng trong nước có thể tăng từ 500.000 - 1.00.000 đồng/lượng".
"Chính vì vậy, tôi vẫn luôn luôn chia sẻ quan điểm của mình, vàng - đặc biệt là vàng vật chất luôn luôn là tài sản có trong danh mục của nhà đầu tư, tối thiểu 5%", ông Tuấn nói.
Dẫn chứng cho quan điểm này, ông Tuấn cho rằng, tháng 5/2021 có thể được xem là tháng khá rực rỡ của vàng khi lạm phát tại Mỹ đã đưa giá vàng thế giới lên rất cao.
Cụ thể, lạm phát cùng kỳ của tháng 5 0,9% so với kỳ vọng 0,3%. Tính số lạm phát thực tế lên con số 4,2% cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Chính yếu tố này cũng như sự sụt giảm của Bitcoin, số liệu về việc làm của Mỹ đã đẩy giá vàng lên rất cao và giá vàng trong nước cũng như vậy.
"Khi nhà đầu tư mua một phần tài sản ở giá 55 triệu đồng/lượng và hiện tại đang ở mức 57 triệu đồng/lượng thì nhà đầu tư sẽ hiểu được bản chất quan trọng nhất khi đầu tư là bảo toàn và phát triển tài sản của mình", ông Tuấn cho hay.
Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long cũng cho biết, nhiều người chỉ nghĩ đơn giản mua cái gì thì phải kiếm lợi ngay từ cái đó, không hiểu được bản chất câu chuyện ở đây là dự phòng cho cả danh mục đầu tư.
Ông Long phân tích, bản chất vàng là một loại tài sản giữ giá vì có cả giá trị sử dụng lẫn giá trị được gán cho đặc tính phát triển của thị trường tài chính. Các quỹ đầu tư trên thế giới cũng gán giá trị phòng thủ cho vàng để hành động theo một lớp tài sản là vàng.
Diễn biến trên thị trường cho thấy, trường hợp những tài sản có tính rủi ro cao như Cổ phiếu, Bitcoin.. sụt giảm thì vàng sẽ tăng giá - Đó là tính chất bảo vệ, phòng vệ cho danh mục đầu tư của nhà đầu tư.